Bài 2: Doanh nghiệp cần giải pháp, các bên cần chung tay

Trong khi các doanh nghiệp đang loay hoay vì thiếu tài sản bảo đảm khi vay vốn tín dụng, các ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh cho vay tín chấp, nâng cao vài trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng, liên kết doanh nghiệp… Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần mở rộng đối tượng tham gia tài sản đảm bảo, bao gồm những tài sản bảo đảm phi truyền thống như tài sản số, tín chỉ carbon để phù hợp với sư phát triển của thời đại.

Liên kết để tạo sức mạnh, tăng uy tín

Với mục tiêu đến năm 2030 đạt thêm 1 triệu doanh nghiệp theo Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành, việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương lớn của Chính phủ trong thời gian tới. Trong rất nhiều giải pháp, thì câu chuyện gỡ khó về tài sản bảo đảm để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng là việc cấp thiết.

Tín chỉ carbon, tài sản số được đề xuất đưa vào danh mục tài sản bảo đảm.

Tín chỉ carbon, tài sản số được đề xuất đưa vào danh mục tài sản bảo đảm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, việc hạ thấp điều kiện cho vay là không thể, vì điều này vi phạm cam kết quốc tế, vi phạm đảm bảo an toàn đồng vốn, cho nên phải tìm phương pháp khác.

Ngân hàng cần xây dựng các gói tín dụng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Khoản vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh, khoản vay theo hợp đồng đầu ra hoặc khoản vay dựa trên tài sản hình thành từ vốn vay. Ngoài ra, cần mở rộng mô hình đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch thực tế của doanh nghiệp, thay vì chỉ tập trung vào tài sản đảm bảo. Ngân hàng cần linh hoạt hơn trong xét duyệt, phát triển sản phẩm tài chính "may đo" phù hợp hơn với doanh nghiệp. Ngân hàng phải xác định doanh nghiệp là đối tác sống còn của mình, đặt doanh nghiệp “ngang vai” với ngân hàng thì mới có thể hợp tác hai bên cùng có lợi”, ông Thân nói.

Về giải pháp cụ thể, vay tín chấp được các doanh nghiệp cũng như chính ngân hàng đang tìm hướng tháo gỡ. Cho vay tín chấp là phương thức cho vay không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh của bên thứ ba mà chỉ dựa vào uy tín của doanh nghiệp vay vốn để quyết định cho vay. Thông thường các ngân hàng chỉ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động.

Và kèm theo đó là các điều kiện tùy thuộc chính sách tín dụng của từng ngân hàng, có thể kể ra như: Về lịch sử quan hệ tín dụng, uy tín với ngân hàng; xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp; hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành nghề hoạt động... Việc cho vay tín chấp là hoạt động tín dụng bình thường, được một số ngân hàng triển khai từ lâu, áp dụng đối với các doanh nghiệp lớn, uy tín, có năng lực tài chính tốt và có dòng tiền luân chuyển qua tài khoản thường xuyên. Riêng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để được vay tín chấp là không đơn giản.

Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương đề xuất ngân hàng cần có chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, mở rộng khả năng cho vay tín chấp. Ngoài ra, ông Hùng cho biết hiện việc xếp hạng tín dụng doanh nghiệp hiện nay còn mang tính thời điểm. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, hoặc sau thiên tai như bão Yagi, doanh nghiệp có thể bị xếp hạng tín dụng thấp, dẫn đến bị hạn chế tiếp cận vốn đúng lúc cần hỗ trợ. “Các ngân hàng cần có cái nhìn dài hạn hơn, đánh giá doanh nghiệp theo chu kỳ kinh tế, thay vì chỉ dựa vào dữ liệu ngắn hạn. Lúc khó khăn mới là lúc doanh nghiệp cần vốn để phục hồi”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng cho vay tín chấp cũng dựa chủ yếu vào ngành nghề. Ví dụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, những khách hàng được cấp tín chấp một phần hoặc toàn phần là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng, phụ tùng ôtô xe máy; sản xuất chế biến thực phẩm; dệt may hoặc phân bón... Đây là những ngành thế mạnh và hoạt động hiệu quả, còn doanh nghiệp lĩnh vực khác đa số vẫn “ngoài vùng phủ sóng”.

