Thay bàn thờ mới, bàn thờ cũ xử lý thế nào?

Khi thay bàn thờ mới, một trong những việc khiến nhiều người băn khoăn, trăn trở nhất là phải làm gì với bàn thờ cũ để không phạm vào những điều kiêng kỵ.

Bàn thờ là nơi linh thiêng nhất trong gia đình, có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh. Theo thời gian, nhiều gia đình phải lập bàn thờ mới vì bàn thờ cũ bị hư hỏng, mối mọt, hoặc không gian sống thay đổi và bàn thờ cũ không còn phù hợp. Lúc này, nhiều người lúng túng không biết bàn thờ cũ nên được xử lý thế nào cho phù hợp và an tâm.

Thay bàn thờ mới, bàn thờ cũ xử lý thế nào?

Bàn thờ không phải món đồ gỗ bình thường mà là không gian tâm linh, được coi là nơi trú ngụ của hương linh ông bà tổ tiên cũng như nơi ngự của các bậc thần linh. Vì thế khi cần thay bàn thờ mới, mọi người không thể vô tư loại bỏ bàn thờ cũ. Cách đối xử với vật phẩm này cũng thể hiện lòng tôn kính đối với sự hiện diện thiêng liêng của các đấng bề trên.

Vậy bàn thờ cũ cần được xử lý thế nào khi thay bàn thờ mới? Nếu nó còn tốt, gia đình có thể cất giữ tại nơi sạch sẽ, khô ráo, sử dụng cho mục đích thờ tự khác. Trong trường hợp xác định sẽ không còn sử dụng, được, gia chủ có thể áp dụng các cách xử lý bàn thờ cũ sau:

Thay bàn thờ mới bàn thờ cũ xử lý thế nào? (Ảnh: Đồ gỗ cũ)

Thay bàn thờ mới bàn thờ cũ xử lý thế nào? (Ảnh: Đồ gỗ cũ)

Thiêu hóa

Đốt là cách xử lý bàn thờ cũ phổ biến, thể hiện được lòng kính trọng đối với thần linh và ông bà tổ tiên. Theo quan niệm dân gian, việc đốt bỏ bàn thờ cũ giúp linh hồn tổ tiên không bị cảm thấy bị bỏ rơi. Cách này cũng tránh cho vật phẩm thờ cúng của nhà mình rơi vào tay người khác và dùng cho những mục đích "trần tục" hoặc kém sạch sẽ, xúc phạm đến thần linh và tổ tiên.

Việc thiêu hóa bàn thờ cũ cần được làm một cách trang nghiêm, chọn ngày tốt, hợp với tuổi của gia chủ. Trước khi đốt, nên thắp nhang và cúng vái tổ tiên, xin phép và thông báo việc thay bàn thờ mới và hóa bàn thờ cũ. Có thể mời thầy về cúng để thực hiện nghi lễ một cách suôn sẻ, đem lại sự an tâm lớn nhất.

Nên tiến hành việc đốt bàn thờ cũ ở nơi thoáng đãng, xa khu dân cư và tuân thủ các nguyên tắc phòng cháy chữa cháy để tránh gây hỏa hoạn.

Thanh lý bàn thờ cũ

Nhiều mẫu bàn thờ được làm từ gỗ quý, chạm trổ tinh xảo với những họa tiết mang đậm dấu ấn của từng thời kỳ. Việc thanh lý bàn thờ cũ không chỉ giúp giữ gìn những giá trị này, mà còn tạo cơ hội cho những người yêu thích vẻ đẹp cổ điển có thể sở hữu một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

Không chỉ vậy, việc thanh lý bàn thờ cũ cũng đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Cách này vừa giúp gia đình thu lại được một khoản tiền nhỏ để mua bàn thờ mới, vừa tiết kiệm thời gian, công sức.

Trong những cách xử lý bàn thờ cũ mà dân gian áp dụng có giải pháp thả trôi sông - một tập tục có từ rất lâu đời, khi môi trường sống ít bị tác động và dân cư thưa thớt. Ngày nay, cách này không còn phù hợp vì vừa gây mất mỹ quan vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.

Nghi thức thay bàn thờ mới

Trước khi di chuyển bàn thờ cũ, bạn cần lau dọn sạch sẽ, gói ghém các vật phẩm tâm linh cẩn thận. Đối với các bát hương, bài vị, tượng thần linh, cần thực hiện nghi lễ xin phép trước khi dời đi.

Khi chuyển bàn thờ, cần thực hiện lễ cúng nhỏ để xin phép thần linh, tổ tiên cho di dời bàn thờ cũ và khấn cầu bình an cho bàn thờ mới. Nghi lễ này có thể do gia chủ thực hiện hoặc mời thầy cúng nếu cần.

Việc thay bàn thờ mới cần thực hiện đúng nghi thức. (Ảnh: Bàn thờ Hưng Thịnh)

Việc thay bàn thờ mới cần thực hiện đúng nghi thức. (Ảnh: Bàn thờ Hưng Thịnh)

Sau khi đã chuẩn bị xong vị trí mới, gia chủ có thể thiết lập bàn thờ mới, thực hiện lễ an vị để mời tổ tiên về an tọa và tiếp tục phù hộ cho gia đình.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thay-ban-tho-moi-ban-tho-cu-xu-ly-the-nao-ar909745.html