Bài 2: Chuyện tướng Út chọn phố núi Pleiku để quay về
Chuyện Trung tướng Nguyễn Thành Út - Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5- Bí thư Đảng ủy Quân khu 5 sau khi nghỉ hưu theo chế độ, đã tự nguyện trả lại căn nhà công vụ ở thành phố Đà Nẵng, không về quê hương Phú Yên mà đưa cả gia đình lên sinh sống ở thành phố Pleiku – Gia Lai đã trở thành một đề tài bàn tán hấp dẫn thời đó không những với cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 mà cả người dân Đà Nẵng, nhất là bà con ở nơi ông sinh ra.
Với 46 năm miệt mài công tác trong quân đội, từ một thanh niên “nhảy núi”, một binh nhì tò toe làm liên lạc, ông đã can trường đi qua hai cuộc chiến tranh là chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc, phát triển lên đến Trung tướng - Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5. Đến tháng 8 năm 2006, sau khi được nghỉ hưu theo chế độ quy định, Trung tướng Nguyễn Thành Út đã quyết định đưa cả gia đình lên phố núi PLeiku – Gia Lai sinh sống. Không ít quan chức Quân khu 5, bạn bè, người thân đã kịch liệt phản đối quyết định này, thậm chí còn nói ông bị gàn dở. Với câu hỏi đặt ra “Tại sao không ở Đà Nẵng, một thành phố đáng sống? Hay trở về quê hương Phú Yên, thành phố biển trong lành, có bà con dòng họ thân thuộc với bao kỷ niệm…Nhưng vợ ông, bà Lê Thị Hiền Linh lại rất ủng hộ quan niệm: “Cái gì mình không thay đổi được thì phải theo quy luật của tạo hóa, của thiên nhiên, còn cái gì thay đổi được thì thay đổi” của chồng mình.
Một trong số những điều mà tướng Út cho rằng không thể thay đổi được là khí hậu. “Tôi đã đi một số nước trên thế giới và rất nhiều các tỉnh, thành phố trong cả nước thì thấy không đâu bằng phố núi Pleiku. Đất đai màu mỡ, khí hậu tốt: Ở đây một ngày có bốn mùa: Sáng mùa Xuân, trưa mùa Hè, chiều mùa Thu và tối mùa Đông. Mùa hè không nóng, mùa đông không lạnh, rất tốt cho sức khỏe tuổi già”. Tướng Út nói về lý do chọn Pleiku để gắn bó những năm cuối đời.
Kể tiếp với chúng tôi về cơ duyên quay lại với Tây Nguyên nói chung, Gia Lai và TP. Pleiku nói riêng, tướng Út nói: “Trong những ngày quân ngũ, nhất là thời gian ở Quân đoàn 3, rồi những ngày về Quân khu 5 công tác, mặc dù đảm nhiệm các chức vụ khác nhau, nhưng tôi có nhiều thời gian hoạt động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Hồi đó vất vả lắm, hoang vu lắm nhưng cũng rất nhiều kỷ niệm. Thời gian này, tôi nhận ra mảnh đất Gia Lai rất trù phú, giàu tiềm năng và khí hậu tuyệt vời”. Một lý do khác “kết níu” chân ông, ấy là khu vực nhà ông có nhiều gia đình cũng là bộ đội trở về sinh sống. Đặc biệt, trở lại đây sinh sống là được trở về với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, về với bà con đồng bào các dân tộc một thời đã giúp đỡ, cưu mang Bộ đội Cụ Hồ nói chung, các đơn vị của Quân đoàn 3, Quân khu 5 trong đó có ông vượt qua gian khó để chiến thắng kẻ thù.
Đến đây tướng Út hạ giọng trong xúc động: Chiến tranh đã đi qua, tôi còn sống được đến bây giờ đã là quá may mắn. Những cán bộ, chiến sĩ anh dũng xông pha giữa trận mạc, chi chít bom đạn khốc liệt của kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ họ lại trở về quê hương với chiếc ba lô con cóc và con “búp bê” làm quà tặng cho con cháu cùng với những ký ức không thể quên về bao đồng đội đã mãi mãi đi xa sau những trận đánh giữa rừng già. Ngoài hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh nằm lại trên các chiến trường, kể cà bên nước bạn Campuchia, thì không ít người trong số đồng đội của tôi trở về bị bệnh tật dày vò do những di chứng của chất độc, do những mảnh đạn bom còn nằm trong cơ thể, nhưng ngày ngày vẫn phải vật lộn với cuộc sống để lo miếng cơm manh áo nuôi gia đình. Có những người mẹ đã hiến dâng chồng con mình cho đất nước, và họ đã hy sinh những gì quý giá nhất của bản thân để cho thế hệ trẻ chúng ta được hạnh phúc vẹn toàn. Nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk - Tây Nguyên đã nhịn ăn, nhịn khát hỗ trợ gạo, muối, nước cho bộ đội huấn luyện, chiến đấu.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với 46 năm trong quân đội, 27 năm gắn bó ở chiến trường, 7 lần bị thương… tướng Út đã lưu giữ nhiều ký ức khó phai. Ở cái tuổi ngoài “xưa nay hiếm”, là thương binh hạng 2/4, lại mang trong mình nhiều căn bệnh của tuổi già nhưng tướng Út lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ. Các ngày lễ tết ông đi thắp hương tưởng nhớ đồng đội ở các nghĩa trang; lâu lâu khi sức khỏe tốt tướng Út lại về thăm chiến trường xưa, thăm tặng quà, động viên bà con các làng bản mà một thời ông đã được người dân cưu mang, giúp đỡ.
Có một lần tướng Út về thăm bà con dân tộc thiểu số Jơ rai ở vùng biên giới Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai), hàng trăm bà con dân làng nghe tin đã bỏ dỡ việc làm trên nương rẫy chạy về đón ông. Người ở gần chạy bộ, người xa chạy xe máy trở về, bởi ai cũng muốn được gặp lại “thằng Út bộ đội”, được nắm tay thằng cán bộ của thôn làng và đặc biệt là được uống cùng ông những cang rượu cần “quân dân một ý chí” như ngày xưa, thời chiến tranh, bom đạn.
Thời gian trôi qua đã làm thay đổi nhiều thứ, nhưng có một thứ chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn trong tôi, trong đồng đội tôi, đó là nghĩa tình, là ký ức về những cán bộ, chiến sĩ một thời chiến đấu cùng nhau sống chết, về những người dân không sợ hiểm nguy mà bao bọc, cưu mang che chở. Ngọn lửa nghĩa tình ấy đã thôi thúc tôi trở lại với Tây Nguyên, trở lại với phố núi Pleiku với Gia Lai, với đồng đội và bà con thân thuộc. Tướng Út nắm chặt tay tôi trước lúc giã từ.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI