Bài 2: Công cụ thuế, phí sẽ giúp giảm giá xăng dầu ra sao?

Do xăng dầu là mặt hàng do nhà nước quản lý giá nên hiện các cơ quan chức năng đã sử dụng thuế, phí, Quỹ bình ổn giá để giữ giá xăng dầu không tăng đột biến.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã âm rất sâu

Chia sẻ về các công cụ điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, có 2 công cụ quan trọng để điều hành giá xăng dầu hiện nay, gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế, phí.

Thời gian qua, việc điều hành giá xăng dầu được Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành theo hướng bám sát với diễn biến của giá thế giới, cũng như phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - Nhà nước và người dân, người tiêu dùng. Doanh nghiệp ở đây vừa là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu, vừa là các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu. Lợi ích của Nhà nước là làm sao kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đảm bảo các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất như xăng dầu không có sự biến động giá quá mạnh. Còn lợi ích của người dân là làm thế nào để có chi phí, các yếu tố đầu vào sử dụng hợp lý.

Trông vào công cụ thuế, phí để điều hành giá xăng dầu

Trông vào công cụ thuế, phí để điều hành giá xăng dầu

Từ yêu cầu trên, cộng với diễn biến của giá xăng dầu trên thế giới thời gian qua có chiều hướng phức tạp, có thời điểm tăng rất mạnh, vì vậy Liên bộ Công Thương-Tài chính đã sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, liên tục theo dõi sát diễn biến của giá thế giới để có những kiến nghị liên quan tới vấn đề về thuế, phí.

Thực tế, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu dù gây nhiều tranh cãi nhưng đã đóng vai trò gần như là nguồn duy nhất để điều hành giá thời điểm giá xăng dầu biến động mạnh vừa qua. Tuy nhiên, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang âm tương đối sâu.

Cụ thể, theo số liệu của cơ quan quản lý, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu là gần 899 tỉ đồng. Trong quý đầu năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỉ, tuy nhiên, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỉ đồng. Với các số liệu này, tính đến cuối tháng 3, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước đã rơi xuống mức âm 170 tỉ đồng.

Trông vào thuế, phí

Như vậy, công cụ duy nhất còn lại để điều hành giá xăng dầu chính là thuế, phí. Ngoài khoản thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 50% vào tháng 3 vừa qua, các khoản thuế phí khác tác động đến giá xăng như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận và chi phí định mức…

Do đó, Bộ Công Thương đã lên kịch bản, nếu giá 130 USD, 150USD/thùng thì Bộ đề xuất đưa ra kich bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT…

Chia sẻ về các giải pháp để điều hành giá xăng dầu hiện nay, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho biết, hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải cân nhắc và đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng. Việc thuế bảo vệ môi trường đã giảm đến 50% vừa qua đã phần nào giúp “hạ nhiệt” giá xăng dầu. Tuy nhiên, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng vẫn đang phải "cõng" 38-40% là thuế, phí. Cho nên vẫn có thể hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước bằng các công cụ khác hiện nay như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm.

TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cũng cho hay, giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động đến đời sống người dân. Đối với doanh nghiệp cũng khó khăn vì xăng dầu làm tăng chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Xăng dầu theo giá thị trường thế giới nên buộc phải điều chỉnh, cho nên để giảm được giá xăng dầu thì phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là 2 điều quan trọng nhất. Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá.

Đồng ý kiến, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các khoản thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đang chiếm từ khoảng 40% trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện hành. Trong đó, bởi vậy, trong số các giải pháp giúp cải thiện áp lực tăng giá bán lẻ xăng dầu, thì việc điều chỉnh cơ cấu mức thu ngân sách Nhà nước qua giá xăng dầu cả về mức và thời gian áp dụng là cần thiết.

Do giá xăng dầu không đơn thuần chỉ là giá của 1 mặt hàng riêng lẻ mà còn là đầu vào sản xuaatss nên tác động đến rất nhiều hàng hóa tiêu dùng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát nên ông Nguyễn Bích Lâm – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng, nên coi việc giảm thuế hiện nay là một khoản đầu tư của Chính phủ cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Bởi đây là việc vô cùng quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Bộ Công Thương luôn nhìn nhận, xăng dầu là mặt hàng chiến lược có ý nghĩa không chỉ kinh tế, mà còn cả về xã hội và chính trị. Ổn định nguồn cung và giá xăng dầu là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cũng là thước đo năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa nói chung, cũng như để góp phần triển khai thành công chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế gắn với chống dịch Covid-19 hiện nay.

Việc điều hành giá xăng dầu luôn được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - Nhà nước và người dân. Do đó, trong phần trình bày thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn. Điều này khẳng định quyết tâm kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước trong thời gian tới.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc điều tiết cung cầu mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh xăng dầu từ 20/5/2022.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-cong-cu-thue-phi-se-giup-giam-gia-xang-dau-ra-sao-178733.html