Bài 2: Chấn hưng văn hóa, hàn gắn đạo đức xã hội: Bắt đầu từ đâu?

Để một đứa trẻ không bĩu môi dè bỉu khi nghe cha mẹ nói về gia phong, để những đứa cháu không coi ông bà là lạc hậu khi nói về mỹ tục, để có thể bớt đi những lối ứng xử lệch lạc, thiếu văn hóa, thiếu tình người đến mức dã man, phi nhân tính; để giảm đi sự suy thoái về đạo đức, tha hóa về nhân cách của một bộ phận không nhỏ những 'công bộc của dân'… thì điều căn cốt nhất, bức thiết nhất lúc này là chấn hưng văn hóa, là hàn gắn những đứt gãy trong đạo đức xã hội.

Xin chữ ngày Xuân - nét đẹp văn hóa truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Xin chữ ngày Xuân - nét đẹp văn hóa truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Câu hỏi đặt ra là: Chấn hưng, hàn gắn phải bắt đầu từ đâu, để thực sự có hiệu quả?

Nhận diện những tác nhân

Để trị được bệnh trước hết phải tìm rõ được căn nguyên gây ra bệnh. Với căn bệnh trầm kha như đứt gãy văn hóa, đứt gãy đạo đức, rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã lên tiếng chỉ mặt đặt tên những tác nhân chính yếu dẫn đến căn bệnh khiến cả xã hội nhức nhối nhiều năm qua.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân là do chúng ta đã quá chú tâm phát triển kinh tế mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức. Trong đó, việc giáo dục trong gia đình buông lỏng, thiếu quan tâm; giáo dục trong nhà trường nặng kiến thức chuyên môn mà giáo dục nhân cách, trách nhiệm công dân chưa tương xứng.
“Công cuộc giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa phù hợp, chưa hiệu quả, mới thiên về "dạy chữ", dạy nghề mà chưa chú trọng đúng mức đến việc "dạy người", giáo dục đạo đức cá nhân, đạo đức công dân”- GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhìn nhận.

TS Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với báo chí từng cho rằng, chuyện đạo đức xã hội sa sút có nhiều nguyên nhân, ngoài lý do chủ quan là một bộ phận thanh thiếu niên ở lứa tuổi bồng bột, tâm sinh lý chưa hoàn thiện, thích a dua, đua đòi theo những trào lưu văn hóa lệch chuẩn trên mạng xã hội, còn xuất phát từ căn nguyên sâu xa là do nhiều nơi chưa chú trọng chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để giới trẻ được thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần bổ ích, phong phú.

Ở một góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn cho rằng, giá trị đạo đức xã hội được vận hành bởi 3 yếu tố là gia đình, công quyền và tôn giáo. Hiện nay, giá trị đạo đức từ 3 yếu tố này đều có vấn đề. Trong đó, gia đình - “tế bào của xã hội” đã bị đời sống vật chất chi phối, thiếu sự gắn kết, thiếu hụt tình cảm yêu thương, đùm bọc. Bữa ăn gia đình lẽ ra nên là nơi khởi nguồn, thắp sáng lý tưởng cao đẹp cho con cái thì lại bị bủa vây bởi những câu chuyện vật chất. Cha mẹ thiếu định hướng về thẩm mỹ, về tư duy, nhận thức cho con cái, thậm chí thiếu gương mẫu đã dẫn đến việc giới trẻ phải tự mày mò, tìm kiếm. Trong khi đó, mạng xã hội giống như một bàn ăn đầy đủ các món, ai cảm thấy mình hợp khẩu vị món nào thì chọn món ấy. Như vậy, sự thiếu vắng tình cảm gia đình đã khiến người trẻ bị nghèo nàn về lý tưởng sống, đẩy một bộ phận người trẻ vào “mê cung” của sự lệch chuẩn.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lý giải, môi trường văn hóa ở nhiều nơi bị “ô nhiễm” xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, mặt trái của nền kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế; việc ban hành quy định, hướng dẫn về xây dựng môi trường văn hóa nói chung chưa đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm. Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa chung, xây dựng môi trường văn hóa nói riêng. Chính vì thế, các phong trào, chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa diễn ra còn mang tính hình thức, thời vụ. Các nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vị thế của văn hóa.

