Bài 2: Những khó khăn, thách thức
Đẩy mạnh chuyển đổi xanh năng lượng nhằm phát triển năng lượng theo xu hướng chung, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế xanh Việt Nam là nhiệm vụ tất yếu. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức trong vấn đề này ở nước ta.
Phát triển kinh tế xanh – Phát triển bền vững
Nhiều thách thức trong chiến lược chung
Việc lựa chọn phát triển mô hình kinh tế xanh là căn cứ khách quan để chuyển đổi xanh năng lượng. Mọi sự chậm trễ trong chuyển đổi xanh năng lượng đều phải trả giá là chi phí điều chỉnh tăng lên và các khoản lợi ích biên dài hạn như doanh thu hay lợi nhuận đều có thể bị chậm lại, thậm chí, doanh nghiệp, kể cả quốc gia không tích cực, chủ động chuyển đổi có thể bị loại ra khỏi chuỗi giá trị hoặc mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Tại Việt Nam, vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua bằng một loạt các Chiến lược, mục tiêu mang tầm quốc gia tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, để thực hiện đầy đủ và hiệu quả cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo đúng cam kết quốc tế, việc phát triển kinh tế xanh của Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu. Một trong những điều kiện tiên quyết là quyết liệt chuyển đổi xanh năng lượng.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và đưa đất nước từ quốc gia thu nhập trung bình thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình cao 2030 và nước công nghiệp có thu nhập cao 2045. Tương ứng với 2 mốc thời gian quan trọng này là tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp là 30% và 45%. Đây cũng là khoảng thời gian đất nước có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm 7% (Số liệu thống kê năm 2023).
Việt Nam cũng đã có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế xanh là mục tiêu chiến lược bao trùm cần được thực hiện theo đó, cần có sự thay đổi trong phát triển năng lượng lượng nhất là cọi trọng chuyển đổi xanh năng lượng.
Bên cạnh đó Việt Nam có Quy hoạch hệ thống điện quốc gia (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt từ năm 2023, Nghị quyết Trung ương về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Luật Điện lực, Luật sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cũng như các quy định của địa phương đang hướng vào việc chuyển đổi xanh năng lượng để phát triển kinh tế xanh. Thị trường tín chỉ các-bon được hình thành và có xu hướng phát triển nhằm chuyển việc giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường có tính chất hành chính sang giải quyết bằng cơ chế thị trường được vận hành tự động.
Như vậy có thể thấy rõ chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi xanh đã rất rõ ràng. Tuy nhiên các yếu tố như thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khốc liệt, phức tạp và khó lường, thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp; sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế có nhiều khó khăn sau đại dịch Covid - 19… cũng là thách thức không nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng phân tích thêm, khó khăn, thách thức đầu tiên là nhận thức cần đầy đủ và triệt để về kinh tế xanh gồm sản xuất xanh, năng lượng xanh, nguyên nhiên vật liệu xanh, logistics xanh, tiêu dùng xanh và chuỗi giá trị xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng và bao trùm xã hội.
“Chúng ta đang ở giai đoạn đầu là ban hành quy định về phân loại xanh, các chiến lược tổng thể và cần hoàn thiện các quy định pháp lý để bảo đảm vận hành nền kinh tế xanh phù hợp, gắn với các tiêu chí doanh nghiệp bền vững, phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Hạ tầng kỹ thuật nền kinh tế xanh đang trong giai đoạn xây dựng và các nguồn lực cần huy động hiệu quả và quy mô phù hợp như tài chính xanh, nhân lực có kỹ năng, kiến thức xanh, dữ liệu xanh… Bên cạnh đó mô hình kinh tế xanh cần được cụ thể hóa thành lộ trình và quy trình, giải pháp triển khai cụ thể để thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương theo xu hướng chung thế giới”, vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.
Giải pháp dài lâu
Theo chuyên gia, vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi xanh năng lượng để phát triển kinh tế xanh có thể chú trọng vào các giải pháp như:
Thứ nhất, phát triển nhận thức đầy đủ và toàn diện về kinh tế xanh đặc biệt là những đặc trưng và tiêu chí đánh giá cụ thể, sự khác biệt cơ bản của kinh tế xanh với các loại hình kinh tế khác như kinh tế truyền thống để hiểu rõ quy luật phát triển nội tại cũng như đặc thù vận động của kinh tế xanh.
Cần xác định cụ thể trạng thái kinh tế hiện tại và trạng thái kinh tế xanh sắp tới cả về quy mô, cơ cấu theo ngành, vùng, trình độ cũng như phương thực tổ chức vận hành nhất là thể chế cần đột phá phát triển.
Tiến hành khảo sát, nghiên cứu và phân tích, đánh giá mô hình kinh tế xanh của các nước để học hỏi các kinh nghiệm hay và thực tiễn tốt trong xây dựng mô hình tổng quát, chiến lược, cơ chế, chính sách, pháp luật và khung khổ thể chế vận hành để xác định đúng vị trí, vai trò chuyển đổi xanh năng lượng nhằm tối ưu hóa quá trình chuyển đổi xanh này.
Thứ hai, coi trọng việc hoạch định lộ trình chuyển đổi xanh năng lượng trong hệ sinh thái chuyển đổi được thành lập khoa học, cơ cơ sở thực tiễn vững chắc và được kiểm định khách quan, chặt chẽ hoặc thủ nghiệm thận trọng.
Chúng ta cần xây dựng tiêu chuẩn phân loại xanh năng lượngvề loại hình, bản chất, hàm lượng yếu tố xanh và phương pháp đánh giá cụ thể làm cắn cứ nhận dạng đúng mức độ “xanh” của từ loại nguồn năng lượng cụ thể nhằm có giải pháp hữu hiệu. Lộ trình chuyển đổi xanh cần được đặt trong mối quan hệ với phát triển kinh tế xanh đồng bộ cũng như các lĩnh vực liên quan khác để bảo đảm tính đồng bộ, loại bỏ tình trạng sai lệch hay bất cân xứng cần chi phí điều chỉnh.
Thứ ba, tổ chức cơ chế vận hành cơ chế chuyển đổi xanh năng lượng với quy trình tối ưu có các khâu công việc có môi quan hệ chặt chẽ và bổ sung lẫn nhau và tiến đến xây dựng chuỗi giá trị xanh trong cung ứng và tiêu thụ năng lượng xanh.
Bộ máy tổ chức thực hiện cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các nhà khoa học, cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp, địa phương và các ngành, các cấp, tổ chức, đối tác quốc tế để hỗ trợ chuyển đổi xanh năng lượng phù hợp nhất.
Trên cơ sở bộ máy được hình thành khoa học và hợp lý, cần đầu tư để chuyển đổi xanh các nguồn năng lượng hiện có như có giải pháp thu hẹp dần và tiến đến đóng cửa các nguồn cung năng lượng hóa thạch và đánh thuế cao hoặc đóng cửa các nguồn năng lượng phát thải cao. Coi trọng việc tạo cơ chế để bảo hộ, hỗ trợ và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới, các mô hình cân bằng năng lương hoặc phát thải ròng bằng “0”, tăng khả năng thương mại hóa các nghiên cứu về năng lượng tái tạo để thúc đẩy tác động lan tỏa lớn nhất.
Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh.
Đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là xu thế phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”.
(Còn nữa)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-2-nhung-kho-khan-thach-thuc-387498.html