Bài 3: Bứt phá thành công, xuất khẩu về đích ngoạn mục trong năm 2021
Năm 2021, dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song dự báo Việt Nam có tới 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm ngành so với năm 2020.
Mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng và phức tạp, song kết quả xuất khẩu năm 2021 một lần nữa trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước.
Không chỉ các mặt hàng thế mạnh mà danh sách các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam tiếp tục được cộng thêm đã góp phần giảm áp lực nhập siêu cũng như gia tăng vị thế thương hiệu “Made in Việt Nam” tại thị trường quốc tế.
Đạt được những kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thì nỗ lực và quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần tạo ra những thành công đó.
37 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2021 có thể đạt con số ước tính là 660,1 tỷ USD tăng 21% so với năm 2020; trong đó ước xuất khẩu đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% và nhập khẩu đạt 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020.
Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2021 tiếp tục duy trì ở mức 2 con số (10-20%), cao hơn nhiều so với mục tiêu 4-5% ngành Công Thương đặt ra hồi đầu năm.
Kết quả ấn tượng này đã bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta xâm nhập trực tiếp vào khu vực doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các trung tâm xuất khẩu lớn, những vùng kinh tế trọng điểm, nơi có cửa khẩu, cảng biển - những con đường dẫn hàng hóa tới các thị trường xuất khẩu.
Đó là điểm sáng đầu tiên trong hoạt động xuất nhập khẩu gần một năm qua. Cùng với đó là cán cân thương mại đã được cân bằng và xuất siêu là 2,1 tỷ USD tăng 0,64% so với năm 2020.
Đáng chú ý, năm 2021, dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp song dự báo Việt Nam có tới 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm ngành so với năm 2020.
Có được điều đó phải kể đến những nỗ lực của mọi cấp ngành đến từng doanh nghiệp và người dân để duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay với đóng góp tới 89% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, các ngành công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Đặc biệt, trong nhóm hàng này, ngoài những mặt hàng liên quan đến các thiết bị điện tử; điện thoại, máy tính bảng thì các sản phẩm máy móc, thiết bị điện tử cũng đem lại giá trị rất lớn.
“Trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu những sản phẩm nguyên chiếc mà còn xuất khẩu linh kiện. Đây là nhóm hàng có tăng trưởng rất mạnh. Ngoài ra, còn các ngành hàng truyền thống, đặc biệt là dệt may và da giày - là những mặt hàng chịu ảnh hưởng rất lớn trong đợt giãn cách ở các tỉnh thành phía Nam,” ông Hải nói.
Còn theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quốc Thịnh (Học viện Tài chính), việc xuất nhập khẩu dự kiến vượt 660 tỷ USD là một con số gây bất ngờ khi đại dịch diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp tới sản xuất, xuất khẩu.
“Nhưng thực tế tất cả các ngành nghề xuất khẩu đều rất tốt, kể cả các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có thể đạt 45 tỷ USD hoặc hơn. Đấy là con số cực kỳ mạnh mẽ,” ông Nguyễn Quốc Thịnh nói.
Đáng chú ý, không chỉ tại thị trường truyền thông như: Trung Quốc, Mỹ, EU, tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… xuất khẩu của Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã cố gắng tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Đón đầu những cơ hội mới
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy những nỗ lực mở cửa thị trường thông qua đàm phán thương mại song phương và đa phương của Chính phủ nhằm tháo gỡ các rào cản, minh bạch hóa các tiêu chuẩn, quy định tại thị trường đối tác giúp xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi đặt ra những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản, nhóm hàng chịu ảnh hưởng tương đối lớn của dịch bệnh.
Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều những cơ hội để mở rộng xuất khẩu, dựa trên cơ sở khai thác các FTA thế hệ mới và đây là những cơ hội rất tích cực.
Hơn nữa, chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng giúp các sản phẩm của Việt Nam vào được những thị trường mới.
“Việc khai thác các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, AVFTA và RCEP trong thời gian tới cũng là điều rất quan trọng…,” ông Phong nói.
- Năm 2021, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục giữ được xuất siêu:
Hơn nữa, để có được giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 660 tỷ USD với đa dạng các thị trường như vậy không thể không kể đến sự hỗ trợ của thương mại điện tử và kinh tế số, đây cũng là điểm sáng rất đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua.
Theo đó, diễn biến của đại dịch COVID-19 phức tạp ở nhiều thời điểm, nhiều quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc trực tiếp, nhưng việc xúc tiến thương mại trực tuyến và quảng bá thương hiệu, sản phẩm bằng triển lãm online quy mô quốc tế và khu vực là một giải pháp hữu hiệu.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Tất Thắng (chuyên gia thương mại), cho rằng nhìn vào quá trình xuất nhập khẩu, nhiều mặt hàng trước đây vẫn còn phải giải cứu do chưa tiếp cận được khách hàng và thị trường, nhưng nhờ áp dụng kinh tế số, đến giai đoạn này lại tạo ra điểm nhấn là xuất khẩu được mùa, được giá.
Thông qua kinh tế số, các doanh nghiệp đã đưa được những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào hệ thống phân phối của nhiều quốc gia. Thậm chí, thông qua triển lãm online, doanh nghiệp đã giới thiệu sản phẩm tại các thị trường Mỹ, Pháp, Đức… đó là những dấu hiệu rất tuyệt vời.
“Một điểm đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu của năm 2021 phải kể đến chiều nhập khẩu - khi Việt Nam đã có được nhiều thị trường để chủ động lựa chọn nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc đầu vào cho các ngành sản xuất với chất lượng cao hơn. Nhờ đó có được sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tham gia vào các thị trường ngày càng khó tính hơn,” ông Nguyễn Tất Thắng phân tích.
Dù vậy, bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn những tồn tại cần hóa giải, theo ông Thắng, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và đang có chiều hướng tăng lên. Trong khi đó, khối doanh nghiệp 100% vốn tư nhân trong nước vẫn còn khá khiêm tốn - chưa được 30%.
Mặt khác, nhiều nhóm hàng chủ lực như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã xác lập mốc hơn 100 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu… nhưng gần như 100% trị giá xuất khẩu các mặt hàng này lại thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Do vậy, ông Thắng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo ra sức bật cho cộng đồng doanh nghiệp nội; có giải pháp để kết nối giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước.
Cùng với thực tế của quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, giai đoạn năm 2020-2021 cũng cho các doanh nghiệp thấy những bài học rất lớn, đó là cần quan tâm chú trọng đến việc quản lý rủi ro, phòng ngừa rủi ro. Cụ thể là những yếu tố về đứt gãy nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Đặc biệt, các biện pháp bảo hộ của các thị trường nhập khẩu cũng có thể gây ra những khó khăn nhất định, điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị để ứng phó và có các biện pháp thích hợp…/.