Ở góc độ của một nhà nghiên cứu, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV khẳng định, xã hội rơi vào tình trạng khủng hoảng giá trị. Từ khủng hoảng giá trị dẫn đến mất niềm tin và định hướng trong xã hội, đó là lý do quan trọng của tình trạng xuống cấp đạo đức vì xung đột và khủng hoảng giá trị và niềm tin. Kể cả những nghề được xã hội coi trọng, xem là cao quý như nghề giáo và nghề y đang chứng kiến nhiều hiện tượng xuống cấp đạo đức cũng chính vì những lý do này. Sự thay đổi thói quen, phong tục, tập quán cũng trong vòng quay như vậy.

Những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc giờ đây bị thách thức bởi những thói quen mới được ra đời từ cuộc sống giàu sang và tiện nghi hơn, bị quyến rũ bởi những thông tin về cuộc sống xa lạ ở các xã hội xa lạ. Điều này dường như còn được làm đậm hơn bởi những “người của công chúng” khi đưa ra những ca khúc phản cảm với những ca từ nhảm nhí, lối sống tạo scandal để nổi tiếng bằng mọi giá, bất chấp những giá trị đạo đức của dân tộc. Tất cả khiến cho nhiều chủ nhân tương lai của xã hội (thế hệ trẻ) lạc lối trong cách xác định lý tưởng sống cũng như phong cách sống. Những lối sống mới xa lạ, đua đòi, những phong cách thời trang, nghệ thuật không phù hợp với chuẩn mực đạo đức dân tộc đã khiến cho xã hội trở nên hỗn loạn hơn, và đó cũng là nguyên nhân của sự xuống cấp đạo đức trong xã hội xét từ cách nhìn văn hóa.

Chấn hưng văn hóa, phải bắt đầu từ con người, từ giáo dục nhân cách lớp trẻ. Ảnh: VNN

Chấn hưng văn hóa, phải bắt đầu từ con người, từ giáo dục nhân cách lớp trẻ. Ảnh: VNN

Chấn hưng văn hóa, đạo đức xã hội: Trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam có nhân cách

Thực tế đau xót nhưng không thể phủ nhận là đạo đức, lối sống xuống cấp đang là lo ngại vào bậc nhất trong đời sống của chúng ta hiện nay. Chính sự xuống cấp trong đạo đức xã hội đã, đang và sẽ còn gây nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Có lẽ cũng vì thế mà hơn lúc nào hết lúc này vấn đề chấn hưng văn hóa, hàn gắn những đứt gãy trong đạo đức xã hội càng trở nên cấp thiết.

Vậy, chấn hứng văn hóa, chống bang hoại đạo đức xã hội nên bắt đầu từ đâu?

Từ góc độ của cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm triển khai chủ trương phát triển văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, chấn hưng văn hóa, trước hết, cần phải coi việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì thể chế, cơ chế, chính sách chính là khung xương sống, là cơ sở quan trọng để có thể triển khai các hoạt động cụ thể.

Cùng quan điểm, GS.TS Từ Thị khẳng định: Muốn triển khai thực hiện "đại công trình thế kỷ" về chấn hưng văn hóa, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nhưng có lẽ điểm bắt đầu phải từ thể chế và cơ chế. Đây là vấn đề mấu chốt, gốc rễ để tháo gỡ các vấn đề bất cập về văn hóa hiện nay.

