Bài 3: Cụ thể quyền tiếp cận thông tin của đại biểu

Mặc dù đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó nhưng trong nhiều trường hợp, các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND không thể tiếp cận được thông tin cụ thể, dẫn đến khó khăn trong thực hiện quyền giám sát, nhất là trong bối cảnh HĐND các cấp ngày càng nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến các hoạt động tư pháp, vì vậy cần có quy định cụ thể về nội dung này. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND đối với thủ trưởng cơ quan ngành dọc Trung ương trên địa bàn...

Đó là những kiến nghị của nhiều địa phương liên quan đến việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND qua tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong giám sát

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND có quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; giám sát hoạt động của UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Phú Thọ khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Takao Granite – xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông. Ảnh: K. Nam

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Phú Thọ khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Takao Granite – xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông. Ảnh: K. Nam

Tuy nhiên, các quyền này được quy định còn chung chung; việc yêu cầu, tiếp cận thông tin ở mức độ nào trong quá trình giám sát còn khó khăn, nhất là trong giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp đối với việc giải quyết các vụ việc cụ thể, bởi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản liên quan quy định việc bảo mật trong quá trình điều tra hình sự và một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử là thẩm phán độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Do đó, trong nhiều trường hợp các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND không thể tiếp cận được thông tin cụ thể của vụ việc, dẫn đến khó khăn trong thực hiện quyền giám sát, nhất là trong bối cảnh HĐND các cấp ngày càng nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến các hoạt động tư pháp. Từ thực tế này, Thường trực HĐND nhiều địa phương đề nghị Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần có quy định cụ thể về nội dung này.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, HĐND không chỉ giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND cùng cấp mà còn giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật ở địa phương, tức là có quyền giám sát đối với hoạt động của mọi cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang Nhân dân và công dân ở địa phương. Với quy định này, HĐND cấp tỉnh vẫn thường xuyên giám sát đối với UBND và các cơ quan khác ở cấp huyện, UBND cấp xã. Trong khi HĐND ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền giám sát việc thi hành pháp luật tại địa phương, nhưng hiện nay chưa có sự phân định rõ ràng thẩm quyền giám sát giữa HĐND các cấp.

Từ đó, dẫn đến tình trạng cùng một cơ quan nhưng HĐND hai cấp, ba cấp và cả Đoàn ĐBQH cấp tỉnh đều có quyền tổ chức giám sát, nên có thể gây phiền hà cho các cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, trường hợp để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong thời gian dài không được phát hiện thì không cấp nào chịu trách nhiệm về việc giám sát. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thẩm quyền xem xét hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong tổ chức thực hiện.

Mở rộng đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND

Về quyền chất vấn của đại biểu HĐND: “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân” được quy định tại các văn bản: Khoản 2, Điều 115 Hiến pháp 2013; Khoản 1, Điều 96 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điểm đ, Khoản 1, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Bên cạnh đó, tại Điểm d, Khoản 3, Điều 60 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân: “Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình”...

Theo Thường trực HĐND nhiều địa phương, các quy định về quyền chất vấn của đại biểu HĐND đã hạn chế đối tượng được chất vấn. Chức năng giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương của cơ quan dân cử không được bao phủ toàn diện khi đối tượng giám sát thiếu đi các cơ quan thuộc ngành dọc như: cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thị trường, thuế, bảo hiểm xã hội… Vì vậy, nhiều địa phương kiến nghị nên quy định mở rộng thêm đối tượng chất vấn bao gồm cả: Thủ trưởng cơ quan THADS, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc khác của Trung ương cùng cấp tại địa phương,bởicác đơn vị này có tác động không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tại địa phương.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 96, Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng mở rộng đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND đối với thủ trưởng cơ quan ngành dọc Trung ương trên địa bàn.

Phương Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-3%C2%A0cu-the-quyen-tiep-can-thong-tin-cua-dai-bieu-i376128/