Bài 3: Đảng cần, dân mong
Không nhiều cán bộ tự nguyện từ chức, dám từ chức, thế nhưng, việc hình thành một nền văn hóa từ chức ở Việt Nam là quyết tâm chính trị từ rất sớm và xuyên suốt của Đảng, cũng đồng thời là mong muốn của nhân dân.
Hệ lụy khôn lường
Trong 20 năm gần đây, số lượng cán bộ mạnh dạn xin từ chức chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở một đất nước luôn quan niệm cán bộ là gốc của công việc; cán bộ là công bộc của dân; cán bộ là những người đặt lợi ích của tập thể, tổ chức và nhân dân lên trên hết mà chưa có văn hóa từ chức, hoặc mới chỉ lấp ló ở đâu đó thứ văn hóa quý báu này thì quả là một vấn đề bất thường trong quy luật vốn dĩ bình thường. Nó gây ra nhiều hệ lụy đáng suy nghĩ, băn khoăn, trăn trở.
Người có lỗi, vi phạm khuyết điểm mà không từ chức thì chắc chắn họ là những cá nhân không tử tế, không có liêm sỉ. Mà đã không có liêm sỉ, thì lúc đương chức sẽ là những cán bộ thiếu trách nhiệm, không thể đề cao lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Họ vốn dĩ có vấn đề về đạo đức, tư cách, không xứng đáng là công bộc của dân. Chính vậy, câu chuyện cán bộ vi phạm khuyết điểm nhưng không từ chức ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự của đội ngũ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân dành cho Đảng và bộ máy nhà nước. Cùng với đó, người dân cũng nghi hoặc về tính nghiêm minh, nghiêm khắc của pháp luật, bởi nếu cán bộ nào đó vi phạm khuyết điểm, suy thoái, biến chất mà Đảng, Nhà nước, tổ chức vẫn dung túng, vẫn để tồn tại một loại môi trường giúp họ mặc nhiên phát triển thì quả là câu chuyện đáng buồn, đáng lo.
Người yếu kém, năng lực hạn chế mà “giữ ghế”, ắt sẽ kéo theo sự trì trệ của tổ chức, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của tập thể đạt thấp, ảnh hưởng đến công cuộc chung của sự nghiệp cách mạng. Những cán bộ kém mà có “ghế sang”, có vị trí công tác cao, đồng nghĩa với nghi vấn họ đã "mua ghế". Cũng vì thế mà môi trường nơi người ấy chủ trì đã, đang và sẽ tiếp tục bị vẩn đục, có cơ hội cho loại “lăng quăng”, "sâu bọ" lộng hành; giúp “lươn chạch” leo cao, chui sâu.
Người có năng lực hạn chế mà nắm giữ quyền lực trong thời gian dài, sẽ giết chết sự sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ. Ở đó, cán bộ, nhân viên thực sự có tài năng cũng bị thui chột động lực phấn đấu, thậm chí sinh ra chán nản, không toàn tâm toàn ý yêu nghề, gắn bó với tổ chức. Nhân tài cứ thế mà vơi cạn, người kém cứ thế mà được đà thong dong quan lộ... Đó quả là một mối nguy cơ to lớn, ảnh hưởng đến sự tồn vong của tổ chức nói riêng, của Đảng và chế độ nói chung.
Mặt khác, những kẻ "giữ ghế" xét đến cùng là vì nơi ấy sinh ra lợi nhuận, đẻ ra tư lợi, hoặc lợi ích nhóm. Và như vậy, nguy cơ thất thoát tài sản công là vô cùng lớn, nguy cơ sinh sôi tham nhũng, tiêu cực rất cao, nếu cứ để cho những kẻ đứng đầu tại vị trên những chiếc ghế quyền lực quá lớn trong khi mục tiêu của họ lại vì số ít, vì cá nhân. Bởi thế, đã từ rất lâu rồi, Đảng ta, dân ta mong muốn hình thành một văn hóa bền vững trong hoạt động công vụ của đất nước-đó là văn hóa từ chức!
Vì sao chúng ta lại mong muốn sở hữu thứ văn hóa ấy? Là bởi văn hóa từ chức sẽ giúp bài trừ những nguy cơ và hệ lụy nêu trên. Khi ấy, những cán bộ xấu, suy thoái, biến chất, vi phạm kỷ luật, năng lực kém... sẽ dần bị thải loại một cách tự giác. Trong khi cán bộ tốt, cán bộ tử tế sẽ có cơ hội phát triển, nắm giữ các vị trí công tác quan trọng, dành trọn tâm huyết, trí tuệ đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Lâu dần, khi văn hóa từ chức thành nền nếp, đi vào thực chất, Đảng và hệ thống chính trị sẽ có một đội ngũ cán bộ đúng nghĩa là công bộc của dân.
Quyết tâm chính trị xuyên suốt
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW (sau đây gọi là Quy định 41) về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ một lần nữa khẳng định quyết tâm rất cao, rất quyết liệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để công tác cán bộ “có lên-có xuống, có vào-có ra”, để văn hóa từ chức hình thành trong đội ngũ cán bộ.
