Bài 2: Tác động mạnh mẽ trong mở rộng không gian đô thị và giảm áp lực giao thông
Tình trạng ùn tắc kéo dài, tai nạn giao thông liên tục xảy ra trên các tuyến đường hiện hữu, đặc biệt là các đường nối vào các cảng, kho hàng với mật độ dày đặc, lưu lượng xe tải, xe container khủng khiếp như hiện nay, đường Vành đai 3 là giải pháp vô cùng hữu ích để giải bài toán này.
Sức bật về kinh tế, phát triển xã hội của TPHCM và vùng lân cận có thể nói đến là thị trường đô thị mang tầm vóc hiện đại. Không những mở rộng không gian đô thị, mang tính mỹ quan cao mà còn tạo ra thị trường bất động sản, quỹ đất to lớn sau khi đường Vành đai 3 hình thành.
UBND TPHCM nhìn nhận, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 là phù hợp với "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 (năm 2021 - 2030) và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua". Đây cũng là định hướng phát triển về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-01-2022; phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 16/2021/QH15; phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01-9-2021; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.
Giải bài toán giao thông
Qua nhiều ngày quan sát, chúng tôi nhận thấy tình trạng quá tải, liên tục xảy ra ùn ứ, nhất là tình trạng xe tải, xe container ra vào khu vực cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức) dày đặc như hiện nay, khiến tình trạng mất an toàn giao thông cảnh báo rất cao. Các tuyến đường hiện hữu Khu Nam, quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè... đang lâm vào hoàn cảnh ùn ứ liên tục, nhất là vào giờ cao điểm.
Anh Lê Quang Hiếu (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết: "Tôi mua nhà ở khu đường Đồng Văn Cống, gần cảng Cát Lái. Địa bàn rất đẹp, gần sông nước, không khí trong lành, nhưng mỗi lần tan ca về nhà là cả một vấn đề nguy hiểm đến an toàn giao thông. Xe cộ quá tải luôn xảy ra, tình trạng ngày cũng như đêm xe tải, xe rơ-moóc kéo container chạy ầm ầm ra vào cảng, tháo dỡ bốc hàng thì thật khủng khiếp. Đường Vành đai 3 được xây dựng, thì người dân vui mừng biết mấy, làm thế nào không gian và điều kiện sống của người dân được đáp ứng, là thành phố đáng sống". Cũng tâm sự, bày tỏ quan điểm như anh Hiếu, nhiều người dân ngao ngán khi đang phải chen chúc cùng dòng xe cộ dưới cái nắng nóng hầm hập, bụi khói nồng nặc... Họ đều cho rằng, người dân rất cần đường Vành đai 3 làm sao để giảm tải áp lực xe cộ hiện nay tại nhiều tuyến đường đang xảy ra mỗi ngày.
Để giải quyết vấn đề ùn tắc, tai nạn hiện hữu, theo UBND TPHCM không những các tuyến gần khu vực cảng, kho hàng hóa, mà ngay cả tuyến Quốc lộ hướng tâm, như Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1A đều quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ của TPHCM.
Chưa kể trong thời gian tới, khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành khai thác (giai đoạn 1) năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đầu tư nâng cấp để khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm vào năm 2024, hay tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (giai đoạn 1) với quy mô 4 làn xe, dự kiến đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2023, kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, nguy cơ cao về ùn tắc giao thông.
Do đó, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 này có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường TPHCM và khu vực.
Ngoài ra, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 sẽ khép kín cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành năm 2023, tạo một giải pháp hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TPHCM. Tại đây, có thể nói sự phù hợp của Dự án đường Vành đai 3 mang tầm chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch phát triển giao thông vận tải.
