Bài 2: Mềm dẻo, linh hoạt, ưu tiên quyền lợi người dân

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

Kết quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực không ngừng của các địa phương và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, trong đó có lực lượng Công an. Bảo đảm an ninh trật tự phục vụ cho việc thi công xây dựng dự án cao tốc Bắc – Nam là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Công an các địa phương - nơi có tuyến đường cao tốc đang triển khai, thi công. Xây dựng kế hoạch, tham mưu cho chính quyền các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo vệ công trường thi công cho các nhà thầu…, là những công việc mà Công an các địa phương đã và đang thực hiện, bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ.

Cán bộ địa chính mặc sắc phục vận động người dân

Dự án thành phần Vạn Ninh – Cam Lộ của cao tốc Bắc - Nam chạy qua tỉnh Quảng Bình có chiều dài 33km nhưng có đến 32km nằm trên đất của huyện Lệ Thủy. Chính vì thế mà phần việc liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rất lớn. Đi qua 6 xã, thị trấn, ảnh hưởng đến 926 hộ dân, 8 tổ chức và 691 ngôi mộ nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tiềm ẩn rất nhiều tình huống phức tạp về an ninh trật tự. Mặc dù chính quyền đã tích cực tuyên truyền vận động nhưng nhiều hộ dân vẫn cố tình không bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Chính vì thế, UBND huyện Lệ Thủy đã phải có chủ trương cưỡng chế thu hồi đất với một số hộ dân. Quá trình triển khai cưỡng chế trên địa bàn xã Phú Thủy, thị trấn Nông trường Lệ Ninh đã xuất hiện những đối tượng khiếu kiện phức tạp.

Công an Hà Tĩnh hỗ trợ người dân di dời đồ đạc để nhường lại mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Công an Hà Tĩnh hỗ trợ người dân di dời đồ đạc để nhường lại mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Quyết tâm đảm bảo ổn định tình hình, ngay từ ngày đầu triển khai dự án, Công an huyện Lệ Thủy đã bám sát các kế hoạch của Công an tỉnh Quảng Bình để triển khai công việc, trong đó Công an huyện tập trung nhất vào việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Bình trong thực hiện các chính sách đền bù, tái định cư.

“Lúc cao điểm, Công an huyện Lệ Thủy đã huy động tối đa lực lượng, từ chỉ huy cho đến cán bộ, chiến sĩ đều phải xuống địa bàn, vào từng hộ dân để tuyên truyền vận động. Không những thế, theo chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình, ban ngày cán bộ, chiến sĩ đi làm, ngoài giờ, toàn bộ cán bộ tham gia kế hoạch đều phải nghiên cứu kỹ các quy định về đất đai, giải phóng mặt bằng, các chính sách hỗ trợ đền bù… để phục vụ cho công tác tuyên truyền. Các cán bộ Công an còn kiêm luôn vai “anh cán bộ địa chính” vì phải hiểu rõ thì mới có thể tuyên truyền hiệu quả”, Thượng tá Trần Anh Tuấn - Trưởng Công an huyện Lệ Thủy chia sẻ.

Đối với các hộ dân có chủ trương cưỡng chế, Ban chỉ huy Công an huyện Lệ Thủy đã trực tiếp cùng các tổ công tác tham mưu nhiều văn bản cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức hàng trăm lượt vận động, tuyên truyền. Kết quả cuối cùng đã nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, trong đó có một số hộ dân “cá biệt”, nhờ sự vận động kiên trì của Công an huyện Lệ Thủy, họ đã chấp hành, cam kết bàn giao mặt bằng.

Như bài trước chúng tôi đã đề cập về sự thành công của dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn đi qua tỉnh Hà Tĩnh, trong đó huyện Can Lộc đã trở thành một “điểm sáng” trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Đại úy Trần Đức Tú, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho chúng tôi hay, điểm nhấn trong công tác năm của đơn vị năm nay chính là đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam. Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đi qua 9 xã, thị trấn của huyện Can Lộc, ảnh hưởng đến 2.474 hộ dân và 788 ngôi mộ, chính vì thế, nguy cơ về mất an ninh trật tự luôn tiềm ẩn. Thế nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của Công an trên địa bàn, đến nay Hội đồng đền bù, hỗ trợ, tái định cư của huyện Can Lộc đã chi trả 2.189/2.189 hộ đất nông nghiệp, 285/285 hộ đất ở và tài sản trên đất, di dời 788/788 ngôi mộ, bàn giao mặt bằng toàn tuyến đạt 100%.

“Lúc cao điểm đúng là ăn ngủ với cao tốc, hầu hết anh em trong đội gần như ăn ở dưới địa bàn để tuyên truyền vận động. Cá biệt như trường hợp xảy ra vào tháng 2/2024 tại xã Song Kim Trường, dù người dân đã nhận tiền đền bù nhưng lại kiên quyết không di dời. Lý do là hộ dân này phản ánh và yêu cầu các lô đất tái định cư phải có lối thoát hiểm. Dù UBND huyện Can Lộc đã có văn bản trả lời là không có cơ sở nhưng người dân không đồng thuận. Chính quyền đã phải ra quyết định cưỡng chế vào ngày 29/2 để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nhận thấy tình hình phức tạp, anh em trong tổ công tác đã kiên trì vận động, đến 21 giờ tối 28/2, hộ dân này đã tự di dời tất cả tài sản về nhà người thân ở thị xã Hồng Lĩnh”, Đại úy Trần Đức Tú kể.