Từ cách tiếp cận khác, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, ngoài thể chế còn phải đặc biệt quan tâm chú trọng đến phát triển con người - chủ thể cho mọi sáng tạo, thụ hưởng và tiếp nhận văn hóa. Chấn hưng hay phát triển văn hóa chẳng phải thứ gì cao siêu, cũng không phải ở đâu xa, mà cần bắt đầu từ việc xây dựng con người, từ gia đình, trường học đến xã hội.

"Chúng ta phải có những giải pháp để phát huy được những đức tính tốt đẹp của người dân Việt Nam, hình thành được những thói quen văn hóa của người dân Việt Nam, để người mỗi người dân Việt Nam luôn sống nhân ái, chan hòa; và cũng là một điểm sáng ấn tượng về đức tính thân thiện, nhân ái trong lòng bạn bè quốc tế"- Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc ưu tiên cho việc đầu tư cho con người.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng, nội dung về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp là một nội dung khó nhưng hết sức cần thiết bởi văn hóa xuất phát từ con người đầu tiên.

Gia đình - cái nôi hình thành nhân cách người Việt

Gia đình - cái nôi hình thành nhân cách người Việt

Đặc biệt, phát biểu kết luận Hội thảo “80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943 - 2023), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng khẳng định: Đảng ta nhận thức ngày càng toàn diện hơn về con người, khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời nhấn mạnh, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp.

Vậy làm thế nào để xây dựng được con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại?

Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp cần bắt đầu từ giáo dục, tập trung vào trẻ em để hình thành nhân cách tốt ngay từ cấp học mầm non cho đến cấp giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. “Để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp thì ngành Giáo dục cùng với gia đình phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, sự thích ứng và văn hóa ứng xử cho người học từ gốc - tức là bậc học mầm non. Do đó, nên xác định chỉ tiêu đánh giá từ phía người học, lấy kết quả việc giáo dục nhân cách, lối sống đẹp của người học để làm thước đo thay vì đánh giá năng lực tổ chức và công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức. Theo đó, việc triển khai thực hiện chương trình sẽ gắn với nhiệm vụ liên tục và lâu dài của ngành Giáo dục” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh gợi mở.

Bên cạnh trách nhiệm của ngành Giáo dục thì môi trường gia đình cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Bởi, gia đình chính là môi trường văn hóa đầu tiên, nơi mà mỗi cá nhân khi chào đời và quá trình trưởng thành liên tục được học hỏi từ các thành viên trong gia đình. Những câu nói từ xưa truyền lại cho tới nay vẫn còn nguyên ý nghĩa như: “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, “Giỏ nhà nào quai nhà ấy”, “Cha nào con nấy”,“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”…. đều nói lên cách nhìn nhận về trách nhiệm của gia đình, ảnh hưởng của gia đình đối với việc hình thành nhân cách trẻ.

Một cách khái quát hơn, TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, cần có một sự kết hợp thường xuyên, đồng thuận và chặt chẽ giữa ba bộ phận: Nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục con người. Gia đình phải tương thích quan điểm với nhà trường và xã hội để giáo dục con người trong tuổi vị thành niên, đồng thời tiếp tục chăm lo bảo vệ, giữ gìn và nâng đỡ con người trước những biến cố thay đổi của cuộc sống, nhằm đạt tới những chuẩn mực chân, thiện, mỹ, những vẻ đẹp văn hóa, văn minh của con người. Với vai trò nền tảng, gốc rễ sâu xa hình thành nên phẩm chất, năng lực con trẻ, thì giáo dục gia đình phải được coi là điểm tựa lớn nhất.

Xây dựng bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam nói riêng, chấn hưng đạo đức xã hội hay rộng hơn là chấn hứng văn hóa không hề là hành trình dễ dàng. Tuy nhiên, đó là con đường cần phải đi, bởi đạo đức xã hội, văn hóa, con người là nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam ta.

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-2-chan-hung-van-hoa-han-gan-dao-duc-xa-hoi-bat-dau-tu-dau-a25609.html