Bài 2: Mất mát di sản trong dân

Không chỉ tài liệu lưu trữ địa phương, các gia đình, dòng họ, cá nhân trên cả nước đang lưu trữ nhiều tài liệu quý giá, trong đó không ít tài liệu hình thành cách đây hàng trăm năm. Theo khảo sát, phần lớn di sản này chưa được bảo quản đúng cách.

Kho tàng đồ sộ, phong phú

Đất nước Việt Nam trải dài hàng nghìn năm lịch sử với niềm tự hào là các di sản vật thể và phi vật thể, trong đó mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, địa phương có bản sắc, giá trị độc đáo riêng. Những di sản đó là tấm gương phản chiếu một cách khoa học, hệ thống về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Bên cạnh các di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh, các di sản đã được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ quốc gia, trung tâm di sản, thư viện, bảo tàng, theo nghiên cứu, hiện nay Việt Nam còn sở hữu kho tàng đồ sộ di sản tư liệu nằm trong đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ dòng họ, tư gia… trải dài khắp đất nước.

Di sản tư liệu trong dân rất phong phú nhưng nếu không được bảo quản tốt sẽ sớm dẫn đến hư hại, mất mát. Ảnh: TTLTQGI

Di sản tư liệu trong dân rất phong phú nhưng nếu không được bảo quản tốt sẽ sớm dẫn đến hư hại, mất mát. Ảnh: TTLTQGI

Riêng Phật giáo Huế hiện bảo quản 2.933 ván khắc kinh Phật các loại, trong đó chùa Từ Đàm có số lượng lưu trữ lớn nhất với 1.319 bản khắc mộc bản. Đặc biệt tại chùa Trúc Lâm vẫn gìn giữ được bản kinh Kim Cang - một pháp bảo, độc bản dưới thời Tây Sơn. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn là nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm quý từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Nhiều làng đang gìn giữ các sắc phong, địa bộ, đinh bộ, thuế bộ, các tập văn nghi lễ, hương phổ, liễn đối, bi ký, minh văn, văn thư trình báo của làng. Một số làng còn giữ được cả những văn thư của triều đình, phủ huyện; chiếu, chỉ, truyền, phó, thị, sức, kiểu... của triều đình và các bộ truyền đạt xuống làng xã. Phần lớn họ tộc giữ được gia phả các đời. Các phủ đệ, gia đình danh gia vọng tộc còn giữ được những ấn phẩm, ván khắc mộc bản, bản thảo những tác phẩm Hán Nôm có giá trị. Như tư gia ông Phan Thuận An (Phủ Ngọc Sơn công chúa) ở thành phố Huế đang lưu giữ 10 tập Châu bản triều Nguyễn, trong đó đặc biệt có một văn bản có nội dung về biển đảo.

Hay ở Hà Tĩnh, dòng họ Nguyễn Huy và làng Trường Lưu cũng đang gìn giữ hệ thống di sản Hán Nôm cổ gồm văn viết (sắc phong, trướng viết…), văn khắc (văn bia, mộc bản, hoành phi, câu đối, sắc phong bằng gỗ…) và vật mang tin (gỗ, đá, đồng, tường vôi…). Trong đó, 3 tư liệu được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Mộc bản trường Phúc Giang; Hoàng hoa sứ trình đồ; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689 - 1943).

Từ kinh nghiệm điền dã, nghiên cứu, tiếp xúc với tư liệu, tài liệu lưu trữ ở nhiều tỉnh, thành trong hàng chục năm qua, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Trần Đăng Phương nhận định, tư liệu, tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ có vai trò và tiềm năng rất lớn. Theo thời gian, nguồn di sản này vẫn vô cùng phong phú, nhưng nếu không được quản lý, bảo quản tốt thì sẽ sớm dẫn đến hư hại, mất mát. Thực tế, có những bia đá đang phơi mình trong sương gió, cát bụi, nhiều kho mộc bản bị mối mọt, nhiều thư tịch cổ bị hư hại, chưa kể tình trạng thất thoát thư tịch cổ ra nước ngoài…

Báo động tình trạng hư hại, mất mát

Là người chủ trì thực hiện đề tài Sưu tầm, số hóa di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong 13 năm (2009 - 2021), ông Phạm Xuân Phượng cho biết, số lượng tư liệu Hán Nôm mà đoàn nghiên cứu tiếp cận được chỉ là một phần còn khiêm tốn trong hệ thống tư liệu di sản Hán Nôm đang được lưu giữ tại Huế. Trước đó, trong một thời gian dài, nhiều người dân không ý thức được giá trị tư liệu, tài liệu lưu trữ. Có người lấy các bản khắc gỗ chẻ làm củi, có người coi tư liệu giấy có chữ Hán, chữ Nôm là phong kiến cổ hủ nên xé sắc phong gói thuốc lào bán ở chợ…

Ông Phạm Xuân Phượng phân tích nguyên nhân chủ yếu tác động đến sự tồn vong của các loại tư liệu trong dân, nhất là các văn bản giấy (gia phả, sắc phong, thư tịch…) là do quá trình bảo quản. Phần lớn tài liệu của làng, dòng họ được cất giữ trong các loại hòm gỗ, tre. Một số làng, dòng họ, tư gia sử dụng các loại hòm gỗ rất tốt và cất tài giữ tài liệu cẩn thận, nên các loại văn bản còn khá tốt. Nhiều nơi cất giữ hòm ở am, miếu cách xa đình, vừa chịu tác động khí hậu khắc nghiệt, vừa không bảo đảm an toàn. Một số dòng họ, tư gia sử dụng bản gốc lồng vào khung kính để treo, thời tiết ẩm thấp làm cho giấy dính chặt vào kính rất khó lấy ra. Một số nơi cho thợ ảnh sử dụng màu tô màu đậm họa tiết, dấu sắc phong để chụp, in phóng to treo. Tình trạng phổ biến là cuộn, bọc kỹ các loại văn bản trong bao nilon kín… Tất cả đều là tác nhân làm hư hại tài liệu.

Không chỉ là câu chuyện hư hại tài liệu, điều đáng quan tâm là tình trạng thất lạc, mất cắp các loại gia phả, sắc phong, thư tịch cổ…, nhất là tại các cơ sở thờ tự đình chùa, đền, miếu. Câu chuyện 39 sắc phong và 1 bản đồ của đền Quốc tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, Phú Thọ bị mất trộm năm 2021 là một ví dụ. Kẻ gian đã cậy két sắt lấy trộm 40 tài liệu quý trên. Đây là sự mất mát lớn đối với văn hóa và di sản, cũng là bài học về sự cần thiết phải có biện pháp bảo quản, bảo vệ tài liệu quý trong dân.

Bà Điền Thị Hạnh, Viện Bảo tồn di tích thẳng thắn chỉ ra trong những chức năng của Viện Bảo tồn di tích có nghiên cứu khoa học chuyên ngành về di tích và công tác bảo tồn di tích; đề xuất các tiêu chuẩn, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực bảo tồn di tích… “Việc nghiên cứu, bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc luôn được Viện đặt lên hàng đầu, tuy nhiên phần hồn của di tích như lễ hội hay các tài liệu quý lưu giữ tại di tích, như sắc phong, thần phả, thần tích và việc bảo quản, tu bổ các tài liệu này chưa được quan tâm, nghiên cứu nhiều”, bà Hạnh nói.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-2-mat-mat-di-san-trong-dan-i385086/