Phía ngân hàng thì giải thích tín chấp là tín nhiệm giữa hai bên, trong khi doanh nghiệp nhỏ, thời gian hoạt động chưa nhiều nên chưa tạo được chữ tín với ngân hàng. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có chiến lược hoạt động kinh doanh bài bản, minh bạch, có thể mở tài khoản ngân hàng, thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản và hạn chế dùng tiền mặt. Về lâu dài các doanh nghiệp nên mời kiểm toán độc lập xác nhận tính chính xác về báo cáo tài chính của mình thì ngân hàng mới có cơ sở đánh giá độ tín nhiệm của khách hàng để cân nhắc cho vay. Ngoài ra, Chính quyền cần tích cực thể hiện vai trò trung gian kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các bên…

Một giải pháp khác, đó là nâng cao vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Bà Đinh Thị Thu Hà - Tổng Giám độc Công ty CP Giải pháp công nghệ CNC kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét việc triển khai các cơ chế bảo lãnh tín dụng linh hoạt hơn, bao gồm cả việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp có mô hình sản xuất kinh doanh tiềm năng nhưng chưa có đủ tài sản thế chấp.

Trong khi đó, ông Lương Quốc Toản - Phó Tổng giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang đề xuất "nới" hạn mức tín dụng trên tài sản đảm bảo. Theo ông Toản, hiện các ngân hàng chỉ ưu tiên nhận tài sản thế chấp là bất động sản, nên nhiều doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp bất động sản gặp khó khăn khi đề xuất tăng hạn mức tín dụng. Do đó, ông Toản kiến nghị ngân hàng áp dụng tỷ lệ tối thiểu là bất động sản, tăng tỷ lệ nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị, hàng tồn kho…

Đứng từ góc độ Hiệp hội, ông Nguyễn Văn Thân kêu gọi doanh nghiệp hãy cùng liên kết, sát cánh để tiếp cận vốn dễ dàng hơn. “Chúng tôi kêu gọi rất nhiều, doanh nghiệp có thể tổng hợp sơ lược hồ sơ, Hiệp hội sẽ giới thiệu cho các doanh nghiệp, ngân hàng cũng sẽ yên tâm hơn trong việc cấp tín dụng. Nếu doanh nghiệp tự “lọ mọ” đi vay, khi không đủ điều kiện, ngân hàng khó cho vay. Bởi vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay cần tập trung vào liên kết thành một địa chỉ, thông qua Hiệp hội để giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tới ngân hàng.

Mở rộng tài sản bảo đảm phi truyền thống

Bên cạnh những tài sản bảo đảm truyền thống, các chuyên gia cho rằng cần tính tới mở rộng tài sản bảo đảm phi truyền thống như tín chỉ carbon và tài sản số. Theo đánh giá của các chuyên gia, tài sản số đang làm thay đổi diện mạo các giao dịch tài chính toàn cầu và tín chỉ carbon được xem là “chìa khóa” mở cửa tài chính xanh. Tuy nhiên, hiện khung pháp lý Việt Nam lại đang thiếu những quy định cụ thể để tận dụng lợi thế từ hai loại tài sản mới này. Song, đã đến lúc tài sản số và tín chỉ carbon cần được chính thức công nhận là tài sản bảo đảm trong các giao dịch tín dụng để phát huy tiềm năng của loại tài sản này.

Phân tích cụ thể, theo TS. Lê Thị Giang, Trường Đại học Luật Hà Nội, tại Việt Nam, khung pháp lý cho tài sản số vẫn đang trong quá trình xây dựng. Đáng chú ý, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu với tài sản này. “Đây là bước đi quan trọng mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai”, bà Giang nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định, các chuyên gia cho rằng dù việc thế chấp các khoản vay bằng tài sản số là một vấn đề còn tương đối mới mẻ, nhưng đây là một xu thế không thể đảo ngược trong thời đại kinh tế số. Với sự bùng nổ của kỹ thuật số, nhiều nền tảng cấp tín dụng phi tập trung được bảo đảm bởi NFT (dữ liệu được lưu trữ trên blockchain - sổ cái kỹ thuật số) không ngừng gia tăng.

