Bài 2:'Đánh thức' vùng chè cổ thụ
Vài ba năm gần đây, những rừng chè cổ thụ đã dần được 'đánh thức'. Các địa phương trong tỉnh đã nhận ra giá trị của cây chè cổ thụ và bắt đầu có những động thái tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của chè cổ thụ. Dẫu rằng, vẫn là bài toán chưa tìm được đáp án chính xác, nhưng phần nào các 'phép tính' đã mang lại tín hiệu tốt cho những rừng chè cổ thụ và cả những người đang sở hữu 'báu vật' trong tay.
Chè Shan cổ thụ là cây mang nguồn gen quý, có giá trị kinh tế cao, thường mọc tự nhiên trên núi, có độ cao trên 1.000 mét so với nước biển. Một số diện tích được bà con sinh sống ở bản làng vùng cao đem trồng từ hạt đã qua nhiều thế hệ, trở thành cây lâu năm. Theo khảo sát mới nhất của ngành nông nghiệp Lào Cai, hiện toàn tỉnh có gần 76 ha chè cổ thụ tập trung và hơn 1.000 cây chè cổ thụ phân tán, hình thành các vùng chè cổ thụ tại 4 huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bát Xát. Chè cổ thụ ở Lào Cai chủ yếu là giống chè Shan và xen lẫn diện tích có một ít cây chè cổ thụ búp tím (chè đột biến).
Dạo trước, với nhiều lý do khác nhau nên diện tích chè cổ thụ trên địa bàn tỉnh dần bị thu hẹp. Vì chè trồng mọc tự nhiên nên sản lượng thu hái ít, chè bán cũng không được giá (bằng giá bán chè trồng kinh doanh), nên nhiều gia đình chặt bỏ chè để chuyển đổi trồng cây khác. Thậm chí, có gia đình còn chặt chè cổ thụ để xẻ ván làm nhà, làm củi đun… Có thời điểm, nhiều người săn lùng cây chè cổ thụ về làm cảnh tại các trang trại, nhà vườn, khiến cho những vùng chè cổ thụ ở vùng cao Lào Cai “vơi” dần. Mặc dù, chè cổ thụ ở Lào Cai được nhiều chuyên gia trong ngành chè của Việt Nam đánh giá có chất lượng cao. Tuy nhiên, các địa phương chưa biết khơi mở tiềm năng, công nghệ chế biến lạc hậu. Những năm chưa xảy ra dịch Covid-19, bà con ở những vùng trồng chè cổ thụ có xu hướng xuất ngoại làm ăn xa, giá thị trường thu mua chè búp tươi bấp bênh… nên giá trị của chè cổ thụ chưa phát huy được tiềm năng chè cũng là điều dễ lý giải.
Ngoài một số vùng nguyên liệu chè cổ thụ ở Mường Khương (Tả Thàng), Bát Xát (A Mú Sung, Dền Sáng, A Lù), Bắc Hà (Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ, Bản Liền), Si Ma Cai (Nàn Sín), Sa Pa (vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên)… thì cây chè Shan Tuyết lâu năm tại một số địa phương như: Bảo Yên (Tân Tiến), Văn Bàn (Thẳm Dương) cũng chỉ là thức uống của đồng bào thiểu số tại địa phương, chưa được khai thác chế biến thành hàng hóa. Tại một số địa phương có diện tích chè Shan tuyết trồng vài ba chục năm, thậm chí hàng trăm năm, cũng vẫn chỉ là thức uống của người dân địa phương qua phương pháp chế biến thủ công, sao sấy và làm trà lam ống nứa, trà lam gác bếp. Mặc dù cũng là sản phẩm trà đặc trưng, trở thành sản phẩm cũng mang lại thu nhập cho người trồng chè, nhưng vẫn chưa đạt được giá trị như mong muốn. Với một ống trà lam (lá chè già, hoặc búp chè) được bán tại Văn Bàn là 30.000 đồng/ống (khoảng 200 gram trà); tại Bản Liền khoảng 80.000 đồng/ống trà lam sấy gác bếp…
Điều đáng suy nghĩ hơn, khi giờ đây tuy không bị chặt hoặc di dời những cây chè Shan cổ thụ như trước nữa, nhưng những người làm trà trong nước đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, do các tư thương gom mua chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Theo nhiều hộ trồng chè ở Tả Thàng, với giá thu mua búp tươi 80.000 đồng/kg (1 tôm 2 lá) và 250.000 đồng - 300.000 đồng/kg (loại 1 tôm để chế biến bạch trà), mặc dù đã cao hơn nhiều so với trước, nhưng so với giá trị thành phẩm sau khi chế biến bán trên thị trường (hàng chục triệu đồng/kg trà) thì quả là vùng nguyên liệu chè Shan cổ thụ vẫn đang xem như “chảy máu tài nguyên”….trong ngành chè Việt Nam.
