Bài 2: Đổi mới giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội

Quốc hội khóa XV xác định lấy đổi mới giám sát làm khâu trọng tâm, then chốt để đổi mới hoạt động. Năm 2023, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới hoạt động giám sát, với tinh thần xuyên suốt là giám sát không phải để vạch ra sai sót, hạn chế, mà phải đồng hành, kiến tạo phát triển; đồng thời cung cấp dữ liệu đầu vào để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như thực hiện nhiệm vụ lập pháp...

Dành nhiều tâm huyết, công sức hoàn thiện thể chế về giám sát

Giám sát tối cao là một trong 3 chức năng Hiến định của Quốc hội. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác giám sát vẫn chưa được như mong muốn, cử tri và nhân dân vẫn nói vui là "dám nhưng chưa sát" hoặc "sát nhưng chưa dám". Theo đánh giá của giới quan sát thì Quốc hội khóa XV đang có quyết tâm rất cao trong việc tạo ra sự cải thiện mang tính đột phá cho công tác này.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Trong bài phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những yêu cầu rất cụ thể về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, thời gian qua, nhất là trong năm 2023, Quốc hội luôn xác định lấy đổi mới giám sát làm khâu trọng tâm, then chốt để đổi mới hoạt động.

Năm 2023, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới hoạt động giám sát, với tinh thần xuyên suốt là giám sát không phải để vạch ra sai sót, hạn chế, mà phải đồng hành, kiến tạo phát triển; đồng thời cung cấp dữ liệu đầu vào để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như thực hiện nhiệm vụ lập pháp. Trong đó, để tạo ra chuyển biến về chất, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quyết tâm và dành nhiều tâm huyết, công sức hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác giám sát.

Cụ thể, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, các cơ quan của Quốc hội đang dốc sức chuẩn bị dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (sửa đổi), bảo đảm tính khả thi, thực chất, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thực hiện các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội.

Công tác giải trình tại Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội (các nước gọi đây là hoạt động điều trần) cần phải được tăng cường, vì hình thức giám sát này mang tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống rất nhanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ phối hợp với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sớm ban hành nghị quyết liên tịch mới về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội để đổi mới, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri. Quốc hội, Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử, trách nhiệm gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân thế nào thể hiện rất rõ ở hoạt động tiếp xúc cử tri. Thông tin từ các cuộc tiếp xúc cử tri là dữ liệu đầu vào rất quan trọng cho công tác giám sát. Tất cả các phần việc này đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2023 và sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Trước đó, năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nghị quyết này nhận được phản hồi rất tích cực từ Hội đồng nhân dân các cấp, cho rằng "cẩm nang" này đã giúp giải tỏa được rất nhiều vướng mắc trong công tác giám sát ở cấp Hội đồng nhân dân, tạo ra một "làn gió mới" trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Cũng trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội.

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ tạo cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.

 Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Cải tiến tạo thuận lợi hơn cho người được chất vấn

Một hình thức giám sát tối cao nhận được sự quan tâm rất lớn từ cử tri, đồng bào cả nước là chất vấn và trả lời chất vấn. Hoạt động này của Quốc hội trong năm 2023 cũng có những cải tiến mang lại hiệu quả rất đáng kể.

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã tiến hành chất vấn việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XIV và của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ tư - cử tri và nhân dân vẫn gọi nôm na là chất vấn việc thực hiện lời hứa. Trước đây, mỗi lần chất vấn như vậy là tất cả các thành viên Chính phủ, "tư lệnh" các ngành phải có mặt để sẵn sàng trả lời xuyên suốt mấy ngày chất vấn. Cách thức tiến hành chất vấn như vậy vừa dàn trải, thiếu tập trung, gây mệt mỏi cho người được chất vấn, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác chất vấn.

"Thời tôi còn làm Phó thủ tướng Chính phủ cũng đã trải nghiệm qua thực tế ấy. Trong suốt thời gian mấy ngày trời đằng đẵng, chúng tôi không dám đi đâu, không thể làm việc gì khác ngoài tập trung cao độ ở hội trường Quốc hội, sẵn sàng trả lời câu hỏi chất vấn bất cứ khi nào đại biểu Quốc hội "xướng tên". Do vậy, lần này, chúng tôi đã thực hiện đổi mới bằng cách chất vấn theo từng nhóm lĩnh vực", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với chúng tôi.

