Bài 3: Cùng 'hợp' cùng 'phát'

Cần khẳng định liên kết là xu hướng tất yếu và mang lại nhiều lợi ích trong phát triển du lịch. Thế nhưng, để liên kết du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc đi vào thực chất và mang lại sự đột phá cần thêm giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ mỗi địa phương.

Năm 2017, khi làm xúc tiến quảng bá du lịch ở đồng bằng Sông Cửu Long, không mấy người biết đến du lịch Hà Giang. Nhưng sau sự kiện đó, lượng khách từ đồng bằng Sông Cửu Long đến Hà Giang tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này cho thấy vai trò của quảng bá du lịch và liên kết liên vùng.

Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch tại Hà Giang.

Cùng với liên kết chính trong vùng Chiến khu Việt Bắc thông qua Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc”, Hà Giang còn tham gia liên kết vùng Tây Bắc mở rộng, liên kết với các tỉnh miền Trung, các thành phố lớn, liên kết quốc tế với Trung Quốc và các tỉnh có công viên địa chất toàn cầu.

Qua hoạt động liên kết đã giúp Hà Giang mở rộng thị trường du lịch, đồng thời cũng học hỏi được kinh nghiệm làm du lịch từ tỉnh bạn. 10 năm nỗ lực với những giải pháp cụ thể giúp du lịch Hà Giang ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thành quả mang lại là lượng du khách đến Hà Giang tăng mạnh qua từng năm. Riêng năm 2023, tỉnh Hà Giang đón hơn 3 triệu lượt du khách, doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng. Hà Giang vinh dự được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) trao giải thưởng: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia's Leading Emerging Tourism Destination 2023).

Dù mỗi địa phương có sự khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, nhưng thành công trong phát triển du lịch ở Hà Giang cho thấy vai trò của liên kết và là gợi ý cho các địa phương trong vùng Chiến khu Việt Bắc học hỏi.

Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang khẳng định: “Liên kết trong phát triển du lịch là tất yếu và là lực đẩy cho mỗi địa phương. Điều quan trọng là cần chủ động nắm bắt được thời cơ do liên kết mang lại”.

Là vùng căn cứ địa cách mạng, các tỉnh nằm trong vùng Chiến khu Việt Bắc có nhiều Di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng: Di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), Di tích khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang) và di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) - dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc. Đây chính là chất liệu để các địa phương trong khu vực xây dựng “Con đường du lịch hoài niệm Chiến khu Việt Bắc”.

Không chỉ lưu giữ giá trị lịch sử cách mạng và những hình ảnh thân thương về Bác Hồ, Việt Bắc còn là kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi rừng hùng vĩ, sông nước hữu tình, hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm. Nhận thấy thế mạnh trên, các địa phương trong vùng đã cùng nhau xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng và các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thể kể đến: Lễ hội thành Tuyên; Chợ tình Khau Vai, Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang, Lễ hội văn hóa chè Thái Nguyên, Múa bát Bắc Kạn…

Múa bát bên bờ hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

“Các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc gần gũi về địa lý, tương đồng về văn hóa, lịch sử là những yếu tố thuận lợi trong liên kết vùng. Song, đây cũng là trở ngại khi xây dựng tour, tuyến du lịch nếu các địa phương có những sản phẩm du lịch na ná nhau, dễ gây nhàm chán cho du khách. Vì vậy, mỗi địa phương cần tạo bản sắc, định vị riêng của mình trong nền chung của vùng”, Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đưa ra những lưu ý trong hợp tác phát triển du lịch vùng.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chia sẻ về việc gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng.

“Giải pháp cho vấn đề này là các tỉnh trong vùng phải ngồi lại với nhau xác định rõ tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, tránh trùng lặp. Đồng thời cũng cần vai trò định hướng, hỗ trợ của Trung ương giúp khu vực trong việc xây dựng quy hoạch chung, cũng như tạo dựng sản phẩm du lịch riêng biệt”, Tiến sĩ Lê Quang Đăng nhấn mạnh thêm.

