Cần xác định rõ nguồn lực thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới về: Đối tượng, phạm vi áp dụng; quy định việc tuyển dụng nhà giáo; chính sách tiền lương của nhà giáo; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo...

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Nhiều điểm mới về tuyển dụng; chính sách tiền lương; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà giáo (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 09 chương, 50 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo. Đối tượng áp dụng của dự án Luật gồm: Nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, quản lý nhà nước về nhà giáo.

So với quy định hiện hành tại các Luật liên quan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới về: Đối tượng, phạm vi áp dụng; quy định việc tuyển dụng nhà giáo; chính sách tiền lương của nhà giáo; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Cân nhắc việc quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập

Trình bày nội dung thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo với những lý do được nêu tại Tờ trình số 656/TTr-CP của Chính phủ và cho rằng việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, dự thảo Luật đã cụ thể hóa 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua; và được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những chính sách đột phá, mang tính đặc thù của nhà giáo.

Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các chính sách mới, nhất là các điều kiện về nguồn lực tài chính để bảo đảm tính khả thi.

Nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật về nhà giáo, tham khảo các chính sách, pháp luật đối với nhà giáo để hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Liên quan đến tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút nhà giáo như quy định tại dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách tiền lương; cân nhắc việc quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập.

Đề nghị hông quy định lại chính sách thuê nhà công vụ đã được quy định trong Luật Nhà ở; đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm khả thi, nhất là về nguồn lực thực hiện đối với chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể cho nhà giáo khi đến công tác tại vùng nông thôn.

Đánh giá tác động kỹ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách nghỉ hưu của nhà giáo

Về chế độ nghỉ hưu của nhà giáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 05 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động kỹ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này.

Đối với quy định về đào tạo, bồi dưỡng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản tán thành quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, không phân biệt nhà giáo khu vực công lập và khu vực ngoài công lập. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chi trả kinh phí bồi dưỡng đối với nhà giáo khi được cử tham gia các chương trình bồi dưỡng.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhất trí với quy định về chính sách của Nhà nước đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo (tại Điều 6) và cho rằng đây là khung chính sách lớn, được tiếp tục cụ thể hóa tại các điều, khoản trong dự thảo Luật.

Đồng thời cơ bản thống nhất với quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo (tại Điều 8, Điều 9); những việc không được làm (tại Điều 11); tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo (tại khoản 2 Điều 45)…

Các đại biểu tại Phiên họp

Các đại biểu tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, đây là Luật mới, quy định về đối tượng, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, do vậy đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải quyết những vấn đề xung đột pháp lý nếu phát sinh.

Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản của dự thảo Luật, không quy định các nội dung đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác, không đưa vào dự thảo Luật các chính sách chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng hoặc các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung:

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung:

Cần xác định rõ nguồn lực thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi nhà giáo

Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo. Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh), cho rằng Luật Nhà giáo góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, hiện nay nhà giáo đang làm việc ở khu vực công và ngoài công lập.

Nhà giáo hoạt động trong khu vực công thì hiện đang được sự điều chỉnh của Luật Viên chức. Đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập, theo pháp luật cũng là một ngành nghề lao động.

Đại biểu đề nghị, quy định Luật Nhà giáo điều chỉnh đối với 2 đối tượng này cần đưa các vấn đề của Luật Viên chức liên quan đến nhà giáo vào nội dung luật để xem xét cho đồng bộ.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ các nội dung liên quan đến chế độ cho nhà giáo ở 2 khu vực như lương thưởng, độ tuổi nghỉ hưu, hưởng bảo hiểm xã hội…

Mặt khác, cần giải thích, làm rõ một số từ chuyên ngành trong dự thảo luật để đảm bảo chặt chẽ nếu triển khai thực tế.

Đại biểu Thạch Phước Bình

Đại biểu Thạch Phước Bình

Cho rằng xây dựng luật riêng là phù hợp, song đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần thống nhất khái niệm tuyển dụng nhà giáo; xác định kỹ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; cần xây dựng hệ thống chính sách cho nhà giáo ở những khu vực đặc thù, khu vực khó khăn… Về chế độ tiền lương đối với nhà giáo cũng chưa được quy định rõ.

Nhiều đại biểu khẳng định, Luật Nhà giáo là luật được Quốc hội và cả xã hội quan tâm. Một trong những lý do quan trọng để ban hành Luật Nhà giáo là tôn vinh, trân trọng nhà giáo và đảm bảo các điều kiện hành nghề của họ tốt nhất, đúng vai trò, sứ mệnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc dân.

Đại biểu Thái Văn Thành

Đại biểu Thái Văn Thành

Đồng tình với ý kiến cần tôn vinh nghề giáo, đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) khẳng định, Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới như: Địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập rõ ràng, quy định rõ về quyền và trách nhiệm của nhà giáo là người nước ngoài, từ đó tạo ra môi trường an tâm công tác, làm việc, cống hiến, sáng tạo cho đội ngũ nhà giáo ngoài công lập.

Đại biểu này cho rằng, Dự thảo Luật đã xây dựng được tiêu chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo và chuẩn nhà giáo để nâng cao chất lượng của nhà giáo. Chuẩn nhà giáo như “chiếc gương soi”, giúp cho mỗi nhà giáo “tự soi, tự sửa”, tự bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Đây cũng là công cụ cho cơ quan quản lý giáo dục cơ sở giáo dục xây dựng quy hoạch, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá và sàng lọc nhà giáo. Đồng thời, tiêu chuẩn chức danh nhà giáo và chuẩn nhà giáo còn là công cụ để kiểm soát chất lượng.

Đại biểu Thái Văn Thành đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…, nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để đảm bảo Luật khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.

Các đại biểu đều cho rằng, Dự thảo Luật cũng quy định việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo có nhiều chính sách mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục ở địa phương chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phát triển, đào tạo bồi dưỡng, điều động, thuyên chuyển, đánh giá, sàng lọc đội ngũ nhà giáo; đào tạo, đặt hàng đối với nhà giáo…/.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/can-xac-dinh-ro-nguon-luc-thuc-hien-chinh-sach-tien-luong-phu-cap-che-do-thu-hut-uu-dai-nha-giao-119241110002106188.htm