Bài 2: Người lao động chờ tăng mức giảm trừ gia cảnh, thay đổi biểu thuế TNCN
Một trong những nội dung quan trọng tại Luật thuế TNCN được hàng triệu người lao động quan tâm đó là tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc cũng như điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú.
Bài 1: Sửa toàn diện Luật thuế TNCN: Gần 20 năm bộc lộ nhiều bất cập
Mức giảm trừ gia cảnh chưa phản ánh đúng thực tế
Trong thời gian vừa qua, câu chuyện về mức giảm trừ gia cảnh cũng như biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công chưa phù hợp với thực tiễn đã được cử tri, các đại biểu quốc hội cũng như các chuyên gia phản ánh nhiều lần.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, giảm trừ đối với người phụ thuộc thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế. Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%...
Luật thuế TNCN (áp dụng từ 01/01/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 01/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Ngày 02/6/2020 UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì chưa phải nộp thuế TNCN.
“Nhiều cử tri chia sẻ, nếu như gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng; nếu gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình… Vì vậy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định của Luật thuế TNCN sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh thắt lưng, buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN”, đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng phân tích về sự bất hợp lý trong rổ hàng hóa CPI. Theo quy định của Luật thuế TNCN, khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Nhiều ý kiến cũng nêu rõ, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cách tính thuế TNCN hiện cho thấy sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Chính sách thuế TNCN hiện hành không chỉ bất cập với các quy định về mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, mà việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh cũng không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), chi tiêu của mỗi hộ gia đình ở từng khu vực khác nhau nhưng Việt Nam áp mức chung trên cả nước là vô lý. Bước tính thuế quá gần nhau và nhiều bậc, quá nhanh, không tạo điều kiện cho người dân tích lũy, tạo thu nhập công khai chính đáng.
“Như vậy việc sửa toàn diện luật thuế này là nhu cầu chính đáng, nhất là giãn khoảng cách các bậc lũy tiến, tăng mức giảm trừ gia cảnh (tiến tới phân loại theo khu vực hoặc cho áp dụng giảm trừ theo chi phí đầu vào đối với một số hạng mục chi tiêu lớn). Nếu không nhanh chóng sửa đổi, thì chính sách thuế TNCN hiện hành sẽ thành gánh nặng thuế, kéo lùi đời sống nhân dân lao động và gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, TS Việt khẳng định.
Giảm gánh nặng thuế cho người nộp thuế
Tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc.
Bộ Tài chính cho hay, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Đối với nước ta, theo đánh giá của Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới. Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN trong hệ thống thuế.
“Mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế TNCN trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập) và vô hình sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây. Đồng thời, có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ; nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú.
Khoản 2 Điều 22 Luật thuế TNCN quy định Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.
Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.
Đồng tình với những thay đổi trong dự thảo Luật Thuế TNCN lần này, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho hay thuế TNCN cần nên thay đổi theo hướng đánh thuế đúng đối tượng, đúng bản chất thay vì dựa trên hình thức như hiện nay.
Chuyên gia Nguyễn Văn Được cho rằng cần giãn khoảng cách các bậc thuế để tạo sự đồng thuận của người nộp thuế, đặc biệt cần giãn khoảng cách ở bậc 1 và bậc 2 thật lớn để khoan sức dân đối với những đối tượng có thu nhập trung bình sẽ được hưởng lợi. Đồng thời thu hẹp khoảng cách bậc thuế ở các bậc thuế cao nhằm động viên thu ngân sách nhà nước đối với những đối tượng có thu nhập cao, từ đó thực hiện được chính sách phân phối thu nhập.
Ngoài ra, thuế TNCN hiện nay chia làm 7 bậc là tương đối nhiều nên tính toán phức tạp và khó khăn. Do đó, nên rút ngắn xuống còn 4 - 5 bậc để thuận tiện cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế từ đó giảm chi phí xã hội. Đồng thời, cần cân nhắc bỏ mức thuế TNCN 35% nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút lao động là chuyên gia có trình độ tay nghề cao đồng thời có thể thu hút nguồn thu khi thuế suất của chúng ta thấp hơn các nước trong khu vực.
Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhấn mạnh thuế TNCN cần được xem xét cẩn trọng về mức giảm trừ gia cảnh, phương pháp xây dựng cũng như các chỉ tiêu xác định sự thay đổi mức giảm trừ gia cảnh… Đơn cử như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi 5-10% thì chính phủ được phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp để độ nhạy của chính sách.
“Tôi đánh giá cao dự thảo thuế lần này đã tiếp thu các khoản chi thực tế cần thiết của người nộp thuế liên quan đến y tế giáo dục, học phí, viện phí… Tuy nhiên để đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các người nộp thuế và lợi ích hài hòa giữa các bên Luật cần xây dựng một mức giới hạn được trừ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thực tiễn. Ví dụ mức học phí, viện phí được trừ có thể bằng mức học phí trường công, viện công hoặc không vượt quá số lần theo mức học phí, viện phí công để đảm bảo công bằng bình đẳng giữa các bên”, ông Nguyễn Văn Được kiến nghị.