Bài 3: Kỳ vọng những đột phá mới trong xóa đói giảm nghèo
Nhiều tỉnh, thành xem kết quả thực hiện Chỉ thị số 40 là chỉ tiêu đánh giá người đứng đầu, đánh giá hoạt động của các đơn vị hàng năm sẽ đưa tín dụng chính sách trong những năm tới.
Vốn tín dụng chính sách là tĩnh chỉ mang tính động khi cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội vào cuộc cùng người dân, động viên họ vay vốn, hướng dẫn cho họ cách làm ăn và sử dụng đồng vốn vay hiệu quả.
Cũng bởi vậy, hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách xã hội không chỉ là đưa trên 206.805 tỷ đồng đến đúng đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu. Hơn thế trong bối cảnh hội nhập nhanh và sâu rộng của nền kinh tế, việc định hướng người dân vào những dự án thế mạnh của địa phương đang và sẽ trở thành điểm tựa giúp người dân, đối tượng yếu thế của xã hội phát triển kinh tế, bước sâu vào chuỗi giá trị gia tăng cao hơn.
Tạo sâu gốc bền rễ cho tăng trưởng
Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) mạnh dạn đi đầu cùng nhau liên kết sản xuất hình thành hợp tác xã Tuấn Tú vào tháng 6/2016. Với mức vốn góp 3 triệu đồng/thành viên, từ 13 thành viên ban đầu, đến nay hợp tác xã đã phát triển lên 63 thành viên và tất cả đều là khách hàng vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Họ cùng nhau liên kết sản xuất, họ đã chuyển đổi 20 ha rau xanh sang trồng măng tây công nghệ cao, cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với hình thức canh tác truyền thống trước đây. Nhờ măng tây mà riêng năm 2018 toàn thôn có 20 hộ thoát nghèo.
Ở cấp độ cao hơn, nguồn vốn tín dụng chính sách đang được tỉnh định hướng trở thành đòn bẩy thúc đẩy thế mạnh kinh tế địa phương. Như ở huyện Ninh Phước, dư nợ tín dụng đạt 480 tỷ đồng đã được hướng đến phát triển các lợi thế huyện trong đó có làng nghề dệt thổ cẩm và gốm.
Hướng đầu tư gắn với chuỗi hàng hóa, hỗ trợ khởi nghiệp cũng đã được Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương hướng đến nhằm tạo ra tính tương tác đa chiều trong nền kinh tế. Như việc đầu tư 400 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm đã giúp anh Nguyễn Chương Phi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Minh Phước (Đồng Tháp) xây dựng nhà xưởng chế biến rau củ quả sấy.
Xuất thân từ gia đình nghèo khó đông con, mong ước của Phi là muốn làm điều gì đó cho bản thân, cho gia đình và cho địa phương, đặc biệt là những người nghèo nơi đây.
Chính vì vậy, dù đã tốt nghiệp đại học công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và đã đi làm, những anh vẫn quyết tâm bỏ lại tất cả, vay 70 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguốn xuất khẩu lao động sang Nhật Bản làm việc rồi tích lũy vốn. Ngày đó về nước đúng dịp nông sản quá rẻ, người dân chẳng buồn bán mà bỏ hoặc cho bò, dê ăn khiến anh thấy xót xa. Vì vậy, anh quyết định xây dựng công ty để giúp đỡ người nông dân mua nông sản tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Hiện mỗi tháng cơ sở của anh Phi cung ứng ra thị trường từ 7-8 tấn khoai chuối khô, tạo việc làm cho 20 lao động, hơn chục lao động thường, xuyên, lương 5 triệu/tháng.
“Một tỷ đồng đầu tư ngay từ năm đầu tiên, công ty đã hoàn vốn,” anh Phi cho biết. Hiện doanh nghiệp đang đầu tư 3 máy sấy lớn để mở rộng mặt hàng hoa quả, rau sấy chất lượng cao với định hướng xuất khẩu có địa chỉ rõ ràng.
Kỳ vọng những đột phá mới
Giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập nhanh và sâu rộng đang làm dãn khoảng cách thu nhập giàu nghèo. Tái nghèo luôn rình rập bởi thiên tai, lũ lụt. Nguồn vốn ngân sách Trung ương dành cho giảm nghèo dù đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực nhưng vẫn hữu hạn so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chính vì vậy, việc triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn Chỉ thị số 40 trong những năm tới vẫn là điểm tựa quan trọng trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, để vừa tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn tín dụng chính sách. Chỉ thị này vừa khơi gợi tập hợp nguồn lực từ con người đến nguồn vốn không chỉ của địa phương mà của cả cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mỗi người dân chúng ta trong công cuộc giảm nghèo bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội trên con đường phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vấn đề này đã được nhiều địa phương nhận thức và trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW giai đoạn sau với nhiều quyết sách hứa hẹn những đột phá mới trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại địa phương.
Đơn cử như Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành và đưa vào Nghị quyết ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội bình quân mỗi năm 1 tỷ đồng/xã cho 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ 2019-2025, với lãi suất ưu đãi để cho vay giúp các hộ có điều kiện phát triển kinh tế. Hay như, từ năm 2020 Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao cho quận, huyện có mức thu ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng thực hiện ủy thác tối thiểu 3 tỷ đồng/năm; những quận, huyện có mức thu ngân sách Nhà nước từ 1.000 tỷ đồng trở xuống, thực hiện ủy thác tối thiểu 2 tỷ đồng/năm...
Những động lực mới để Chỉ thị số 40 còn nhìn thấy trong việc xây dựng các dự án giải quyết những vấn đề an sinh xã hội tại các địa phương. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành xem kết quả thực hiện Chỉ thị số 40 là chỉ tiêu đánh giá người đứng đầu, đánh giá hoạt động của các đơn vị hàng năm sẽ đưa tín dụng chính sách trong những năm tới thực sự trở thành một trụ cột thúc đẩy giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như người dân kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, xác định đúng đối tượng vay vốn, xác định lãi suất cho vay, hạn mức vay phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lực khi thực hiện chương trình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác huy động nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội./.
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã có trên 10 triệu lượt hộ được vay vốn từ nguồn vốn chính sách, trong đó có 2 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững; gần 3,2 triệu hộ được vay vốn sử dụng nước sạch; 131.000 lượt hộ được vay vốn xây dựng nhà ở; gần 318.000 lượt học sinh, sinh viên vay vốn để tiếp tục học tập; gần 1 triệu lượt người được vay vốn để tạo công ăn việc làm; 21.000 lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động.