Bài 2: Chìa khóa mở cảnh quan bãi giữa sông Hồng
Khu vực bãi giữa sông Hồng là không gian duy nhất còn lại có thể tạo dựng không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa hấp dẫn cho cộng đồng và khách du lịch.
Qua đó, cộng đồng có thể cảm nhận một không gian sống mật độ cao, tích tụ nhiều tầng văn hóa, và được trải nghiệm không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh sinh thái trên mặt nước.
Đầu tư cơ sở hạ tầng đa chức năng
Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực bãi nổi và ven sông Hồng được định hướng xây dựng hệ thống công viên cây xanh cảnh quan, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, quảng trường đô thị và các công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô nhằm phát huy giá trị cảnh quan và bảo đảm không gian thoát lũ. Công viên bãi giữa sông Hồng được quy hoạch sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong trục không gian xanh chủ đạo của Hà Nội.
Nhiều chuyên gia cho rằng, TP cần sớm hiện thực hóa việc xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng để tạo động lực phát triển khu vực này. Rất nhiều giải pháp được đề xuất nhằm tạo tính khả thi khi xây dựng.
TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ngoài đầu tư hệ thống cầu, TP nên tập trung thiết lập các tuyến giao thông ngầm dưới lòng sông để kết nối đô thị hai bờ; tổ chức các vành đai xanh, tổ hợp cảnh quan, cần lựa chọn hệ sinh thái khả thi với đặc điểm vùng cận sông, vùng ngập nước; thay thế cơ bản tuyến đê đất hiện nay bằng tường chắn bê tông với cao độ và độ bền tương ứng…
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa cũng cần được tổ chức trên cơ sở đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch. Trong đó, trọng yếu là các tuyến giao thông xanh và các giải pháp kết nối giao thông đường thủy, đường bộ bảo đảm liên kết thuận tiện với mạng lưới giao thông công cộng khu vực ven hai bãi sông, hình thành các điểm, tuyến kết nối và tiếp cận đa phương thức.
Vì thế, cần ưu tiên xử lý theo giai đoạn, theo thứ tự ưu tiên, trước hết là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, tiếp đến hệ thống giao thông tiếp cận đường bộ, đường thủy kết nối đa phương thức với các giải pháp bảo đảm an toàn thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn.
Cụ thể hơn, theo các chuyên gia, mô hình công viên văn hóa sẽ phù hợp khi triển khai quy hoạch bãi giữa sông Hồng và nhất là đặt trong không gian chung của sông Hồng giàu giá trị văn hóa, lịch sử.
Công viên lấy di sản đô thị cầu Long Biên làm trọng tâm, cảnh quan sông Hồng làm nền, hình thành các tuyến không gian văn hóa kết nối với di sản hai bên bờ và toàn tuyến hành lang xanh sông Hồng. Các chức năng có thể triển khai như quảng trường tổ chức lễ hội văn hóa Việt Nam, không gian bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị cầu Long Biên, không gian trình diễn nghệ thuật sáng tạo, không gian vui chơi giải trí.
Tiếp cận về lý thuyết hành lang xanh, tôi cho rằng phát triển bãi giữa sông Hồng là một tầm nhìn của Thủ đô. Tuy vậy, khó khăn hiện tại là chúng ta muốn thiết lập không gian cố định trong hành lang thoát lũ và việc kiểm soát hoạt động xây dựng trái phép, đổ rác thải và phế liệu xây dựng. Nhưng đây là cơ hội để phát triển mô hình sinh thái trên cơ sở tiềm năng tự nhiên và tiếp nối tinh thần danh hiệu Thành phố sáng tạo. Tôi mạnh dạn đưa ra 5 mô hình phát triển bãi giữa. Đó là mô hình: công viên chuyên đề, sinh thái; công viên chuyên đề khoa học công nghệ phát huy vị thế của 4 quận lịch sử; công viên nông nghiệp quốc gia để phát huy quỹ đất, hình thành khu vực sản xuất nông nghiệp cao; công viên văn hóa quốc gia; công viên thảo dược quốc gia.
KTS Nguyễn Văn Tuyên - Trường Đại học Xây dựng
TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên và TS.KTS Nguyễn Thu Hương, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, công viên bãi giữa sông Hồng có thể được tổ chức theo mô hình công viên chuyên đề du lịch sinh thái. TP cần phát huy tiềm năng chủ đạo về cảnh quan và môi trường sinh thái đặc hữu để hình thành công viên sinh thái gắn với việc phát triển hệ thống rừng cây bán ngập, vườn ươm sinh thái, bãi cát, mặt nước...