Ngay từ khi Đảng ra đời, lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành được chính quyền, Bác Hồ và Trung ương Đảng đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ. Trong đó, chấn chỉnh những sai lầm, khuyết điểm, cho từ chức, miễn nhiệm là việc làm thường xuyên. Năm 1997, Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII đã chỉ ra yêu cầu cần kíp: “Người không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm, uy tín giảm sút thì tùy theo mức độ mà bị miễn chức, hoặc cách chức kịp thời”. Năm 2009, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 260-QĐ/TW về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Đến Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, nêu lên một nội dung quan trọng và mới là cán bộ, đảng viên phải “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”...
Như vậy, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp liên quan đến vấn đề từ chức của cán bộ. Ấy vậy mà văn hóa từ chức vẫn xa vời và hành động từ chức của cán bộ vẫn thật sự còn rất hiếm hoi.
Tại sao lại như vậy? Theo các chuyên gia xây dựng Đảng, nếu bỏ qua cách tiếp cận về tính tự giác của từng cá nhân (chủ thể) từ chức, thì nguyên nhân gốc rễ ở đây là do công tác triển khai thực hiện. Nói một cách công bằng, đến nay, hệ thống các chủ trương, quan điểm của Đảng là rất rõ, rất quyết liệt, khá đồng bộ. Đối tượng, phạm vi, quy trình, điều kiện, yêu cầu, tiến độ... và các yếu tố khác về từ chức đã khá đầy đủ, thế nhưng, khâu lãnh đạo tổ chức thực hiện dường như đang là một khoảng trống, hay chí ít là còn bỏ ngỏ, hoặc chưa thật quyết liệt. Vẫn còn đó tình trạng trên “phát” nhưng dưới không “động”, trên “quyết”, dưới bị tê liệt, trên "nóng", dưới "lạnh"; rồi nữa là câu chuyện tung hô sáo rỗng, kêu gọi chung chung, trong khi chế tài, cơ chế vận hành lại bị bóp méo, lợi dụng...
Chính từ thực trạng đó mà sự ra đời Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức có bước phát triển hơn về chất, nội hàm rộng hơn, ngoại diên rộng hơn. Quy định miễn nhiệm, từ chức được cụ thể hóa bằng hệ thống các căn cứ (trường hợp) chặt chẽ, có tính khả thi cao là minh chứng tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, mang đến sự kỳ vọng cho toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Khác với những quan niệm trước đây, dù vẫn cho rằng từ chức thuộc hành vi tự nguyện cá nhân, nhưng Quy định 41 nêu rõ 4 căn cứ: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; hoặc vì lý do chính đáng khác của cá nhân. Như vậy, Bộ Chính trị chỉ ra rất rõ các căn cứ để cán bộ soi vào mà chủ động xin từ chức, hoặc chịu sự giám sát của tổ chức, của đồng nghiệp và người dân.
Hơn thế, so với Quy định số 260-QĐ/TW (năm 2009), Quy định 41 đã không còn hình thức cho “thôi giữ chức vụ” với những quy định mang hình hài của sự định tính. Lần này, mọi căn cứ đều rất rõ ràng, chặt chẽ và hoàn toàn có thể định lượng.
Đón nhận Quy định 41, đội ngũ cán bộ nhận thức rõ sự nghiêm khắc, quyết liệt, chuẩn mực trong từng câu từ của một chủ trương, giải pháp lớn, thể hiện rõ phương hướng và khả năng hiện thực hóa, nhất là thuận tiện cho việc luật hóa, cụ thể hóa ở các cấp. Và hơn hết, đến nay, Đảng ta đã có một hệ thống các quy định tròn khâu trong công tác cán bộ: Quy định về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, quy định về luân chuyển... và khâu cuối cùng-khâu chốt chặn của một quy trình tròn khâu-là “Quy định về miễn nhiệm, từ chức”.
Thế nhưng, vẫn phải nhấn mạnh lại câu chuyện đặt ra trong công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối ở các cấp. Mọi nghị quyết, kết luận, văn bản dù hay đến mấy thì cũng chỉ là những trang chữ vô bổ nếu không được triển khai quyết liệt, hiệu quả trên thực tế. Liên quan đến vấn đề này, cách đây hơn 5 năm, GS, TS Phùng Hữu Phú, khi ấy là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã từng khẳng định: Bất cứ chủ trương gì cũng tổ chức quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ, đảng viên. Từng tổ chức Đảng xác định trọng tâm, trọng điểm sát với chủ trương và thực tế để xây dựng thành kế hoạch tổ chức thực hiện. Đặc biệt, muốn có văn hóa từ chức, phải vận hành đồng thời ở tất cả các cấp từ Trung ương về cơ sở một cách chặt chẽ, phải có phát động, theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết một cách thường xuyên, nghiêm túc, khách quan.
“Quy định 41 như một “lưới lọc” trong công tác cán bộ. Bởi với 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm và 4 căn cứ xem xét từ chức được xác định trong Quy định 41 sẽ giúp cán bộ, đảng viên tự soi vào đó để quyết định việc từ chức của mình và cơ quan kiểm tra làm căn cứ khi thực hiện miễn nhiệm cán bộ”.
Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-3-dang-can-dan-mong-678390