Bài 3: Nhân lực - nguồn lực quan trọng nhất đang bị lãng phí
Đại hội XIII của Đảng đã xác định: 'Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế...' cho thấy chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của nguồn nhân lực là nhất quán, xuyên suốt. Song thực tiễn cho thấy, việc khai thác, sử dụng nguồn lực này còn bất cập, lãng phí, gây rào cản lớn tới sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên 'vươn mình'.
Bộ máy cồng kềnh, cán bộ đùn đẩy, làm việc cầm chừng…
Tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, làm việc cầm chừng, né tránh… vẫn là vấn đề nhức nhối, khiến cho hiệu quả giải quyết công việc thấp từng được Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhiều lần chỉ ra. Qua kiểm toán đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, KTNN đã góp phần lý giải rõ thực trạng là do sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền. Đơn cử năm 2017, qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức và quỹ lương năm 2016 tại 13 Bộ, ngành và 47 địa phương, KTNN đã phát hiện tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao, làm tăng chi ngân sách nhà nước 859 tỷ đồng...
Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội, trong các năm 2022, 2023, qua kiểm toán, KTNN chỉ ra vẫn còn tình trạng địa phương bố trí dự toán chưa xem xét đến việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế, sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; giao biên chế, kinh phí cho đơn vị không được giao chỉ tiêu hợp đồng, số lượng biên chế hoặc không có quy định… Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, những hạn chế, bất cập này khiến tổ chức bộ máy cồng kềnh; công tác quản trị, bố trí vị trí việc làm chưa hiệu quả. Trong khi việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; thậm chí có nơi còn để xảy ra sai phạm trong vấn đề này.
Do đó, trên cơ sở phát hiện được chỉ ra, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm đầu mối, tinh gọn theo các Nghị quyết của Trung ương; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng, từ đó nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ…
Những kiến nghị của KTNN cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, khi trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho biết, có Bộ trưởng nói rằng, nếu Bộ đó giảm 30-40% biên chế “cũng không có hề hấn gì”. Thực trạng đó thực sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn lực con người, đòi hỏi cần phải đẩy nhanh hơn nữa công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Bởi, “nếu giảm biên chế, sẽ giảm được người sách nhiễu và tăng được lương cho cán bộ mẫn cán. Cán bộ sẽ chuyên nghiệp và làm việc hiệu quả hơn” - đại biểu khẳng định.
Nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức bộ máy, trong bài viết quan trọng về “Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, một số Bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng cán bộ, trước tiên cần thực hiện “cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy” của hệ thống chính trị.
Tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có khoảng trên 1 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi là 7,92%, tăng 0,29 điểm phần trăm. Cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập và đào tạo, so với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao gấp 3 lần.
Lãng phí cơ hội hội nhập…
Thực tiễn cho thấy, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nếu tại khu vực công, tổ chức bộ máy cồng kềnh, cán bộ, công chức có lúc, có nơi còn chưa tập trung trong công việc, thì tại khu vực tư, trình độ, kỹ năng của người người lao động đang là vấn đề đáng báo động. Nêu dẫn chứng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho biết, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động là 51,5 triệu người, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới là 67%. “Nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng sẽ tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ” - đại biểu khẳng định.
Hệ lụy của tình trạng thiếu định hướng trong đào tạo; thiếu đào tạo, đào tạo không đảm bảo chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao và có xu hướng trẻ hóa, xảy ra cả với lao động được đào tạo đại học trở lên. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tình trạng thất nghiệp của thanh niên vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động, bởi nguồn lao động trẻ từng là thế mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Một hệ lụy khác khi lao động thiếu kỹ năng tay nghề dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, tuy thời gian qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể với tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN là 5,97% trong giai đoạn 2016-2020, song, trong năm 2021, 2022, tốc độ này đã giảm xuống. Bình quân tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của hai năm đều không đạt chỉ tiêu Quốc hội ban hành. Năm 2022, 2023 năng suất đều tăng cao hơn so với năm trước đó, nhưng “năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất châu Á”.
Làm rõ thêm điều này, KTNN cho biết, bất cập hiện xuất hiện cả trong đào tạo nghề lẫn đào tạo trình độ đại học trở lên. Trong đó, việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương; các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao; công tác tổ chức đào tạo đại học tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở đào tạo còn nhiều tồn tại. Đơn cử như tình trạng trường mở ngành mới không dựa trên nhu cầu thực tiễn, dẫn đến cơ hội việc làm không cao; chương trình đào tạo còn nặng lý thuyết, người học thiếu kỹ năng thực tiễn… “Đây là những bất cập mà một phần nguyên nhân đến từ phía cơ quan chức năng đã được KTNN có kiến nghị cụ thể để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo” - KTNN chuyên ngành III cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, xu thế hội nhập sẽ kéo theo tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực rất cao, trong khi mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực còn thấp, từ đó làm lãng phí cơ hội hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới.
Bên cạnh những lãng phí về nguồn nhân lực, lãng phí trong đầu tư công được nhận diện là lĩnh vực đang gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước lớn nhất hiện nay. Nội dung này sẽ được Báo Kiểm toán phản ánh trong bài tiếp theo./.