Đại úy Trần Đức Tú còn cho rằng, để đạt được sự đồng thuận thì phải tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân. Công an phải là cầu nối giúp dân, giúp các cấp chính quyền. Đơn cử khi giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Can Lộc, do vướng mắc ở khoản 2, điều 77 của Luật Đất đai, Công an huyện Can Lộc đã ngay lập tức tham mưu cho UBND huyện về việc xác định nguồn gốc đất, tìm lời giải cho “điểm nghẽn”. Dân bức xúc khi xe chở vật liệu thi công gây khói bụi, ô nhiễm mỗi trường, Công an huyện cũng lập tức làm việc với nhà thầu yêu cầu thực hiện ngay các phương án đảm bảo môi trường cho người dân. Khi người dân có đơn thư kiến nghị, cán bộ Công an đã nhanh nhạy, tham vấn các cơ quan chức năng chuyên môn để tham mưu cho các cấp chính quyền hướng giải quyết triệt để, tạo sự nhất trí đồng lòng cho người dân.

Cán bộ Công an tuyên truyền, vận động người dân nhường đất cho hạ tầng giao thông.

Cán bộ Công an tuyên truyền, vận động người dân nhường đất cho hạ tầng giao thông.

Công an phải làm cầu nối giúp dân

Xây dựng và triển khai sớm các kế hoạch, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công an các địa phương có dự án đi qua - là lời giải hiệu quả của công tác đảm bảo an ninh trật tự dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn đi qua Hà Tĩnh của Công an tỉnh Hà Tĩnh. Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay, ngay khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/BTV ngày 20/4/2022 về chỉ đạo triển khai dự án, ngay lập tức Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai các kế hoạch về đảm bảo an ninh trật tự đối với dự án này.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long, Ban quản lý dự án giao thông 6 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) và các sở, ngành liên quan nắm tình hình, rà soát, đánh giá toàn diện quá trình triển khai thực hiện dự án. Từ đó phát hiện các sơ hở, thiếu sót, bất cập trong thi công và có văn bản tham mưu với cấp ủy, chính quyền hướng tháo gỡ, giải quyết. Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã giải quyết hàng chục kiến nghị của công dân liên quan đến cống, cầu chui dân sinh, các vị trí thi công gây ngập úng lúa, hoa màu của người dân…, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án và giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Công an tỉnh Hà Tĩnh còn tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao đông, an toàn lao động, ô nhiễm môi trường trên các tuyến đường, nhất là tổ chức cam kết với các nhà thầu không để phát sinh ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, bài học kinh nghiệm được Đại tá Lê Văn Hóa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình chia sẻ là Công an phải chủ động nắm bắt, dự báo tình hình từ sớm, từ xa và đề ra kế hoạch chi tiết để giải quyết ngay từ đầu, triệt để từng vấn đề, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Minh chứng là do dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình dài đến hơn 126km, chiếm dụng gần 1.130 ha đất và ảnh hưởng đến 3.372 hộ dân, 4.642 ngôi mộ nên Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đã lường trước những phát sinh có thể diễn ra để giải quyết ngay từ đầu, không để thành diễn biến phức tạp.

“Lường trước vấn đề nên Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị nắm tình hình ngay từ ban đầu và phát hiện không ít hộ dân xây dựng các công trình trong phạm vi giải phóng mặt bằng để “chờ hưởng lợi” đền bù, gây khó khăn cho quá trình kiểm đếm. Chúng tôi đã huy động 100% quân số Công an các xã, thị trấn với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, nắm chắc từng trường hợp” giải quyết vấn đề ngay từ khi còn đơn giản. Qua đó đã giải quyết triệt để gần 200 trường hợp tự ý xây công trình trong phạm vi hành lang giải tỏa”, Đại tá Lê Văn Hóa cho hay.

Đến 30/10/2024, 100% mặt bằng của tỉnh Quảng Bình đã được bàn giao cho đơn vị thi công, dù vẫn còn không ít khó khăn, phức tạp nhưng để có được kết quả đó, đóng góp của Công an địa phương là rất quan trọng. “Công an tỉnh Quảng Bình đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt. Do đó, đảm bảo tiến độ của dự án thì lực lượng Công an phải là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân để có những tham mưu giải quyết phù hợp, đúng thời điểm. Công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng Công an làm sao phải để người dân hiểu được rằng đây là dự án trọng điểm quốc gia, phục vụ lợi ích cho người dân và toàn xã hội”, Đại tá Lê Văn Hóa chia sẻ.

Phạm Huyền – Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/bai-2-mem-deo-linh-hoat-uu-tien-quyen-loi-nguoi-dan-i751521/