Bài 3: 'Đầu tàu' ì ạch, 'cuối toa' cọc cạch
Không chỉ có các 'đầu tàu' lai tạo giống chính quy gặp khó, mà ngay các cơ sở nhân giống uy tín cung ứng hạt giống cho nhà nông gieo trồng cũng ngày càng teo tóp bởi nạn làm giả của một số thương nhân và gieo trồng quá đỗi tự do của một bộ phận nhà nông...
Trăm dâu đổ… “đầu tàu”
“Mỗi năm xài hàng chục tỷ đồng mà chưa cho ra giống lúa thơm nổi trội” - Đó là nhận định của nhiều người về công tác lai tạo giống của Viện lúa ĐBSCL - đơn vị đầu tàu của công tác lai tạo giống lúa vùng ĐBSCL, mỗi khi bàn luận về câu chuyện lúa giống. Với tất cả sự thận trọng, chúng tôi gõ cửa Viện lúa ĐBSCL. Cuộc trao đổi với TS,Viện trưởng Trần Ngọc Thạch diễn ra trong không khí cởi mở, chân tình. Vừa nghe chúng tôi trình bày, ông nói ngay: “Oan cho Viện quá!”. Trước hết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện lúa ĐBSCL vừa phải bảo tồn giống bản địa, vừa phải nghiên cứu, lai tạo giống mới đáp ứng các nhu cầu từ khô hạn đến nhiễm mặn... và chuyển giao các vấn đề kỹ thuật nên không thể dồn tổng lực vào dòng lúa thơm như một số doanh nghiệp tư nhân.
Sau khi đưa chúng tôi xem thông tin Viện Lúa quốc tế (IRRI) mới gởi sang muốn xin giống lúa do Viện lai tạo, TS Trần Ngọc Thạch cũng khẳng định: “Chúng tôi không chỉ làm chủ được công nghệ, lai tạo ra giống lúa riêng mang thương hiệu OM, mà còn cho ra đời giống lúa cho gạo trắng, có mùi thơm... được nhà nông đón nhận”. Đây được xem như nỗ lực lớn trong bối cảnh kinh phí dành cho nghiên cứu chỉ nhỉnh hơn 1 tỷ đồng/năm (chứ không phải hàng chục tỷ đồng như dư luận). Tuy nhiên, có lẽ do chưa đầu tư công tác truyền thông đáp ứng yêu cầu, nên thông tin chưa được nhiều người biết đúng với phẩm chất giống lúa.
Thực tế cho thấy, mãi đến khi giao sản phẩm của mình cho doanh nghiệp khai thác, giống lúa do Viện lai tạo mới được nhiều người biết đến. Cụ thể nhất là gần đây, tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 tổ chức tại Vĩnh Long vào đầu năm 2022, giống lúa OM18 được vinh danh - gạo thơm chất lượng cao được trồng nhiều nhất Việt Nam và lúa OM5451 - gạo trắng được xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam thì nhiều người mới biết đến...
Đánh giá cao thành tựu của Viện lúa ĐBSCL, nhưng GS.TS Võ Tòng Xuân cũng mạnh dạn cho rằng nơi đây chưa tạo ra giống lúa mang tính “đột phá”. Tuy nhiên, GS Xuân cũng lưu ý cần hiểu rõ cơ sở lịch sử để nhìn nhận đầy đủ về Viện Lúa ĐBSCL. “Trước đây, áp lực cứu đói, và sau này là áp lực tăng dân số, áp lực tăng sản lượng lương thực hàng năm... của các địa phương đã làm ảnh hưởng đến hướng nghiên cứu, lai tạo giống lúa của Viện”, GS Võ Tòng Xuân cho biết và nhấn mạnh thêm: “Ngoài ra, thói quen sử dụng thừa phân đạm trong trồng lúa cũng gây khó cho công tác lai tạo giống lúa cho ra gạo chất lượng cao, thơm ra đời”.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, cây trồng cần đến 16 dưỡng chất để tăng trưởng cân đối, nhưng nông dân có thói quen bón thừa đạm, ít chú ý đến trung, vi lượng nên buộc lòng cây phải vắt dưỡng chất từ lòng đất ra để tạo bông... Vì thế, sau vài vụ trồng, cây giảm năng suất, nhà nông lại nghĩ “vấn đề” là do giống nên tìm giống mới. Cứ thế, thay đổi, đã thúc đẩy các cơ sở lai tạo, chọn lọc giống phải chạy đua với thời gian để đáp ứng.