Ông Thào Ly, Trưởng thôn Sú Dí Phìn cho biết: Trên địa bàn xã Tả Thàng, thôn Sú Dí Phìn là nơi tập trung nhiều chè Shan tuyết cổ thụ nhất. Từ lâu bà con đã thu hái chè về sao sấy thủ công làm thức uống hằng ngày. Trước đây, bà con hay mang chè đã sao xuống xã Bản Lầu bán với giá rất rẻ, dù đi cả ngày mới tới chợ, nhưng bán 2kg chè khô mới mua được 1kg gạo. Cũng do giá quá rẻ, không có người thu mua, nên nhiều năm liền cây chè cổ thụ bị lãng quên. Có thời điểm cách đây chừng 15 - 20 năm, bà con chặt đi những cây chè cổ thụ to 1 -2 người ôm để lấy đất trồng ngô, trồng lúa nương. Hiện nay, khi có doanh nghiệp mở nhà máy chế biến chè tại xã và thu mua chè cho bà con thì việc bảo tồn chè cổ thụ mới được người dân quan tâm. Tuy nhiên, đáng tiếc là những cây chè cổ thụ lâu năm nhất tầm 2 người ôm đã không còn nữa.
Ông Nguyễn Nhật Quang, người xây dựng thương hiệu Ngọa Sơn Trà (Hà Nội), một trong những người đi nhiều vùng trà cổ thụ ở Việt Nam và đang thu mua nguyên liệu chế biến các loại trà cổ thụ, cho rằng: Cây chè Shan cổ thụ ở Lào Cai hiện là một trong những vùng nguyên liệu cho ra phẩm trà ngon nhất Việt Nam. Thế nhưng, tiếc rằng, việc bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu chè cổ thụ vẫn đang “mạnh ai nấy làm”, chưa có một quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt nào trong việc từ khâu quy hoạch, khai thác vùng nguyên liệu tại các địa phương. Hiện tại, việc những cây chè cổ thụ, những đồi chè cổ thụ của người dân vẫn dễ bị thay thế bằng cây trồng khác, hoặc bị di chuyển, xâm hại…. làm mất dần số lượng cây, mà hàng trăm năm mới có được thì quả là tiếc nuối. Với những người làm trà, quý và nâng niu trà, thì những cây trà rừng cổ thụ thật là đáng giá biết bao với cuộc sống của họ, không chỉ về giá trị kinh tế mà ở giá trị tinh thần.
Hơn nữa, việc chưa có một nhà máy chế biến chè cao cấp, thiếu các thiết bị chế biến hiện đại và cả nhân lực hiểu biết sâu về chế biến trà, thì vẫn còn hiện tượng, các thương lái mua gom trà sơ chế (bà con quen còn gọi là chè vàng) để bán cho các nơi khác hoặc xuất qua Trung Quốc. Qua trao đổi với không ít người hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực chế biến trà ở Việt Nam, họ đều cho biết: Đó là các sản phẩm chè vàng (nguyên liệu từ các vùng chè Shan tuyết cổ thụ) sau khi được thương lái thu mua, bán lại cho các chủ xưởng, họ bắt đầu hành trình chế biến lại thành các sản phẩm trà cao cấp, có giá trị cao gấp hàng chục lần…
Trong định hướng phát triển chè hiện nay, tỉnh Lào Cai đã bắt đầu để ý đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của những vùng chè cổ thụ. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Vùng chè cổ thụ của huyện Mường Khương có khoảng 16,5 ha tập trung chủ yếu tại xã Tả Thàng, một số mọc rải rác tại Cao Sơn và La Pan Tẩn. Huyện đã mời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai thành lập hội đồng bình tuyển cây chè đầu dòng, thu hoạch hạt, ươm giống để nhân trồng. Vùng chè cổ thụ của Mường Khương đã được đánh giá, chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ; được cấp mã số vùng trồng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu, EU… Địa phương đã tổ chức hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc, thu hái gắn với liên kết với các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, đã có một số sản phẩm từ chè cổ thụ của Công ty Cổ phần chè Tiên Thiên, Công ty Cổ phần trà Cao Sơn (trà xanh, hồng trà, bạch trà) được thị trường đánh giá cao, phục vụ thị trường nội tiêu và xuất khẩu.
