Bài 3: Huy động sự tham gia của doanh nghiệp nội: Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Với tinh thần độc lập, tự lập, tự cường và tự chủ, Bộ Chính trị đã quyết định đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Dự án) không phụ thuộc vào nước ngoài. Dự án cần nguồn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay và nhiều công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Do đó, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là cần có cơ chế, chính sách đặc thù để huy động doanh nghiệp (DN) nội tham gia Dự án.

Cơ chế, chính sách đặc thù - đòn bẩy để huy động nguồn lực trong nước tham gia Dự án. Ảnh minh họa

Cơ chế, chính sách đặc thù - đòn bẩy để huy động nguồn lực trong nước tham gia Dự án. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Việt khẳng định đủ năng lực…

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Trung ương thống nhất cao về chủ trương đầu tư và các cơ quan đang tích cực triển khai theo quy trình, thủ tục trong sự mong đợi lớn của toàn xã hội. Dự án đòi hỏi áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các DN xây dựng Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để DN học hỏi và làm chủ công nghệ mới.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội các nhóm cơ chế, chính sách, trong đó có 19 cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 5 cơ chế thuộc thẩm quyền Chính phủ, tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Trong quá trình thực hiện đầu tư, nếu cần cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội, hoặc cơ chế thuộc thẩm quyền Chính phủ, chúng tôi sẽ đề xuất.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy

PGS,TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam - tin tưởng, các DN Việt có thể tham gia vào nhiều giai đoạn của Dự án. “Đối với các công nghệ mới, Việt Nam chắc chắn sẽ phải nhận chuyển giao từ các quốc gia đường sắt tốc độ cao phát triển. Song, ngay cả trường hợp này, DN trong nước vẫn có cơ hội tham gia sản xuất các chi tiết cho tàu hoặc liên danh với nước ngoài chế tạo như ray, ghi, thiết bị thông tin tín hiệu…” - ông Chủng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, điều quan trọng là DN cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài, tham gia từ khâu thiết kế để hiểu rõ hơn về công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ của Dự án.

Trong khi đó, đánh giá về năng lực của DN trong nước, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy khẳng định, chỉ cần có cơ chế, chính sách, DN Việt có thể tham gia, tiến tới làm chủ Dự án. Bộ GTVT đã khảo sát, làm việc với các DN luyện kim, sản xuất thép hay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về các tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ cho đường sắt tốc độ cao, mà còn hướng tới thị trường lớn hơn là hệ thống đường sắt quốc gia. Đồng thời, Bộ GTVT đã làm việc với Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng), Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn Đèo Cả... để định hướng các DN có chiến lược và chủ động chuẩn bị nguồn lực tham gia quá trình triển khai và phát triển công nghiệp đường sắt sau này.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, lực lượng lao động của Ngành có trên 22.000 người. Đây là lực lượng chính, là tiền đề để thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao với vai trò quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao này. Đơn vị hiện đang tổ chức triển khai bố trí lực lượng trong ngành để học tập tại các nước phát triển công nghiệp đường sắt. Mặt khác, tỷ lệ nội địa hóa với đường sắt hiện hữu lên tới 70-80%. Đây là thuận lợi rất lớn giúp DN trong nước có thể đảm đương tốt nhiệm vụ trên cơ sở hợp tác liên doanh với các nước phát triển.

Xây dựng cơ chế đặc thù, linh hoạt, tính toán kỹ khả năng nội địa hóa

Để triển khai chủ trương đầu tư Dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động sức mạnh của Nhân dân và DN. Trong đó, vấn đề cơ chế phù hợp, khuyến khích DN Việt tham gia Dự án cần được quan tâm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, Dự án này không thể thành công và triển khai đúng tiến độ nếu thiếu cơ chế, chính sách đặc thù. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tính đến các cơ chế linh hoạt. Bởi lẽ, trong quá trình triển khai nếu phát sinh vấn đề, chúng ta cần cơ chế giải quyết nhanh thay vì phải theo trình tự thông thường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) đề xuất Nhà nước cần đặt hàng các tập đoàn, DN trong nước để họ trở thành chủ dự án và tự tìm đối tác. Đây chính là cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, mọi cơ chế cho DN đều phải hướng đến các mục tiêu đúng tiến độ, làm chủ công nghệ và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, PGS,TS. Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt - nhấn mạnh, khung pháp lý đầy đủ và minh bạch là điều kiện tiên quyết cho sự thành công và gia tăng niềm tin của nhà đầu tư tư nhân, đảm bảo Dự án đạt hiệu quả, phân chia rủi ro phù hợp và tránh những rủi ro tiềm tàng. Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN liên quan đến vấn đề nguồn vốn, thuế, bảo lãnh và lựa chọn các tập đoàn tư nhân có năng lực vững mạnh, quyết tâm, trên cơ sở phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, phí chuyển giao công nghệ là một trong những khoản chi phí lớn, quan trọng cần được xác định trong Dự án. Đồng thời, Chính phủ cần bổ sung điều khoản công ty nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước, hoàn tất đàm phán chuyển giao công nghệ với các công ty nội địa và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh trước khi đấu thầu. Các công ty nước ngoài không ký hợp đồng chuyển giao công nghệ trước khi đấu thầu sẽ bị loại trực tiếp.

Góp ý đối với Dự án, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng lưu ý: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Chính phủ nêu, nếu được nước ngoài chuyển giao công nghệ thì chúng ta sẽ nội địa hóa và làm chủ được công nghệ. Tuy nhiên, Báo cáo chưa đề cập đến những khó khăn và tính khả thi của định hướng nội địa hóa.

“Nếu không được nước ngoài chuyển giao thì khả năng chúng ta sẽ tự chủ, nội địa hóa được những hạng mục nào trong công nghệ đường sắt cao tốc 350 km/h và công nghệ sản xuất các phương tiện di chuyển trên tuyến đường này cũng như khả năng làm chủ công nghệ bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải? Trong khi đó, đường sắt tốc độ cao 350 km/h là công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới (hiện trên thế giới chỉ có 4 nước làm chủ công nghệ này). Do vậy, việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc vào nước ngoài và khả năng cao là các nước đang làm chủ công nghệ này sẽ không chuyển giao công nghệ cho nước thứ ba” - KTNN chỉ rõ.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đề nghị đánh giá cụ thể khả năng tiếp nhận công nghệ của các DN Việt Nam; đồng thời làm rõ trường hợp nếu không được nước ngoài chuyển giao công nghệ thì giải pháp thay thế cũng như khả năng tự chủ, nội địa hóa công nghệ đường sắt tốc độ cao của Việt Nam ra sao để có giải pháp phù hợp, bảo đảm đáp ứng mục tiêu tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ như yêu cầu của Trung ương.

Trong bối cảnh triển khai Dự án chưa có tiền lệ, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực trong nước là cần thiết, song vấn đề KTNN nêu ra cần được Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng hơn. Cùng với đó, quá trình triển khai Dự án cũng đặt ra yêu cầu phải tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm toán để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả. Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bai-3-huy-dong-su-tham-gia-cua-doanh-nghiep-noi-can-co-che-chinh-sach-dac-thu-36265.html