Ngắn dần cánh tay nối dài
“Tôi bỏ nghề sản xuất lúa giống rồi” - câu nói của ông Nguyễn Lợi Đức, chủ cơ sở lúa giống SĐ lừng danh một thời của tỉnh An Giang với quy mô 1.000 tấn hạt giống/năm, khiến chúng tôi bất ngờ đến mức quyết cất công vào nội đồng xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) để tìm hiểu. Trong cơ ngơi khang trang bên trang trại chuối liền tắp trên hơn 100ha trước đây được dùng để trồng lúa giống, ông Đức chia sẻ những sự thật mà lâu nay ông cố giấu kín.
“Từ bỏ nghề đã gắn bó sau gần 20 năm, buồn lắm, nhưng không thể làm khác được” - ông Đức chia sẻ. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự hoành hành của nạn kinh doanh gian dối. “Để làm cơ sở nhân giống lúa mang tính lâu dài, chúng tôi phải mua lúa nguyên chủng về gieo cấy, sau đó là nhiều hoạt động hỗ trợ khác,... và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Và giọng ông Đức trở nên bức xúc: “Trong khi đó, các hộ kinh doanh gian dối, chỉ cần mua lúa trên đồng rồi khử lẫn trước khi thu hoạch, đi bán... Đáng lo hơn là sau đó lại tận dụng cách làm ăn gian dối này để tăng chi hoa hồng cho các cửa hàng, cơ sở bán lúa giống...mà hậu quả là các cơ sở sản xuất lúa giống đúng quy trình lãnh đủ. Do thích lợi nhuận cao, các cơ sở kinh doanh giống trưng bày lúa giống của cơ sở đạt chuẩn, nhưng lại “núp bóng” bán lúa do các cơ sở tự phát cung cấp. Vì vậy khi xảy ra sự cố, chúng tôi mất rất nhiều thời gian, công sức để chứng minh nên rất buồn, chán”, ông Đức chua xót.
Đó không phải là trường hợp cá biệt, mà là tình cảnh chung của nhiều cơ sở nhân giống lúa có tên tuổi ở vùng ĐBSCL. Tuy chưa đến mức bỏ nghề như ông Đức, nhưng nhiều cơ sở cũng bắt đầu cắt giảm mạnh. Là một trong những cơ sở nhân lúa giống quy mô lớn vùng ĐBSCL với trên dưới 2.000 tấn hạt/năm, nhưng ông Lê Văn Phương, chủ cơ sở lúa giống Phương Minh ở xã Tân Quới (Thanh Bình – Đồng Tháp) cho biết cũng đang cắt giảm khoảng 50% và nhiều khả năng con số này sẽ tiếp tục giảm thêm vào thời gian tới vì chán nản với nạn gian dối trong kinh doanh lúa giống.
Với kinh nghiệm của người thâm niên gắn bó với nông nghiệp cơ sở, ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu Khoa học và Thông tin (Sở NN&PTNT Đồng Tháp) nhận thấy điều này vô cùng nguy hiểm. “Nguy hiểm chính là bởi với cách làm: Nhận giống nguyên chủng từ Viện Lúa ĐBSCL về sản xuất ra giống xác nhận cho nhà nông gieo trồng, các cơ sở lúa giống như SĐ và Phương Minh được xem như cánh tay nối dài đưa giống lúa chất lượng từ phòng nghiên cứu ra đồng đất. Nếu lực lượng này “bỏ cuộc chơi” hay giảm quy mô hoạt động, không chỉ làm ngắn dần cánh tay nối dài, triệt tiêu nguồn giống tích cực mà còn gia tăng hạt gạo chất lượng thấp”, ThS Nguyễn Phước Nguyên phân tích thêm.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/bai-3-dau-tau-i-ach-cuoi-toa-coc-cach-i651540/