Bài 2: Ngọn lửa giữa địa ngục trần gian

Nếu với bà Nguyễn Thị Bình, ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh luôn rực rỡ soi đường cho những lập luận đanh thép trên bàn đàm phán Paris, thì với người kế nhiệm của bà - nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, ngọn lửa ấy vẫn luôn bừng cháy giữa 'địa ngục trần gian' Côn Đảo, nơi mà tù nhân bị đọa đày đến tận cùng của thể xác và tinh thần, hun đúc nên bản lĩnh thép, tôi luyện ý chí kiên cường và phẩm chất của một người cộng sản trung kiên, mưu trí và dũng cảm trong suốt hành trình cách mạng.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng các thành viên Quỹ học bổng Vừ A Dính thăm nhà tù Phú Hải-Côn Đảo. (Ảnh THU HƯƠNG)

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng các thành viên Quỹ học bổng Vừ A Dính thăm nhà tù Phú Hải-Côn Đảo. (Ảnh THU HƯƠNG)

Ngày 7/3/1975, cách đây 50 năm, người tù chính trị Trương Mỹ Hoa được trả tự do vô điều kiện. Bà rời Côn Đảo mang theo niềm kiêu hãnh của một trái tim tuyệt đối trung thành với Đảng, với Bác Hồ - không khuất phục, không thỏa hiệp, kiên quyết từ chối mọi yêu cầu nhân nhượng của kẻ thù để đổi lấy tự do.

Cô giao liên nhỏ của gia đình cách mạng

Chúng tôi tìm đến nhà nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa vào một ngày tháng Tư - tháng của những ký ức hòa bình và khát vọng thống nhất. Đó là những ngày cả nước đều hướng về miền nam, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc và tự hào nhìn lại hành trình nửa thế kỷ thống nhất non sông.

Trong căn nhà giản dị trong khu dân cư khá yên tĩnh ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, người phụ nữ từng trải qua 11 năm tù đày, từng giữ cương vị lãnh đạo cấp cao của đất nước, vẫn giữ dáng vẻ dung dị và ánh nhìn rắn rỏi của một người luôn được nhiều cựu tù chính trị Côn Đảo nhắc đến như một đồng chí nhiều mưu lược và nổi tiếng kiên gan.

Khi ánh nắng len qua khung cửa sổ, rọi lên khuôn mặt và đôi tay in hằn nhiều vết sẹo từ những trận tra tấn tàn bạo của kẻ thù; câu chuyện về một thời máu lửa và lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng, với Đảng, với Bác Hồ được bà Trương Mỹ Hoa chia sẻ không chỉ là câu chuyện cá nhân, mà còn là một phần ký ức chung của các đồng đội, của cả dân tộc về những năm tháng khốc liệt mà hào hùng.

Bà Trương Mỹ Hoa sinh năm 1945 tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình giàu lòng yêu nước; cha là ông Trương Văn Đẩu tham gia Việt Minh, mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tư (bí danh Sáu Hòa).

Lớn lên giữa những năm tháng đất nước chia cắt, bà Trương Mỹ Hoa chứng kiến sự tàn bạo của kẻ thù và sự hy sinh âm thầm của ba má - những người cộng sản hoạt động giữa đôi bờ nam-bắc khói lửa.

Tuổi thơ của cô bé Mỹ Hoa là ký ức về những tiếng gõ cửa bất giác lúc đêm khuya, là cảnh những người đồng đội của ba má bị địch còng tay lôi đi giữa đồng trống, là tiếng chim cú kêu hoảng loạn như báo tin dữ, là những lầm than cơ cực, chia cắt của người dân mất nước...