Mục đích của liên kết là để cùng nhau phát triển với nhiều nội dung, khía cạnh khác nhau. Thước đo chính đánh giá thành công cho sự liên kết là số lượng du khách và doanh thu du lịch của cả vùng và mỗi địa phương đều tăng lên, xây dựng được những tour, tuyến du lịch chất lượng với sự hỗ trợ nhau giữa các tỉnh. Nhưng để việc hợp tác đi vào thực chất và hiệu quả thì cần “chất keo” nhằm tăng khả năng kết dính giữa các bên.

Bảo đảm hài hòa lợi ích sẽ giúp việc liên kết du lịch giữa các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc bền chặt hơn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu quan điểm: “Để tránh rơi vào tình trạng liên kết mà vẫn “rời như cơm nguội” thì các tỉnh trong khu vực cùng nhìn về phía trước, bảo đảm hài hòa lợi ích. Có nghĩa là cần hướng tới nguyên tắc “tôi phát”, “bạn phát” thì “chúng ta” mới phát. Trong hợp tác có cạnh tranh, nhưng cạnh tranh phải lành mạnh, tạo lực đẩy cho phát triển. Nhưng điều ấy không có nghĩa là “cào bằng” trong hợp tác, mỗi địa phương tự mình nâng cấp hạ tầng, nhân lực, sản phẩm du lịch để nắm bắt, chuyển hóa thời cơ do liên kết vùng miền mang lại”.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Trong bất cứ mối quan hệ hợp tác nào thì yếu tố chân thành, hài hòa lợi ích cũng là cốt lõi mang lại sự bền lâu. Với các tỉnh nằm trong vùng Chiến khu Việt Bắc có sự gắn kết về vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử là điều kiện thuận lợi để hợp tác và cùng tiến.

Việc có nhiều hơn các chương trình xúc tiến, quảng bá, các buổi hội thảo, hội nghị, đặc biệt đề tài khoa học cấp nhà nước “Liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc” do Viện Kinh tế Văn hóa chủ trì thực hiện khẳng định thêm điều này. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng đặt ra thì cần những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để định vị và nâng tầm thương hiệu du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc.

Bắc Kạn đang nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo từ điệu múa bát truyền thống.

Tiến sĩ Hồ Ngọc Ninh, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: "Giải bài toán cho du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc cần tập trung vào hoàn thiện hạ tầng giao thông, nâng cấp hạ tầng du lịch và tạo sản phẩm du lịch độc đáo. Hạ tầng du lịch cần đồng bộ giữa các tỉnh, chú tâm với những điểm, khu du lịch quốc gia hoặc nằm trong tour, tuyến liên kết. Đi cùng với đó là xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên thế mạnh về truyền thống lịch sử cách mạng và nền văn hóa độc đáo của đồng bào các DTTS".

Các tỉnh Chiến khu Việt Bắc cần tổ chức nhiều hơn các sự kiện văn hóa, du lịch tầm cỡ để thu hút du khách.

Tham góp các giải pháp, Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: "Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần được quan tâm đặc biệt vì nó là “cánh cửa” giúp thu hút đầu tư và tiếp cận du khách, doanh nghiệp lữ hành hiệu quả. Các tỉnh trong vùng cần tổ chức nhiều hơn những sự kiện văn hóa, du lịch tầm cỡ, không chỉ tổ chức riêng lẻ từng tỉnh mà cần xúc tiến, quảng bá du lịch chung đến các thị trường lớn trong và ngoài nước. Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định chất lượng của các sản phẩm dịch vụ du lịch. Do đó, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm hết sức cấp thiết đối với du lịch các địa phương. Thực hiện đồng thời đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ cán bộ hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, cần phải tiến hành liên tục, thường xuyên một cách có hệ thống đặc biệt là đối với đội ngũ thuyết minh viên”.

Thương hiệu du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc dần định hình, ngày càng được du khách và các doanh nghiệp lữ hành biết đến và lựa chọn. Giải quyết được vướng mắc, gỡ được “nút thắt” đang gặp phải sẽ tạo đà cho du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc phát triển lên tầm cao mới, hiện thực mục tiêu các tỉnh trong vùng đặt ra đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực. Đồng thời cũng tạo thêm cực tăng trưởng cho du lịch Việt Nam, góp phần cụ thể hóa Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020) và Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.

(Hết)

Lê Trang - Mộc Lan - Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bai-3-cung-hop-cung-phat-post63975.html