Bài 2: 'Xây tổ đón đại bàng,' nắm bắt lợi thế về thu hút FDI thế hệ mới
Chính phủ đã giao các bộ, ngành triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư trong ngành sản xuất điện tử, chip bán dẫn, sản xuất thông minh.
Sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn.
Việc thực hiện tốt chiến lược “xây tổ" đón "đại bàng"... sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được lợi thế để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư mới."
Chính phủ đã giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư trong ngành sản xuất điện tử, chip bán dẫn, sản xuất thông minh.
Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng đất đai, hạ tầng giao thông, viễn thông, điện nước...
Dự báo sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của các nước và là khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vẫn còn khá nhiều tồn tại trong phát triển, quản lý các khu công nghiệp như: quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại một số địa phương chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút vốn đầu tư; mô hình phát triển khu công nghiệp còn chậm đổi mới, thiếu vắng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị-dịch vụ...
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy.
Trong vài năm gần đây, một số loại hình như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp công nghệ cao đã bước đầu hình thành và phát triển tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế. Các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các loại hình khu công nghiệp mới và các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp này không có sự khác biệt so với các khu công nghiệp đa ngành thông thường.
Các loại hình khu chức năng trong khu kinh tế chậm có sự đổi mới. Việc huy động nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển còn hạn chế. Nhiều địa phương vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, chưa tích cực, sáng tạo trong việc huy động nguồn vốn khác.
Trong khi đó, mô hình phát triển trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa và phát triển bền vững, đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh để bắt kịp tiến trình của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng luật với tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như: kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh...
Các quy định nhằm đổi mới, đa dạng hóa các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chức năng trong khu kinh tế mới và khuyến khích đầu tư vào các loại hình này để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của khu công nghiệp, khu kinh tế trong thu hút, hợp tác đầu tư; trong đó lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu công nghiệp, khu kinh tế làm nền tảng.
Để gia tăng số lượng các khu công nghiệp kiểu mới, khu công nghiệp xanh đón dòng đầu tư chất lượng cao, tiềm lực tài chính và năng lực thực hiện của doanh nghiệp là quan trọng.
Ông Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp nhận định trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước có hạn và ưu tiên đầu tư phát triển cho kết cấu hạ tầng quan trọng, cần có những chính sách thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp từ nguồn vốn tư nhân, đặc biệt cần có những thay đổi căn bản trong việc khơi thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ tạo điều kiện về hành lang pháp lý thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân.
Cùng với đó, giảm bớt thủ tục hành chính và hoàn thiện trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; cần có các quy định cụ thể nhằm làm rõ chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển, tiêu chí xác định, ưu đãi, chứng nhận, trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái; đồng thời, quy định cụ thể các chính sách ưu đãi đối với các loại hình khu công nghiệp mới nhằm có lợi trực tiếp cho doanh nghiệp hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp vì sẽ có nhiều sự lựa chọn, nâng cao hiệu quả đầu tư.
"Ngoài ra cũng cần làm rõ hơn thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong việc định hướng và hỗ trợ triển khai các khu công nghiệp sinh thái tại địa phương; đơn giản hóa các điều kiện, tiêu chí và thủ tục chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; quy định việc thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái trên hệ thống thông tin về khu công nghiệp, khu kinh tế theo định hướng chuyển đổi số; các quy định liên quan đến chứng nhận lại hoặc chấm dứt hiệu lực, thu hồi Giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái," ông Nguyễn Hồng Chung đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch Acuity Funding nhìn nhận sự gia tăng dự kiến trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ làm tăng nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và hậu cần. Bởi thế, cần xây dựng các khu công nghiệp tích hợp đầy đủ và trung hòa năng lượng phù hợp với tương lai của sản xuất.
Khi sản xuất tại Việt Nam trở nên tinh xảo hơn, nhu cầu về lực lượng lao động lành nghề sẽ tăng lên. Để chuẩn bị cho nhu cầu này, Việt Nam sẽ cần đầu tư hơn nữa vào giáo dục và đào tạo để cung cấp cho các ngành công nghiệp lực lượng lao động có năng lực./.