Tất cả đã in sâu vào tâm trí, trở thành động lực để sau này, bà dấn thân không do dự vào con đường cách mạng ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi. “Tôi chính thức tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi nhưng thực tế từ lúc 6-7 tuổi, tôi đã làm giao liên. Tôi nhận nhiệm vụ liên lạc, mang thư, đưa cơm, canh hầm bí mật… cho cán bộ nằm vùng theo chỉ dẫn của má. Má dạy tôi cách tránh bốt lính, cách trả lời để không bị nghi ngờ, cách giấu tài liệu trong ống quần… Má không chỉ là người đã sinh ra tôi, mà còn là đồng chí cấp trên đầu tiên, người truyền cho tôi ngọn lửa đấu tranh và những bài học vỡ lòng trên con đường cách mạng. Còn chị hai Mỹ Lệ, vừa thay ba má chăm sóc, dạy dỗ các em, vừa dìu dắt và đưa tôi đi theo cách mạng”, bà Trương Mỹ Hoa kể về những ngày đầu tham gia kháng chiến.

Ngày ấy, cô bé Mỹ Hoa đã biết Bác Hồ là lãnh tụ, đã biết thương bộ đội, thương những người hoạt động như ba má mình. Và trong niềm kính yêu với Bác qua lời kể của ba má, có nỗi nhớ cá nhân rất con gái đối với ba mình: “Ba sẽ đi tập kết, ở đó có Bác Hồ. Ba tôi đã nói như vậy trước khi đi chiến đấu”, nói đến đây, nước mắt như thắt lại trên gương mặt của nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường Trương Mỹ Hoa.

Bản lĩnh người cộng sản giữa ngục tù đế quốc

Bà Trương Mỹ Hoa nhớ lại những ngày tháng lao tù: “Giữa tháng 4 năm 1964, trên đường đi dán cờ, rải truyền đơn, mang tài liệu vận động học sinh-sinh viên tham gia phong trào chống lệnh bắt lính phi lý của chính quyền - âm mưu của địch là biến miền nam thành trại lính khổng lồ; người cùng đi với tôi ném được tập tài liệu và chạy thoát, nhưng tôi vấp té cho nên bị bắt và đưa về trại giam ở Nha Cảnh sát Đô thành. Năm đó tôi 19 tuổi”.

Những ngày tháng kinh hoàng từ đó bắt đầu. Tại nơi giam giữ, để lấy lời khai, kẻ thù tìm cách dụ dỗ để có thông tin nhưng bất thành. Không thể khuất phục được ý chí của một nữ sinh ngoan cường, chúng chuyển sang trò tra tấn dã man hơn: Đóng đinh lên 10 đầu ngón tay. Trong một khoảnh khắc căng thẳng đến nghẹt thở, bà Hoa bất ngờ nắm chặt bàn tay bị đóng đinh và đập mạnh xuống bàn, như muốn tuyên bố rằng: Nỗi đau xác thịt dù khủng khiếp đến đâu cũng không thể khiến bà khuất phục. Hành động ấy khiến bọn tra tấn sững lại. Một tên quay sang bảo “Nhỏ này lì quá” và thôi không đóng đinh nữa. Hơn bốn tháng điều tra, chúng đã sử dụng mọi hình thức tra tấn tàn bạo nhưng không thu thập được gì, chúng đưa bà ra xét xử với tội danh “Phá rối cuộc trị an”. Sau khi bị kết án 18 tháng tù, bà Trương Mỹ Hoa bị đưa qua nhiều nhà tù khét tiếng như: nhà lao Thủ Đức, khám Chí Hòa, nhà tù Tân Hiệp và hai lần bị đày ra Côn Đảo.

Thời điểm đó, tù nhân Nguyễn Thị Tâm (tên giả mà bà Trương Mỹ Hoa tự khai khi bị bắt) kiên quyết từ chối các yêu cầu của kẻ thù như không chịu chào cờ ba que, không chịu tố Cộng, không chịu hô “đả đảo cộng sản”... Chính vì lẽ đó, mặc dù án 18 tháng nhưng vì bị liệt vào loại “cứng đầu, cứng cổ”, bà đã bị giam cầm đến 11 năm, trong đó có gần bốn năm bị đày ra chuồng cọp Côn Đảo và trải qua quãng thời gian chịu đựng những đòn tra tấn tàn khốc nhất.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa giơ cánh tay chi chít những vết sẹo hằn sâu, rồi nhẹ nhàng kể: “Có lần, chúng trói hai tay và treo tôi lên xà nhà, hai tên dùng cây gỗ lớn đánh qua đánh lại, chúng đánh mạnh quá đến mức các móc buộc dây trên tường bị bật tung, tôi bị văng ra, ngã đập cánh tay xuống cạnh thềm xi-măng, gân tay đứt rời, da thịt bị bóc toạc đến nửa cánh tay. Còn đầu móng tay dập nát là do bị địch đóng đinh vào lúc tra tấn”.