Công viên sinh thái kết hợp với di sản cầu Long Biên trở thành cảnh quan sinh thái văn hóa ngoạn mục của Thủ đô, các hoạt động du lịch có thể khai thác như dã ngoại, khám phá, trải nghiệm sinh thái, cắm trại, bơi thuyền.
Hạn chế bê tông hóa
Quan tâm đến vấn đề giao thông đường thủy và đường bộ khu vực sông Hồng, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, bãi giữa sông Hồng là khu vực cần giải quyết nhiều vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng. Vì thế, vấn đề cần được ưu tiên xử lý là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, sau đó đến hệ thống giao thông tiếp cận đường bộ, đường thủy kết nối đa phương thức gắn với các giải pháp bảo đảm an toàn thoát lũ, thích ứng với điều kiện thủy văn.
Đồng thời, lãnh đạo quận Long Biên nêu thông điệp "hạn chế bê tông hóa với khu vực bãi giữa" và cho rằng cần giữ lại cũng như khai thác được cầu Long Biên. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, việc này thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ. Trong đó, cầu Long Biên cần được xác định là yếu tố quan trọng, tất yếu, có vị trí xứng đáng trong bất kỳ quy hoạch nào của Thủ đô.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến đề xuất, có thể thực hiện ý tưởng xây dựng Công viên cảnh quan văn hóa sông Hồng bao gồm: khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang là khu dân cư tập trung ngoài đê và các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối. Khu vực đầu tư mới nằm ở bãi giữa và ven sông Hồng được chia thành 3 phần chính, ngược theo “dòng thời gian - sông Hồng”, tương ứng các thời kỳ lịch sử. Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian - kết nối thị giác với khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên.
Hà Nội nên tạo dựng các quảng trường khu vực bãi giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác để kết nối với các điểm nhấn đô thị có sẵn như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân - chợ Long Biên, tháp nước Hàng Đậu...
Để xây dựng không gian bãi giữa sông Hồng, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho rằng, cần làm tốt công tác quy hoạch; hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan; xây dựng lộ trình cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư và tranh thủ mọi nguồn vốn cho quá trình triển khai thực hiện.
Công tác lập quy hoạch cần đi vào chi tiết, cụ thể đến từng khu vực, từng ô chức năng; cần xác định được khu vực cần ổn định, khu vực can thiệp và khu vực bảo tồn; phải xây dựng phương án khai thác, quản lý, vận hành không gian công cộng bãi bồi, bãi giữa; giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên ngay ở khâu lập quy hoạch.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông... gắn với các giải pháp bảo đảm hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông; phát triển những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng; kết nối không gian sinh thái sông Hồng với hệ thống các tuyến sông, mặt nước đô thị.
Một Thành phố sáng tạo phải được thể hiện trong những cách ứng xử sáng tạo với các không gian kiến trúc đô thị lẫn môi trường cảnh quan tự nhiên. Bãi bồi giữa sông Hồng chính là một không gian tiềm năng để khai thác và triển khai thành không gian công cộng sáng tạo nhưng vẫn lưu giữ được quỹ đất của màu xanh nông nghiệp hay màu xanh tự nhiên. Việc kết hợp không gian nông nghiệp này dưới dạng hình thức công viên đô thị sẽ biến “màu xanh trang trí” của các công viên đô thị thông thường thành những “màu xanh sản xuất”, đồng thời giúp cho việc tổ chức các khu dịch vụ du lịch và giải trí, khu vực thể thao thư giãn lẫn thể thao lao động, hình thức nơi sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian cây xanh, mặt nước, từ đó hình thành không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng nói chung và văn minh nông nghiệp của Thủ đô nói riêng.
TS Trần Minh Tùng - Trường Đại học Xây dựng
“Trong điều kiện nguồn lực của còn hạn chế, có thể tranh thủ sử dụng nguồn lực từ chính những cơ chế chính sách để tạo sự hấp dẫn, thu hút các DN, xã hội và cộng đồng dân cư cùng tham gia. Những chính sách linh hoạt, phù hợp có thể tháo gỡ khó khăn trong nguồn lực, hướng tới đầu tư xây dựng một không gian văn hóa công cộng đáng sống, tạo dấu ấn, bản sắc riêng cho Thủ đô Hà Nội” - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ.
(Còn nữa)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-chia-khoa-mo-canh-quan-bai-giua-song-hong.html