Công đoàn PTSC đề xuất cơ chế phân quyền, chế độ đãi ngộ và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới
Tại Hội nghị góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) lần thứ IV, đại diện Công đoàn Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã đưa ra những kiến nghị thẳng thắn, tập trung vào các vấn đề then chốt liên quan đến cơ chế phân quyền, chế độ đãi ngộ và năng lực phát triển đội ngũ trong bối cảnh hội nhập mới.
Theo ông Nguyễn Trần Toàn - Chủ tịch Công đoàn PTSC, chính sách tiền lương và thu nhập là yếu tố trực tiếp tác động đến động lực làm việc và khả năng giữ chân nhân sự chất lượng cao. Do đó, việc thực hiện “chế độ đãi ngộ thỏa đáng” đã đề cập trong văn kiện cần được bổ sung, làm rõ các định hướng cụ thể để hiện thực hóa. Công đoàn PTSC góp ý văn kiện lần này cần thể hiện rõ quan điểm: khi các đơn vị hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và tăng trưởng theo kế hoạch, thì doanh nghiệp cần được trao quyền quyết định phù hợp về thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động, nhằm tạo dư địa cho phát triển đột phá.

Ông Nguyễn Trần Toàn - Chủ tịch Công đoàn PTSC phát biểu tại Hội nghị góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ Tập đoàn, do Công đoàn Petrovietnam tổ chức.
Liên quan đến công tác tổ chức và nguồn nhân lực, đại diện Công đoàn PTSC cũng nêu thực tế rằng việc phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực, đặc biệt là nhân tài chuyên sâu, hiện vẫn chịu nhiều ràng buộc bởi cơ chế phân cấp chưa đồng bộ. Trong khi Quốc hội đã cho phép doanh nghiệp nhà nước có quyền chủ động về thu nhập, thì ở cấp triển khai vẫn tồn tại độ trễ. PTSC kiến nghị báo cáo chính trị cần đưa vấn đề phân quyền quản lý nhân sự và chế độ đãi ngộ vào nội dung nghị quyết, để đảm bảo sự thống nhất giữa định hướng Trung ương và thực tiễn tại đơn vị.
Ngoài ra, Công đoàn PTSC cũng đề cập đến một số tồn tại trong đánh giá nội tại của hệ thống. Theo đó, các phần nhận định trong dự thảo hiện vẫn chưa thật sự chỉ rõ những khó khăn, thách thức đang cản trở sự phát triển bền vững. Đại diện PTSC cho rằng, việc nhận diện và thẳng thắn nêu ra các điểm nghẽn là cần thiết, không phải để quy trách nhiệm, mà để tạo cơ sở xây dựng giải pháp tháo gỡ trong nhiệm kỳ tới. Đưa những vấn đề còn tồn tại vào văn kiện chính là cách thể hiện trách nhiệm và quyết tâm đổi mới của toàn hệ thống.
Những đề xuất từ Công đoàn PTSC cho thấy kỳ vọng về một giai đoạn chuyển đổi thực chất trong tổ chức và vận hành của các đơn vị thành viên, nhằm khai thác tối đa nội lực, phát huy hiệu quả mô hình doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ lực trong ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí./.
Tr.L