Nghe bà kể đến đây, thấy tôi run lên, bà khẽ ôm vai tôi và mỉm cười trấn an: “Giống như bài thơ của Tố Hữu ấy: Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa. Ai làm cách mạng cũng luôn hiểu rằng mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Những đau đớn khi bị tra tấn trong lao tù đều không là gì so với quyết tâm giành độc lập, tự do của mỗi người cộng sản. Và chúng tôi luôn cho rằng: Đó là sự hy sinh xứng đáng!”.

Tự chọn sẵn tên cho mình là Tâm trước khi bị địch bắt, bởi bà nói rằng, đó là sự kiên tâm đi theo con đường đã chọn, dù gian khổ thế nào cũng nhất định không chùn bước. Khi chúng tôi hỏi: Vì sao 19 tuổi bị địch bắt bà đã biết khai bớt hai tuổi và lấy tên giả là Nguyễn Thị Tâm; không những thế, vẫn tổ chức hoạt động Đảng ngay trong lao tù?, bà Trương Mỹ Hoa giải thích: “Được tiếp cận với cách mạng từ khi còn bé, những ngày làm giao liên cho má, tôi đã học và rút được nhiều kinh nghiệm từ những người đi trước, thậm chí biết tính toán kỹ cả việc nếu bị địch bắt thì sẽ phải làm những gì. Thí dụ có bài thơ về chị Võ Thị Sáu khi bị bắt “Sáu chưa đúng 18/ Chúng không dám để lâu/ Lén lút bỏ xuống tàu/ Đưa Sáu ra Côn Đảo”.

Từ những câu thơ đó thì tôi hiểu rằng theo luật pháp quốc tế, không được quyền xử án trẻ vị thành niên, và vì là vị thành niên cho nên cũng chưa có giấy tờ tùy thân; tôi khai mình mồ côi cha mẹ, không có anh chị em, quê ở vùng giải phóng (để chúng không xác thực được thông tin) và tên là Nguyễn Thị Tâm, không phải Việt Minh hay Việt Cộng gì cả, mà chỉ là nữ sinh đang đi học”.

Giữa những tháng ngày u tối nơi địa ngục trần gian, nơi tưởng như đã bị đọa đày đến tận cùng của thể xác và tinh thần, người cộng sản Trương Mỹ Hoa không chỉ sống sót, mà còn rèn luyện bản lĩnh, kiên định lập trường cách mạng. Bà cùng các chị em tù chính trị luôn giữ cho mình một ngọn lửa bền bỉ, được thắp lên từ lý tưởng cách mạng và niềm tin son sắt vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sáng.

Giữa những tháng ngày u tối nơi địa ngục trần gian, nơi tưởng như đã bị đọa đày đến tận cùng của thể xác và tinh thần, người cộng sản Trương Mỹ Hoa không chỉ sống sót, mà còn rèn luyện bản lĩnh, kiên định lập trường cách mạng. Bà cùng các chị em tù chính trị luôn giữ cho mình một ngọn lửa bền bỉ, được thắp lên từ lý tưởng cách mạng và niềm tin son sắt vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sáng.

Có Bác lòng ta trong sáng hơn

Bị giam cầm trong bốn bức tường, những đau đớn vì bị tra tấn có lẽ không thể miêu tả chính xác bằng ngôn từ, nhưng những con người quả cảm ấy vẫn nhường nhau từng khe hở để thở, từng ngụm nước để uống, từng khe sáng giữa trại giam ngột ngạt và thậm chí họ vẫn bí mật thành lập chi bộ Đảng, nhóm sinh hoạt đảng.

