Bài 3: Nối tiếp 'dòng máu' của lính nhà giàn
Miền Bắc những ngày cuối tháng 12, gió mùa tràn về, mưa phùn như Tết. Anh Nguyễn Đức Thắng vừa được cấp phép trở về từ nhà giàn Phúc Tần C DK1/17, đang tranh thủ chỉnh trang lại nhà cửa ở Thái Bình, và không quên gọi điện báo tin cho cậu em trai út đang ở nhà giàn: 'Chú yên tâm, năm nay đã có anh ở nhà lo Tết cho mẹ'.Bài 1: Khúc tráng ca trong bãoBài 2: Tâm sự của ba thế hệ chỉ huy trưởng nhà giàn
NDĐT – Miền Bắc những ngày cuối tháng 12, gió mùa tràn về, mưa phùn như Tết. Anh Nguyễn Đức Thắng vừa được cấp phép trở về từ nhà giàn Phúc Tần C DK1/17, đang tranh thủ chỉnh trang lại nhà cửa ở Thái Bình, và không quên gọi điện báo tin cho cậu em trai út đang ở nhà giàn: “Chú yên tâm, năm nay đã có anh ở nhà lo Tết cho mẹ”.
Nối gót em trai, anh quyết định về công tác tại nhà giàn
Chỉ câu nói vậy của anh trai trưởng Nguyễn Đức Thắng, cậu em trai út Nguyễn Đức Chinh đã thật sự yên lòng tiếp tục ăn tết trên biển. Anh Chinh hồ hởi chia sẻ với chúng tôi từ tiếng sóng chập chờn ở nhà giàn Tư Chính 5 DK1/14 rằng năm nay, nhà anh đón Tết vô cùng đặc biệt. “Nhà tuy đông anh em, nhưng anh Thắng là anh cả và tôi là út. Hai anh em đều xa nhà cả chục năm nên lúc nào cũng muốn trong gia đình có một người ở nhà để lo cái Tết vui vẻ cho mẹ già. Năm nay, anh tôi được về với gia đình ăn tết, còn yên tâm nào hơn nữa?”, anh Chinh nói lớn át tiếng sóng gió của biển khơi. Bước sang năm thứ 10 sống trên nhà giàn, anh Chinh đã quen với những cái tết xa nhà. Năm nay, anh ăn tết với các đồng đội ở nhà giàn DK1/14.
Tôi biết, niềm vui của anh Chinh còn nhân lên gấp bội khi gia đình nhỏ của anh vừa chào đón đứa con gái đầu lòng. Năm 2014, anh Chinh đã “cưới hụt” một lần vì thực hiện nhiệm vụ không thể về kịp đúng ngày cưới. Giờ bước sang tuổi 34 tuổi, sau 5 năm hôn nhân, anh Chinh mới cảm nhận được thêm một niềm hạnh phúc lớn lao hơn khi lên chức bố được bốn tháng.
Kể về hành trình trở thành lính nhà giàn, Trung úy Nguyễn Đức Chinh tự hào nói, sau khi kết thúc học tập tại Viện Y học hải quân 158 ở Hải Phòng, anh Chinh về nhận nhiệm vụ ở Vùng 2 Hải quân. Bước vào quân ngũ nối gót anh trai cả, anh Chinh và anh Thắng hầu như rất ít có cơ hội gặp nhau. Một người làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây, một người thực hiện nhiệm vụ tại nhà giàn. Xác định vào quân ngũ là phải xa nhà, cả hai đều yên tâm gửi gắm gia đình nhỏ ở quê Thái Bình, bên cạnh bố mẹ già. Thứ kết nối họ, là những cuộc gọi điện hỏi thăm chóng vánh về sức khỏe và nhiệm vụ giữa tiếng sóng biển.
Gần 5 năm ở Trường Sa, năm 2018, Trung tá Nguyễn Đức Thắng được đơn vị cho lựa chọn về bờ để chờ đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng tình yêu biển, tự hào là người lính hải quân luôn bảo vệ chủ quyền biển đảo, luôn vững vàng đứng ở những vị trí đầu của tiền tuyến, anh Thắng chọn tiếp tục công tác tại một vị trí khác, cũng ở trên biển. Năm 2018, anh quyết định ra công tác tại nhà giàn DK1/17. “Tôi yêu biển như một phần máu thịt của mình rồi. Nên dù có thế nào, người lính hải quân như tôi cũng vẫn muốn tiếp tục nhận nhiệm vụ canh gác trên biển”, anh Thắng chia sẻ.
