Bài 3: Giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường bình đẳng cho người kinh doanh thương mại điện tử

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, việc sàn thương mại điện tử thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho xã hội, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.

Bài 1: “Lỗ hổng” thu thuế thương mại điện tử

Bài 2: Kinh nghiệm thu thuế từ các sàn thương mại điện tử trên thế giới

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chuẩn bị ứng dụng thuận tiện cho sàn TMĐT

Theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), từ ngày 1/4, các sàn thương mại điện tử (TMĐT), bao gồm cả sàn nước ngoài và nền tảng số có chức năng thanh toán, sẽ phải khấu trừ và nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn.

Trong giai đoạn 2022-2024, thị trường Thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu thương mại điện tử B2C ước tính đạt 598.6 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng gần 50% so với năm 2022.

Đặc biệt, doanh số các sàn thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế khi thị phần tăng từ 47% (2023) lên 53% (2024). Mua sắm qua livestream và thương mại kết hợp giải trí (shoppertainment) đã trở thành xu hướng dẫn đầu, đặc biệt trên các nền tảng như TikTok Shop và Shopee.

Sản lượng bán ra trên 5 sàn tăng mạnh từ 1,490 triệu sản phẩm (2022) lên 2,268 triệu (2023) và đạt 3,421 triệu vào năm 2024, phản ánh nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng lớn.

Trong khi đó, số shop có phát sinh đơn hàng tăng từ 645 nghìn (2022) lên 815 nghìn (2023) là giai đoạn tăng cao điểm đỉnh điểm nhưng giảm xuống 650 nghìn (2024), cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán.

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, Luật Thuế VAT 2024 cũng quy định nền tảng TMĐT khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, nhưng có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Do đó, VECOM kiến nghị Quốc hội đề xuất việc xem xét, cho phép lùi thời điểm có hiệu lực của Điều 6.5.b. Luật số 56 đến ngày 1/7/2025 để phù hợp với Luật Thuế VAT, đồng thời, để cơ quan quản lý và doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị cho công tác thực thi cũng như tuyên truyền, giải đáp về các nghĩa vụ cụ thể và cách thực hiện cho người bán hàng là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Tại Dự thảo Nghị định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, xác định trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay của tổ chức quản lý nền tảng TMĐT đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Theo đó, tổ chức này có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay thuế VAT đối với doanh thu phát sinh tại Việt Nam của hộ kinh doanh và cá nhân cư trú. Đồng thời, đối với cá nhân không cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, tổ chức quản lý nền tảng sẽ thực hiện khấu trừ và nộp thuế thay thuế TNCN đối với các giao dịch cung cấp hàng hóa và dịch vụ phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

Mới đây nhất, để đảm bảo hiệu quả việc triển khai quy định khấu trừ, nộp thay cá nhân, hộ kinh doanh ngay sau khi Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số được ban hành, Cục Thuế tổ chức cuộc họp với đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đại diện doanh nghiệp để trao đổi tìm ra giải pháp thuận lợi nhất cho các tổ chức quản lý sàn TMĐT.

Chi cục trưởng Chi cục Thuế Thương mại điện tử Cáp Quý Phúc cho biết, Cục Thuế đã chuẩn bị về mặt ứng dụng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn TMĐT, các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT có thể chủ động kê khai, nộp thuế một cách thuận tiện theo các phương thức điện tử.

Để hỗ trợ các sàn TMĐT, ngày 15/12/2022, Cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT với tính năng tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử. Đến nay, sau 8 kỳ cung cấp thông tin (từ quý 4/2022 đến quý 3/2024), Cục Thuế đã có được cơ sở dữ liệu về các giao dịch do các sàn giao dịch TMĐT cung cấp, với các thông tin của người bán trên sàn như: thông tin định danh (tên, MST/ĐKKD/CCCD), thông tin liên hệ (email, số điện thoại), địa chỉ kinh doanh, địa chỉ cư trú, nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh, tài khoản ngân hàng.

Tại cuộc họp, đại diện các sàn TMĐT khẳng định luôn mong muốn được thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và hứa sẽ đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ người bán trong việc thực hiện nghĩa vụ về thuế theo quy định.

Công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhấn mạnh những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, các tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam sẽ kê khai và nộp thuế qua Cổng Thông tin nhà cung cấp nước ngoài, trong khi tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng Cổng Thương mại điện tử. Ngoài ra, các sàn TMĐT có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh cá nhân.

 Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Bà Cúc cũng cho rằng cải cách hệ thống mã số thuế và mã định danh sẽ giúp tăng cường quản lý thuế, đảm bảo công bằng giữa kinh doanh truyền thống và TMĐT. Bởi lẽ, kinh doanh truyền thống chịu nhiều chi phí như thuê mặt bằng, nhưng vẫn nộp thuế đầy đủ, trong khi một số cá nhân, tổ chức kinh doanh TMĐT chưa thực hiện nghĩa vụ thuế.

Về nghĩa vụ thuế đối với cá nhân bán hàng qua livestream, bà Cúc lưu ý nếu đăng ký thuế, hoa hồng chỉ chịu thuế 7%, nhưng nếu không đăng ký, khoản thu nhập này có thể bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với mức từ 5 - 35%.

Song song với đó, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, đề xuất cần có các biện pháp quản lý thuế phù hợp hơn đối với cá nhân, hộ kinh doanh trên các sàn TMĐT nước ngoài và trong nước. Theo bà, việc áp dụng các biện pháp mạnh mẽ đối với những đơn vị hoạt động không đúng quy định sẽ giúp đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Chủ tịch VTCA cho rằng, cơ quan thuế cần hiện đại hóa hệ thống thuế, ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng và sàn TMĐT để thu thuế hiệu quả mà không làm giảm doanh thu của ngành TMĐT.

Đánh giá tác động của dự thảo nghị định mới, bà Nguyễn Thị Cúc khẳng định các quy định chi tiết sẽ giúp tăng cường công tác quản lý thuế, đồng thời tăng thu ngân sách nhà nước từ hộ và cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT.

Tuy nhiên, theo bà Cúc, do nguồn lực cơ quan thuế còn hạn chế, việc thu thập, rà soát và đối chiếu thông tin thuế từ nhiều nguồn có thể gia tăng áp lực lên cán bộ thuế địa phương. Khi trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh được quy định rõ ràng, điều này sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế và tiết kiệm chi phí tuân thủ cho toàn xã hội. Đồng thời, những cải cách này sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bai-3-giam-chi-phi-tuan-thu-tao-moi-truong-binh-dang-cho-nguoi-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-d57347.html