Huyện Mường Khương đã mời các chuyên gia về chè trong và ngoài nước, “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp chế biến chè của Việt Nam đến đầu tư và phát huy giá trị của cây chè cổ thụ tại địa phương. Ngoài diện tích và sản lượng chè búp khô truyền thống xuất khẩu sang Trung Đông, huyện Mường Khương đang nỗ lực xúc tiến, liên kết doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chè từ vùng chè cổ thụ. Thời gian tới tại các xã có độ cao trên 1.000 mét, huyện sẽ vận động bà con phát triển trồng chè hạt từ chè cổ thụ Tả Thàng. Trong tương lai gần, sẽ cho ra những sản phẩm chè chất lượng cao, giá thành tương xứng với giá trị của chè cổ thụ (giá trị mỗi kg trà thành phẩm có thể lên tới vài chục triệu đồng)… tạo thu nhập ổn định hơn cho người trồng chè ở những địa bàn có diện tích chè cổ thụ.
Bát Xát cũng là một trong những vùng chè trọng điểm của tỉnh Lào Cai. Qua khảo sát đã xác định chè cổ thụ phân bố rải rác trên diện tích khoảng 100 ha, tại các xã: A Mú Sung, Dền Sáng, Dền Thàng, ở độ cao từ 2.200 - 2.500 mét. Trong đó, tại thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng có diện tích chè cổ thụ tập trung khoảng 10 ha, đang được các hộ trong thôn quản lý, thu hái búp tươi bán cho thương lái. Huyện Bát Xát đã khảo sát vùng chè cổ thụ trên địa bàn 2 xã Dền Sáng và Dền Thàng; xác định diện tích, số lượng, tuổi thọ của từng cây chè cổ thụ, xây dựng dự án, kế hoạch bảo tồn, bổ sung trồng mới, kêu gọi đầu tư chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm chè cổ thụ Bát Xát. Cùng với đẩy mạnh chế biến chè Bát Tiên ở Mường Hum, huyện Bát Xát cũng đã và đang bàn giải pháp để phát triển vùng chè cổ thụ, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhằm bảo tồn giá trị sản phẩm chè gắn với phát triển du lịch.
Đến thôn Ngài Chồ, là vùng chè cổ thụ nổi tiếng của xã A Mú Sung đúng mùa thu hoạch chè cổ thụ, chúng tôi thấy niềm vui trên nét mặt đồng bào Dao đỏ nơi đây vì năm nay chè cổ thụ được giá. Một số hộ như Phùng Xuân Phú, Phùng Xuân Phây, Tẩn Á Pham, Vàng Duần Mềnh có thu nhập vài chục triệu đồng từ bán chè cổ thụ. Ông Vàng Thông Phin, Phó Chủ tịch UBND xã A Mú Sung đưa chúng tôi đến thăm xưởng chế biến chè của một hợp tác xã mới mở trên địa bàn, chia sẻ: Những năm trước, thôn chỉ có một vài người đứng ra làm đầu mối thu mua, sơ chế chè cổ thụ để xuất bán sang Trung Quốc, tuy nhiên giá chè không ổn định và đầu ra không bền vững. Từ tháng 5/2022, Hợp tác xã A Mú Sung được thành lập với 7 thành viên, đều là những người có rừng chè cổ thụ. Ngoài nguồn chè nguyên liệu của các thành viên, hợp tác xã thu mua chè cổ thụ của bà con với giá trung bình 15 -20 nghìn đồng/1kg búp tươi để chế biến thành sản phẩm chè xanh phục vụ nhu cầu trong nước và chè vàng xuất bán sang Trung Quốc. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn xã đã thu hoạch khoảng 70 tấn chè cổ thụ bán cho hợp tác xã và các đầu mối khác, đem lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng cho người dân. Sản phẩm chè cổ thụ A Mú Sung đã đạt OCOP 3 sao và đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Còn tại huyện Si Ma Cai, hiện có hơn 1.000 cây chè Shan cổ thụ, nằm rải rác ở một số xã: Nàn Sín, Lùng Thẩn, Quan Hồ Thẩn… Bà Bùi Thị Chung, Chủ tịch UBND xã Nàn Sín cho biết: Xã đã lên phương án để bảo tồn chè Shan cổ thụ. Trong đó, tổ chức khảo sát, xác định số lượng cây trên địa bàn, vận động người dân bảo vệ cây chè hiện có, không chặt phá cũng như chuyển đổi mục đích, không vận chuyển chè cổ thụ đi nơi khác. Xã đã khảo sát, thử nghiệm sản xuất hồng trà và bạch trà, được đánh giá chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, tại Nàn Sín, chè cổ thụ mọc rải rác, số lượng khoảng 300 cây, nên sản lượng để bán ra thị trường cũng như hướng tới làm sản phẩm OCOP không đủ nguyên liệu. Do đó, xã Nàn Sín đang đề xuất với huyện tổ chức liên kết sản xuất với các xã có chè cổ thụ ở độ cao từ 1.300 - 1.500 m để tạo thành sản phẩm chè cổ thụ của Si Ma Cai.
Trình bày: Hoàng Thu
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-2danh-thuc-vung-che-co-thu-post377391.html