Việc nắm giữ một NFT cho phép người vay thực hiện một giao dịch vay tiền mà không cần phải thực hiện các thủ tục phức tạp tại ngân hàng cũng như không phải xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Cho vay thế chấp bằng tài sản số rõ ràng tiện lợi và tương đối an toàn cho các bên. Bởi lẽ không phải làm các thủ tục phức tạp như các khoản vay truyền thống. Ngay như việc xử lý tài sản bảo đảm cũng được thực hiện trên môi trường số và hoàn toàn tự động giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí quản lý.

Riêng với tín chỉ carbon, đây là loại tài sản gắn với xu hướng chuyển đổi xanh và được quan tâm ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, việc xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Song, dù chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, nhưng một số quy định hiện hành đã manh nha định hướng cho việc này.

Tại điểm 8, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tài sản bảo đảm bao gồm tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai, trừ tài sản đang bị cấm mua bán, cấm chuyển nhượng, cấm chuyển giao. Vì vậy hoàn toàn có thể khẳng định, Luật đã quy định rất rộng về tài sản bảo đảm. Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã trực tiếp đề cập đến tín chỉ carbon và hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động giao dịch tín chỉ carbon đang ngày càng phổ biến và không bị cấm mua bán, chuyển nhượng.

“Việc nhận tài sản bảo đảm cần có 2 điều: Một là có quyền sở hữu, hai là không bị cấm. Cả 2 điều này, tín chỉ carbon đều thỏa mãn nên hoàn toàn có thể trở thành tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng. Nhưng điều khó nhất ở đây là những loại tài sản số, tín chỉ carbon sẽ có biến động về giá trị, vì vậy, cần phải tính toán kỹ lưỡng”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Góp ý giải pháp để đưa tài sản số và tín chỉ carbon vào danh mục tài sản bảo đảm, TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG -KPMG Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc kiến tạo một hành lang pháp lý vững chắc. Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện khung pháp lý thông qua nghiên cứu và ban hành các quy định cụ thể, làm rõ cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, việc bổ sung các văn bản pháp lý hỗ trợ, như sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành các thông tư hướng dẫn, là vô cùng cần thiết.

Tương tự, TS. Luật sư Vũ Văn Tính đề nghị, Việt Nam nên nghiên cứu ban hành luật hoặc Nghị định riêng về tài sản số, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan như: Nhà phát hành, sàn giao dịch, nhà đầu tư và yêu cầu cấp phép hoạt động. Mặt khác, tăng cường giám sát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, yêu cầu sàn giao dịch đăng ký với cơ quan quản lý…

Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Nam cho rằng chúng ta đã nghe rất nhiều đến thể chế, pháp lý của tài sản số nhưng với doanh nghiệp, cái gì có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mới thực sự quan trọng. Do đó, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến giải pháp thay vì thể chế.

“Thực tế, Việt Nam thuộc Top các quốc gia đầu tư và nắm giữ tài sản số trên thế giới. Nếu chưa có giải pháp thì làm thế nào để đánh giá tài sản số khi giá trị của nó từ sáng đến tối đã có sự thay đổi? Liệu có một công ty kiểm toán dám ký chứng thư định giá hay không? Doanh nghiệp nếu không có chứng thư định giá thì tài sản số cũng không có ý nghĩa gì. Do vậy, những giải pháp phải được Chính phủ “cầm trịch” chứ không phải do một tổ chức nào khác”, ông Hùng nói.

Như vậy, dù với giải pháp gì, truyền thống hay phi truyền thông, việc gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm là điều cần phải làm ngay để khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. “Dứt khoát phải giải quyết bài toán ngân hàng thừa tiền trong khi các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn có tiền để vay mà không vay được”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/bai-2-doanh-nghiep-can-giai-phap-cac-ben-can-chung-tay-i767133/