Bình Dương, Hải Dương nghiên cứu, thông qua đề xuất tên gọi đơn vị hành chính cấp xã

Ngày 22/4, các tỉnh Bình Dương, Hải Dương đã nghiên cứu, lựa chọn và thông qua đề xuất tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Tên gọi 36 phường, xã sau sáp nhập của Bình Dương

Tại Hội nghị lần thứ 47 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), các đại biểu đã thống nhất thông qua Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.

Theo đó, Hội nghị thông qua Nghị quyết số 19 - NQ/TU về một số nội dung cụ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như sau: Thống nhất hợp nhất tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố hiện nay, theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Riêng tại tỉnh Bình Dương, sau khi thực hiện sáp nhập, địa phương sẽ còn lại 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 phường và 12 xã. Biên chế và tổ chức bộ máy các xã, phường sau sáp nhập sẽ được thực hiện theo đúng quy định hiện hành; chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ công chức, viên chức cấp tỉnh về xã.

Trước mắt, Bình Dương giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện, cấp xã hiện có để bố trí làm việc tại cấp xã và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định của Chính phủ. Dự kiến biên chế bình quân của mỗi xã, phường sau sáp nhập khoảng 60 biên chế.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cho ý kiến, trước khi trình Đảng ủy Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo hoàn tất trước ngày 1/5/2025.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo, sau khi sáp nhập, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cho 36 xã, phường là một nhiệm vụ quan trọng, kiên quyết thực hiện nguyên tắc “việc chọn người”, không phải “người chọn việc”.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá lại toàn diện đội ngũ cán bộ hiện có, từ đó lựa chọn những người thực sự xứng đáng đảm nhiệm vị trí tại các đơn vị hành chính mới; đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng phương án tổ chức lễ công bố thành lập các xã, phường mới đi đôi với việc công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ chủ chốt. Việc trao quyết định phải được thực hiện ngay tại buổi lễ, thể hiện tính chính danh, công khai, rõ ràng và thống nhất, đảm bảo đội ngũ cán bộ sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngay từ ngày đầu chính thức đi vào hoạt động (1/7/2025).

Nghiên cứu phương án sắp xếp, tên gọi mới của cấp xã tại Hải Dương

Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã ra thông báo về việc nghiên cứu, lựa chọn và đề xuất tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.

Theo đó, để bảo đảm tiến độ triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu đề ra, Thường trực Tỉnh ủy phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp tham gia cùng Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy nghiên cứu, lựa chọn việc đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp gắn với địa danh lâu đời, danh nhân tiêu biểu, phù hợp với các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Bí thư các huyện ủy, thành ủy, thị ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề xuất lựa chọn tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Theo phương án của UBND tỉnh, dự kiến sau sắp xếp, Hải Dương sẽ còn 64 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 phường, 43 xã), giảm 143 đơn vị hành chính cấp xã.

Cụ thể, thành phố Hải Dương sẽ được sắp xếp lại thành 9 phường; thành phố Chí Linh sẽ thành 6 phường; thị xã Kinh Môn sẽ thành 7 phường, xã; huyện Nam Sách sẽ thành 5 xã; huyện Cẩm Giàng sẽ thành 5 xã; huyện Bình Giang sẽ thành 5 xã; huyện Gia Lộc sẽ thành 4 xã; huyện Tứ Kỳ sẽ thành 6 xã; huyện Ninh Giang sẽ thành 5 xã; huyện Thanh Miện sẽ thành 5 xã; huyện Kim Thành sẽ thành 4 xã; huyện Thanh Hà sẽ thành 5 xã.

Cũng theo phương án này, nếu Hải Dương được thành lập khu kinh tế chuyên biệt và được sắp xếp lại thành 1 đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh chỉ còn 62 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 70% số đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Trước đó, tỉnh Hải Dương đã tổ chức lấy ý kiến cử tri toàn tỉnh về đề án hợp nhất tỉnh với thành phố Hải Phòng và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh năm 2025.

Hải Dương cũng xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Hiện, tỉnh có diện tích là 1.668,28 km2 với dân số là trên 2,1 triệu người. Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện với 207 đơn vị hành chính cấp xã.

Dương Chí Tưởng - Mạnh Tú (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/binh-duong-hai-duongnghien-cuu-thong-qua-de-xuat-ten-goi-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-20250422210418912.htm