Doanh nghiệp gia vị gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận xuất khẩu
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã gửi kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.

Hạt tiêu đã được phơi khô. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) thông tin đã gửi kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường liên quan đến những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng gia vị.
Theo đó, từ ngày 1/7/2025, việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã chuyển sang các cơ quan cấp tỉnh theo quy định của Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT ngày 19/6/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, quy định mới này không kế thừa đầy đủ các hướng dẫn từ Thông tư 44/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.
Điều này dẫn đến sự lúng túng và chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến hàng hóa không thể thông quan kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng và gây thiệt hại về tài chính.
Ông Lê Việt Anh, Tổng Thư ký VPSA cho biết, do mẫu form mới và cũ của Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm có sự khác biệt nên các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gia vị đang gặp khó khăn trong việc xin cấp Giấy chứng nhận đúng theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU.
Hậu quả là việc xuất khẩu bị đình trệ, dẫn đến gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Nếu tình trạng này không được giải quyết sớm sẽ gây mất uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu với các đối tác quốc tế và ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm.
Trước tình hình trên, VPSA đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét và đưa ra giải pháp kịp thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc để có thể thông quan hàng hóa; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong Thông tư 12/2025/TT-BNNMT để đảm bảo việc cấp Giấy chứng nhận đúng tiến độ và phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu. Hiệp hội cũng đề xuất tổ chức các khóa đào tạo và cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan cấp tỉnh và doanh nghiệp để đảm bảo quy trình cấp Giấy chứng nhận nhanh chóng và chính xác; giúp các doanh nghiệp tránh được rủi ro về hợp đồng, giảm thiểu chi phí, thời gian cho các hoạt động xuất khẩu. Việc giải quyết nhanh chóng và hiệu quả những khó khăn này sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động xuất khẩu ổn định mà còn góp phần bảo vệ uy tín của ngành gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế.