Bài 3: Chặt chẽ trong quản lý vốn, linh hoạt trong hỗ trợ doanh nghiệp

Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, xứng đáng là một lực lượng vật chất quan trọng dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.

Luật đã tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời tách bạch công tác quản lý Nhà nước khỏi hoạt động điều hành thường xuyên của doanh nghiệp.

Luật đã tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời tách bạch công tác quản lý Nhà nước khỏi hoạt động điều hành thường xuyên của doanh nghiệp.

Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu theo nguyên tắc thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) gồm 8 Chương và 59 Điều. Các chính sách của Luật được xây dựng trên tinh thần, cách thức tiếp cận mới, rõ ràng và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật số 68/2025/QH15.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật số 68/2025/QH15.

Theo đó, Luật phân công rõ, phân cấp mạnh trong việc quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tách bạch, phân định chức năng quản lý Nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp; giảm sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường phân công, phân cấp gắn với kiểm tra giám sát nhằm nâng cao tính tự chủ tự, tự chịu trách nhiệm.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Luật xác định rõ Nhà nước với vai trò là một nhà đầu tư thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, bình đẳng với các nhà đầu tư khác; việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn Nhà nước.

Nhằm khơi thông nguồn lực, tăng cường năng lực tài chính, Luật đã rà soát, bổ sung phạm vi đầu tư vốn Nhà nước thành lập doanh nghiệp để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, bao quát các lĩnh vực cần đầu tư vốn Nhà nước và đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ.

Luật cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp trong trường hợp sử dụng ngân sách Nhà nước dưới mức dự án quan trọng quốc gia và đầu tư từ các nguồn khác. Đồng thời, xác định rõ các hình thức đầu tư vốn Nhà nước và nguồn vốn, tài sản để đầu tư.

Tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp Nhà nước

Cung cấp thông tin cụ thể hơn về những quy định đột phá tạo sự thay đổi về quản trị cho doanh nghiệp Nhà nước, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, Luật đã tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời tách bạch công tác quản lý Nhà nước khỏi hoạt động điều hành thường xuyên của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp nhà nước (Bộ Tài chính)

Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp nhà nước (Bộ Tài chính)

Trong đó, nguyên tắc căn bản của Luật là trao quyền cho chủ sở hữu Nhà nước thực hiện quyền đối với phần vốn góp như những nhà đầu tư thông thường khác. Điều này được thể hiện rõ qua các quy định tại Chương 3 của Luật về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao đáng kể quyền của doanh nghiệp.

Cụ thể, một điểm nổi bật về tăng quyền tự chủ của doanh nghiệp là quyền ban hành chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm. Trước đây, chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm do cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành.

Tại Luật này, quyền chủ động này được trao cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp ban hành chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm và kế hoạch kinh doanh hằng năm, từ đó tháo gỡ vướng mắc về việc chậm trễ trong ban hành có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu Nhà nước sẽ tập trung vào việc quản lý các chỉ tiêu chủ yếu như doanh thu, lợi nhuận, và tỷ suất lợi nhuận trên vốn.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo 3 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật số 68/2025/QH15, gồm: Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Dự thảo Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Đối với quyền huy động vốn, Luật mới trao quyền cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tự quyết định phương án huy động vốn và chịu trách nhiệm về hiệu quả. Trường hợp huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo để cơ quan đại diện chủ sở hữu theo dõi, giám sát thay vì phải xin phê duyệt như trước đây.

Về quyền quyết định dự án và khoản đầu tư, Luật mới tháo gỡ vướng mắc khi các dự án đầu tư đạt đến một giá trị nhất định phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để chấp thuận, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến việc triển khai.

Như vậy, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty có nhiều quyền hơn trong việc quyết định các dự án đầu tư. Nếu dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư hoặc các luật chuyên ngành (như Luật Dầu khí, Luật Điện lực), thẩm quyền sẽ thực hiện theo các luật đó và không phải báo cáo lên cơ quan đại diện chủ sở hữu, chỉ những trường hợp ngoài các quy định này mới thực hiện theo Luật mới.

Với báo cáo tài chính và chính sách tiền lương, tiền thưởng, doanh nghiệp được trao quyền tự thông qua báo cáo tài chính hằng năm và tự quyết định vấn đề tiền lương, tiền thưởng.

"Những nội dung này là đột phá, kỳ vọng sẽ trao nhiều quyền hơn cho doanh nghiệp, tháo gỡ và khơi thông nguồn lực hiện có, giúp các doanh nghiệp phát huy và sử dụng hiệu quả hơn vốn Nhà nước đã đầu tư" -Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước nhấn mạnh.

Bích Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-3-chat-che-trong-quan-ly-von-linh-hoat-trong-ho-tro-doanh-nghiep.html