Biết được ý định của anh, anh Chinh chỉ gọi điện động viên “Chúc anh ra nhà giàn hoàn thành tốt nghiệm vụ và giữ gìn sức khỏe”. Bởi vì anh Chinh biết, một người lính hải quân đã từng sống ở đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, đã vượt qua được những năm tháng gian khổ, thử thách hơn mình, sẽ không có chút trở ngại nào khi bước lên nhà giàn.
Tuy bản lĩnh được tôi luyện bởi sương gió biển đảo đã 5 năm, nhưng ngày đầu lên nhà giàn, anh Thắng cũng không tránh được khỏi những bỡ ngỡ. Anh kể với chúng tôi, dù sống ở đảo nổi hay đảo chìm, thì lính hải quân ở đảo Trường Sa cũng ít nhất còn có một mái nhà vững chãi, bao bọc chung quanh là cây cối xanh um tùm. Còn tại nhà giàn, bốn bề chỉ có nước biển, mây trời và gió.
Công tác tại nhà giàn, anh Thắng thấm hơn những vất vả của anh em nhà giàn, thấm cảm giác sống giữa biển, trên một mái nhà chỉ có bốn chân đóng cọc chênh vênh. Ở đó, dù vẫn còn những khó khăn, gian khổ, nhưng các chiến sĩ vẫn vững vàng với nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, vừa làm chỗ dựa cho ngư dân mỗi khi gặp nạn.
Dù chỉ công tác tại nhà giàn một năm, nhưng với anh Thắng, đó là những ngày tháng vô cùng ý nghĩa, khi anh được cùng đồng đội ngày đêm canh gác, trực quan sát, tham gia huấn luyện chiến đấu, hỗ trợ ngư dân, giúp những ngư dân vượt qua khó khăn nhờ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men… “Đó là niềm tự hào cho gia đình, tự hào được cống hiến bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”, anh Thắng nói bằng chất giọng trầm khàn.
Tết năm nay, Trung tá Nguyễn Đức Thắng được về phép và cũng chuẩn bị được cầm trên tay sổ lương, về hẳn với gia đình, chăm mẹ già và vợ con. Sau nhiều năm cống hiến cho Tổ quốc, giờ đây, anh đã có thể mang theo niềm tự hào cống hiến đó để giành trọn những năm tháng sau này, làm tròn vai trò của một trưởng nam trong gia đình.
Cựu binh nhà giàn “gửi gắm” con trai
Niềm vui của anh Thắng, cũng giống như niềm vui của Trung tá Trần Sỹ Hoành sau gần 20 năm công tác tại nhà giàn và mới trở về bờ công tác ở vị trí Chính trị viên Trạm 61, Phòng Kỹ thuật, Vùng 2 Hải quân. Anh Hoành còn hạnh phúc hơn, khi cậu con trai cả mà suốt những dấu mốc quan trọng cuộc đời anh không ở bên cạnh bảo ban, dạy dỗ, đã gật đầu với bố quyết tâm nối nghiệp.
Anh Hoành bước lên nhà giàn vào năm 1994, con trai anh nối nghiệp bố vào năm 2016. Sự chuyển giao thế hệ chiến sĩ tại nhà giàn sau 22 năm, vì thế trở nên đặc biệt ý nghĩa.
Gần 20 năm chính trị viên này đã đi qua một số nhà giàn, anh Hoành là người có rất nhiều ký ức về những ngày gian khó trên nhà giàn đơn sơ với bốn chân yếu không đủ sức chống đỡ trong những ngày bão lớn. Những chiến sĩ nhà giàn kiên cường suốt bao mùa mưa bão, gió lộng, sóng lớn.
Anh Hoành đã trải qua những cơn bão lịch sử, từng nhìn đồng đội hy sinh trước mặt mà bất lực. Anh cũng chứng kiến những chiến sĩ ngày đầu ra giàn khóc nức nở như trẻ con, chứng kiến những nỗi nhớ nhà của những người con xa bố mẹ, người chồng xa vợ con… chứng kiến nỗi đau cắt ruột gan của những chiến sĩ không có dịp được về nhà, nhìn mặt ba mẹ một lần cuối.