Nhờ cải tiến này, người được chất vấn có thời gian nghỉ ngơi, yên tâm dành thời gian giải quyết những công việc cấp bách trong lĩnh vực phụ trách khi chưa đến hoặc đã xong phiên chất vấn. Cử tri, đồng bào cũng dễ theo dõi vấn đề mình quan tâm hơn. Nét đổi mới này nhận được sự phản hồi rất tích cực từ người được chất vấn cũng như từ đại biểu Quốc hội, cử tri, đồng bào cả nước.

Một nét mới khác là trước đây cứ đến phiên chất vấn, trả lời chất vấn là triển khai, không có việc họp trù bị cho việc tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn. Nhưng bắt đầu từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trước khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tổ chức họp trù bị để chuẩn bị chu đáo nhất, bảo đảm các phiên chất vấn được thực hiện thành công nhất, đạt chất lượng cao nhất.

"Dù làm như vậy thì người điều hành, từng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tới các bộ phận tham mưu, giúp việc đều vất vả hơn, phải làm thêm nhiều việc hơn, nhưng để đạt hiệu quả các phiên chất vấn, trả lời chất vấn cao hơn, chúng tôi không nề hà trước bất cứ khó khăn, vất vả nào", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Cùng với đó, sau mỗi phiên chất vấn, nhờ cải tiến trong công tác tổng hợp nội dung chất vấn, các ý kiến của đại biểu Quốc hội, phần trả lời của các thành viên Chính phủ, "tư lệnh" ngành đều được tổng hợp đầy đủ trong kết luận của chủ tọa, dự thảo Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn cũng được xây dựng và ban hành rất nhanh chóng, kịp thời.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Giám sát không phải để vạch ra sai phạm, khuyết điểm, mà để kiến tạo phát triển

Một trong những thông điệp rất xuyên suốt, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đi nhắc lại nhiều lần là giám sát không phải chỉ đơn thuần để vạch ra sai phạm, khuyết điểm, mà quan trọng hơn là phải kiến tạo phát triển. Tinh thần đó đã được cụ thể hóa thành hoạt động cụ thể của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội.

Thực tế cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội rất chú trọng giám sát hoạt động, không chỉ giám sát kết quả như trước kia. Năm 2023, Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ban đầu cũng có ý kiến thắc mắc rằng cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều mới được triển khai thực hiện, chưa có kết quả thì giám sát thế nào? Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, chính vì thực hiện giám sát hoạt động như vậy, nên mới có được kết quả là Quốc hội quyết định giao Chính phủ xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Dự thảo nghị quyết này đã được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm.

Đề cập tới kết quả giám sát chuyên đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nói rằng Chính phủ rất cảm ơn sự đồng hành của Quốc hội; hy vọng với việc ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ bù lại thời gian chậm triển khai và cả 3 chương trình sẽ "về đích" thành công vào cuối nhiệm kỳ.

Khi Quốc hội chọn chuyên đề giám sát tối cao năm 2022 là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”, cũng có ý kiến nói Luật Quy hoạch mới có hiệu lực được vài năm đã giám sát thi hành thì giám sát cái gì? Thực tế, từ kết quả giám sát ấy, Quốc hội mới có dữ liệu đầu vào để ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Đó chính là biểu hiện rõ nhất của tinh thần đổi mới giám sát không chỉ đơn thuần là vạch ra sai sót, khuyết điểm, hạn chế, mà quan trọng hơn là để kiến tạo phát triển, tạo dữ liệu đầu vào cho công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đó cũng chính là lý cho Quốc hội khóa XV quyết định lấy đổi mới công tác giám sát làm khâu trọng tâm, then chốt để tạo đột phá trong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

(Còn nữa)

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-2-doi-moi-giam-sat-la-khau-trong-tam-then-chot-de-doi-moi-hoat-dong-cua-quoc-hoi-764487