Bảo vệ chất lượng nông sản vùng
Tầm quan trọng của đường Vành đai 3, theo UBND TPHCM đánh giá, đó là với mục tiêu cụ thể về tuyến đường Vành đai 3 tạo sự liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm vùng, cần cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây là tuyến đường tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa các trung tâm kinh tế, chính trị, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của TPHCM và các địa phương trong vùng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Việc rút ngắn quãng đường vận chuyển, trong đó đặc biệt là hàng hóa nông sản, đảm bảo về chất lượng cũng là điều vô cùng quan trọng, cũng như với các loại mặt hàng khác. Không những vậy, xây dựng đường Vành đai 3 là phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể, về nhu cầu đường Vành đai 3 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hình thành nên mạng lưới giao thông huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khi khép kín tuyến đường này sẽ thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho các vùng và là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư tới những dự án liền kề đường Vành đai 3.
Rút ngắn thời gian đi lại từ TPHCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, các tỉnh Tây Nam bộ tới khu vực phía Bắc và ngược lại, đường Vành đai 3 giúp kết nối khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp tới vùng cốt lõi của khu vực Đông Nam bộ và đặc biệt quan trọng đó là giúp đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, mở ra hướng phát triển đô thị mới của khu vực TPHCM và các thành phố vệ tinh. Bên cạnh đó, đường Vành đai 3 làm tăng cường cơ hội và khả năng hợp tác đầu tư giữa các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Phân luồng giao thông quá cảnh qua TPHCM, giảm ách tắc, tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng môi trường, cải thiện đời sống xã hội và kinh tế của nhân dân TPHCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Về số liệu đầu vào được thu thập từ kết quả điều tra khảo sát giao thông liên quan cùng với các số liệu thống kê thu thập được về kinh tế - xã hội. Theo dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2040, nhu cầu vận tải trên tuyến cao tốc khoảng 51.775 - 74.376 lượt xe/ngày, đêm (tương ứng 4 - 6 làn cao tốc). Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2040, khả năng cân đối nguồn lực trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí, tạo sự đồng bộ trên toàn tuyến đường Vành đai 3 đề xuất lựa chọn quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe cao tốc theo quy định tại Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31-12-2014 về hướng dẫn thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ôtô cao tốc.
Theo nhận định của các chuyên gia và UBND TPHCM, khi tuyến đường Vành đai 3 được đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm kết nối thế trận khu vực phòng thủ của các địa phương lân cận và TPHCM, gồm: phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TPHCM), Khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), phát triển TP.Thủ Đức (TPHCM), TP.Thuận An (Bình Dương), tạo điều kiện phát triển các khu vực nông thôn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TPHCM) và Bến Lức (Long An).
Tăng hiệu quả đất đai với kéo giãn nội đô
Theo tính toán của các ban ngành, UBND TPHCM, đối với đường Vành đai 3 có nhóm yếu tố có thể định lượng và quy đổi được thành tiền, thông qua kết quả tính toán các chỉ số tài chính của dự án, như giá trị hiện tại ròng đạt vào khoảng 62.163 tỷ đồng khi đưa vào sử dụng vận hành. Từ các kết quả phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội cho thấy, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TPHCM có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối và phát triển kinh tế của TPHCM và các tỉnh trong khu vực.
Kết quả tính toán hiệu quả kinh tế cho thấy các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế của dự án đạt tất cả các mục tiêu về chi phí vốn cơ hội, đạt hiệu quả kinh tế xét trên nhiều phương diện, như tiết kiệm chi phí vận hành, giảm chi phí vận chuyển, lợi ích tiết kiệm thời gian cho hành khách, lợi ích do giảm chi phí cho các vụ ùn tắc, kẹt xe cũng như giảm tai nạn giao thông... Cùng với các lợi ích to lớn khác, đường Vành đai 3 có thể nói đó là làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai, phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các địa phương, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, mở rộng không gian phát triển các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, dịch vụ Logistic dọc hai bên tuyến đường tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế của TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. UBND TPHCM khẳng định, khai thác tiềm năng, lợi thế quỹ đất dọc hai bên tuyến đường, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, đó là vấn đề rất được quan tâm.
Bên cạnh đó, đường Vành đai 3 không những giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, giải quyết được nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng, góp phần phân bố lại mật độ dân cư, tạo điều kiện phát triển nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp trong khu vực, mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, do đó việc đầu tư hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 có vai trò nâng cao năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông của TPHCM và khu vực.