Anh Hoành xúc động kể lại cho chúng tôi nghe về những năm tháng gian khó. Những người bạn lớn thời gian khổ ban đầu với các chiến sĩ là những chiếc radio cũ kỹ, là những bức thư được gói ghém cẩn thận, là những khoảnh khắc được ngồi nhắm nhìn hoàng hôn yên ả với ánh mắt hướng về đất liền.
Anh biết hết, tường tận mọi nỗi gian khổ nhưng đầy vinh quang của những chiến sĩ nhà giàn. Nhưng anh biết, những gian khổ ngày nay đã phần nào vơi bớt, chiến sĩ yên tâm ở những nhà giàn vững chắc, có trang thiết bị hiện đại hơn. Vì thế, tại sao không vận động con trai mình cống hiến tuổi trẻ bảo vệ Tổ quốc.
Thế nên, khi nói với cậu con trai cả Trần Sỹ Thành, anh Hoành bảo, “con cứ nhận nhiệm vụ tại nhà giàn để trải nghiệm. Bố đã từng trải qua hết mọi thời điểm khó khăn, thử thách trên nhà giàn rồi nên mong con cũng giữ vững được bản lĩnh như bố”.
Thành gọi từ DK1/2 cho tôi kể, ban đầu bước lên nhà giàn, thấy sóng đánh cũng hoảng, cũng bỡ ngỡ. Trận bão năm 2017 quá lớn so với tưởng tượng về bão của Thành. Sóng đánh cao 20 m, trùm qua cả nóc nhà giàn nhỏ, cuốn theo mọi đồ đạc. Thành và các đồng đội đêm đó không ngủ, mặc áo phao, xác định tâm lý, gói ghém đồ đạc, chuẩn bị xuồng để nhảy khỏi nhà giàn khi có lệnh. “Lúc đó em nghĩ nhiều nhất về gia đình, về mẹ. Em cũng nghĩ về khoảnh khắc bố cũng đã từng rời khỏi nhà giàn trong một trận bão lịch sử”, Thành kể. Sáng hôm sau, biển hiền hòa như chưa từng trải qua cơn giông bão, Thành bắt nhờ sóng từ nhà giàn bên cạnh gọi về cho bố mẹ báo bình an.
Cứ thế ngày nối ngày, nhiệm vụ nối tiếp nhiệm vụ, Thành quen dần với sóng biển. Thời gian này, có một điều khiến Thành bị lung lay nhiều nhất, không phải là những khó khăn trên nhà giàn, không phải là nỗi nhớ nhà, mà là người bạn gái nhiều năm từng hứa chờ đợi Thành đã không còn đủ kiên nhẫn chờ tới ngày Thành hết nhiệm vụ năm đầu.
Ba năm, đi ba nhà giàn và vừa bước lên nhà giàn DK1/2 cách đây ba tháng, Thành cũng đã kịp tìm hiểu người bạn gái mới vừa quen được hai tháng trong kỳ nghỉ phép. “Bạn gái em đến nhà nhiều lần rồi, cũng xác định tâm lý cho bạn gái nếu quyết tâm lấy chồng làm lính nhà giàn thì phải chấp nhận xa nhau, tin nhau và chờ đợi nhau. Bạn gái em cũng hiểu điều đó. Sau đợt đi nhà giàn này, chúng em cũng tính tới chuyện cưới hỏi”, Thành rụt rè nói.
Khi mẹ Thành chán giục cưới, là lúc bố Thành lại nôn nóng hơn bao giờ hết. Trong cuộc trò chuyện dở chừng với chúng tôi, anh Hoành nhấc máy gọi cho con trai trưởng đã 30 tuổi hỏi thăm sức khỏe và không quên dặn với “Hôm bữa, bạn gái con có qua nhà chơi và ăn cơm. Đợt này xem thế nào cũng tính về lập gia đình đi con nhé”.
Khi cậu con trai cả đã nối tiếp bản lĩnh kiên cường của mình thực hiện nhiệm vụ tại ba nhà giàn, với anh Hoành đó là một niềm tự hào lớn lao. Vậy là, cậu con trai khiến anh đã từng lo lắng tới mất ăn mất ngủ những ngày đầu nhận công tác đã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở vị trí vinh quang trong cuộc đời người lính hải quân của anh. Anh ít khi gọi cho con trai nhưng anh vẫn theo dõi Thành từ xa, gửi gắm con mình cho những đồng đội cũ. Và anh tin, dòng máu của người lính hải quân bản lĩnh, kiên cường bám trụ chảy trong huyết quản của anh, sẽ được cậu con trai tiếp tục nối mạch nguồn.