Họ dạy nhau làm Toán, dạy chữ, dạy ca hát, đọc thơ cách mạng cho nhau nghe để học thuộc...Bà Trương Mỹ Hoa vẫn cùng đồng đội duy trì mạch sống cách mạng ngay trong lao tù. “Ở nhà tù Tân Hiệp thì tôi là bí thư chi bộ, nhưng ở Côn Đảo thì hoạt động bí mật hơn. Nói chung cũng tùy theo nhà lao để tổ chức theo hình thức nào cho phù hợp, đôi khi sinh hoạt với tổ ba người, coi như cũng là tổ chức đảng, để có chỉ thị nào còn phổ biến, kết nối và thực hiện các chủ trương bên ngoài và giao nhiệm vụ cho nhau”, bà Trương Mỹ Hoa chia sẻ.

Để giữ bí mật, mỗi đảng viên trong lao tù luôn học thuộc lòng từng chỉ thị, nghị quyết từ bên ngoài gửi vào. Khi hay tin Bác Hồ mất, họ đã đấu tranh quyết liệt để được để tang Người. Trong trại giam Chí Hòa, nữ cựu tù Trương Mỹ Hoa cùng đồng đội chuyền tay nhau bản Di chúc thiêng liêng, gắng nén đau thương để học thuộc thật nhanh từng lời Bác căn dặn, như học một bản chỉ đường trong đêm tối. Họ kiểm điểm từng hành động của mình trước lời Bác dạy - không chỉ để tưởng nhớ, mà còn như một nghi thức giữ gìn khí tiết cách mạng giữa chốn lao tù.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Trương Mỹ Hoa đã khóc khi nhắc đến Bác Hồ, đến ba, và đến các đồng đội, nhất là những người đã hy sinh.

Từ bóng tối Côn Đảo đến ánh sáng của một người lãnh đạo đất nước, bà Trương Mỹ Hoa đã vượt qua những năm tháng khốc liệt chiến tranh bằng nghị lực, sự mưu trí và lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng. Hành trình ấy là minh chứng sống động cho sức mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh: Hun đúc nên những người phụ nữ kiên trung giữa bão lửa cách mạng, và truyền cho họ niềm tin để chiến đấu, giành lấy tự do, độc lập cho dân tộc.

Truyền thống cách mạng của gia đình, niềm tin son sắt vào Đảng, vào Bác Hồ, đã vun đắp nên một người phụ nữ Việt Nam bản lĩnh, có tầm nhìn, giàu nghị lực, luôn hết lòng vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân như nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Chồng bà là ông Hà Văn Hiển, cũng là một cựu tù chính trị Côn Đảo, luôn là chỗ dựa tinh thần rất lớn để bà yên tâm làm giỏi việc nước.

Trước khi chia tay chúng tôi, bà nhắn nhủ: “Những ngày trong lao tù vô cùng khốc liệt nhưng cũng có những giây phút ý nghĩa, bởi vì chúng tôi nhường nhau từng miếng cơm, ngụm nước, manh áo, từng bóng nắng trong xà lim, chia sẻ với nhau mọi niềm vui-nỗi buồn... Đó là những ngày tháng lấp lánh tình người, tình đồng chí, đồng đội. Bài học ấy còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, không nên đèn nhà ai nấy rạng, mà cần phải thương nhau, san sẻ và nhường nhịn. Có tình người, cuộc sống mới thật là cuộc sống”.

Từ bóng tối Côn Đảo đến ánh sáng của một người lãnh đạo đất nước, bà Trương Mỹ Hoa đã vượt qua những năm tháng khốc liệt chiến tranh bằng nghị lực, sự mưu trí và lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng. Hành trình ấy là minh chứng sống động cho sức mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh: Hun đúc nên những người phụ nữ kiên trung giữa bão lửa cách mạng, và truyền cho họ niềm tin để chiến đấu, giành lấy tự do, độc lập cho dân tộc.

Cũng như bà Trương Mỹ Hoa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lài, nữ biệt động thành Huế cũng đã chọn con đường không lùi bước, mang theo trái tim yêu nước và lòng gan dạ hiếm có giữa những ngày cố đô chìm trong khói lửa chiến tranh.

(Còn nữa)

NGỌC ĐINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-2-ngon-lua-giua-dia-nguc-tran-gian-post878863.html