Bài 2: Nhà vắng chủ vì chủ sở hữu đi hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến thì xử lý như thế nào?
Nhiều căn cứ cho thấy, Quyết định số 1701/QĐ-UB ngày 19/12/1977 của UBND TP HCM ban hành tịch thu nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của cố luật sư Trịnh Định Thảo có dấu hiệu xác định sai chủ thể…
Nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Có thể thấy, Quyết định số 1701/QĐ-UB ngày 19/12/1977 của UBND TP HCM về tịch thu tài sản của nhà tư sản mại bản Trương Hy đã áp dụng sai đối tượng chủ thể sở hữu căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Bởi, thực tế, chủ sở hữu căn nhà này là luật sư Trịnh Đình Thảo. Bằng khoán điền thổ số 391 Sài Gòn – Độc Lập, lập bộ ngay 27/4/1932, di chuyển chủ quyền cho ông Trịnh Đình Thảo đứng bộ (Tờ lược giải số 3 ngày 4/3/1939) đã thể hiện rất rõ điều này.
Đến nay, gần 45 năm, kể từ ngày UBND TP HMC ra Quyết định nói trên, không có ai là người thân của cố luật sư nhìn thấy quyết định này.
Trong khi đó, ngày 11/10/1993, Văn phòng Thủ tướng Chinh phủ có văn bản cho biết, vụ gia đình ông Thảo đòi lại căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa được Thủ tướng "rất quan tâm" và "sẽ đôn đốc việc giải quyết của UBND TP HCM", "xem xét giải quyết có tình, có lý".
Ngày 31/3/2011, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1976/VPCP-KNTN, gửi Chủ tịch UBND TP HCM truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu: "Chủ tịch UBND TP HCM xem xét, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp, có lý có tình đối với gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo"…
Thế nhưng, đến nay con cháu cố luật sư Trịnh Đình Thảo vẫn chưa thể lấy lại được nhà, đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Chưa kể, khu nhà, đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ thuộc quyền sở hữu Nhà nước và đang bị gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo đòi lại nhà, nhưng hiện nay, tài sản này lại được giao cho một doanh nghiệp tư nhân khác (Cty CP Địa ốc Kỷ Nguyên) để xây dựng tòa cao ốc 19 tầng, có tên Sherwood Suites.
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Cty Luật TNHH Đặng và Cộng sự nêu, trong vụ việc đòi lại nhà đất ở địa chỉ số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TP HCM, của gia đình cố luật sư Trịnh Định Thảo nhận thấy, gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo có bằng chứng ghi nhận quyền sử dụng đối với nhà đất này từ năm 1932, là Bằng khoán điền thổ số 391 Sài Gòn - Độc Lập (lập bộ ngày 27/4/1932, di chuyển chủ quyền cho ông Trịnh Đình Thảo đứng bộ - tờ lược giải số 3, ngày 4/3/1939). Bản thân, cố luật sư Trịnh Đình Thảo lại là người có công với cách mạng, từng hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ năm 1977, cố Luật sư Trịnh Đình Thảo, sau đó đến con trai và cháu trai của ông cho đến nay vẫn liên tục gửi đơn xin Nhà nước và UBND TP HCM trả lại căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thể hiện quá trình khiếu nại liên tục và kéo dài suốt 45 năm.
Về mặt pháp lý, đối với trường hợp nhà đất vắng chủ do chủ nhà tham gia hoạt động cách mạng như trường hợp của cố luật sư Trịnh Đình Thảo, Đảng và Nhà nước ta trước nay luôn đặc biệt quan tâm và có chủ trương là xét trả lại nhà cửa, tài sản cho những người đi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến.
Thể hiện rõ tại một số văn bản như: Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, Chỉ thị số 239-CT ngày 9/9/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Thông tư 04-BXD/XDCB/DT ngày 12/10/1990 của Bộ Xây dựng, về hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 239-CT, Nghị quyết số 58/1998/NQ – UBTVQH10 ngày 20/8/1998.
Cụ thể, trường hợp nhà ở vắng chủ vì chủ sở hữu đi hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến, thì nhà ở đó được trả lại cho chủ sở hữu. Nếu chủ sở hữu đã chết, thì nhà ở đó thuộc sở hữu của những người thừa kế.
(Còn nữa)