Bài 3: Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mới bảo đảm vị thế cạnh tranh quốc gia
'Đổi mới các chính sách KH-CN và ĐMST phải là quá trình liên tục, bởi vì mọi mặt của cuộc sống cũng thay đổi liên tục. Nếu không liên tục cập nhật, đổi mới, hệ thống cơ chế dễ bị lạc hậu, trở thành yếu tố kìm hãm phát triển KH-CN và ĐMST. Chỉ có phát triển KH-CN và ĐMST mới bảo đảmvị thế cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững'. Đó là chia sẻ của GS.TS. LÊ HUY HÀM, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp với Báo Đại biểu Nhân dân xung quanh hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH-CN).
Đầu tư cho KH-CN còn thấp so với các nước
- Nghiên cứu khoa học là hoạt động có tính chất thử nghiệm, không phải cứ nghiên cứu là sẽ thành công. Nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu KH-CN. Giáo sư có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
- Về tổng thể, hoạt động KH-CN là hoạt động thử nghiệm để tìm ra cái mới, hữu ích cho đời sống sản xuất và xã hội. Nghiên cứu có thể không thành công, hoặc có thể thành công, nhưng điều kiện sản xuất, điều kiện xã hội chưa chấp nhận sản phẩm mới, sự thay đổi mới, hoặc chúng ta chưa đủ trình độ, chưa đủ kinh phí để đưa vào ứng dụng... Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là rủi ro, cần có các cách tiếp cận phù hợp để hạn chế các rủi ro đó.
Ví dụ, chúng ta xuất phát từ thực tế của sản xuất là trình độ, năng lực tiếp nhận các sản phẩm KH-CN để phát triển thành sản phẩm thương mại của các công ty, của người dân còn nhiều cách biệt với thế giới. Khả năng đầu tư cho KH-CN của chúng ta thấp so với các nước. Mặc dù tổng mức đầu tư xã hội cho KH-CN liên tục tăng từ 0,19% GDP năm 2011 lên 0,53% năm 2020, nhưng chưa đạt mục tiêu 2% GDP vào năm 2020. Do đó, cần chọn vấn đề sao cho ít rủi ro nhất dựa trên khả năng chấp nhận của thị trường, khả năng tự chủ công nghệ và khả năng đầu tư của Nhà nước và của xã hội... Tuy nhiên, ngay cả việc tiếp cận thận trọng như vậy, xác suất rủi ro vẫn có, chúng ta cần phải chấp nhận.
Đầu những năm 2000, trên thế giới có nhiều nghiên cứu về vaccine đường miệng (vaccine được đưa vào cơ thể thông qua việc ăn thức ăn thay vì tiêm), dựa trên các thành công trong công nghệ gene ở thực vật. Các nhà khoa học cho rằng đã đến lúc chúng ta có thể “bắt” thực vật làm ra thứ chúng ta cần, trong đó có các vaccine. Vì trong thực vật có đầy đủ bộ máy tổng hợp các loại protein, mà vaccine cũng là các protein. Từ đó, tôi cùng các nhà khoa học Đại học Tổng hợp Bonn (CHLB Đức) xây dựng đề tài đưa gen của virus cúm gia cầm H5N1 vào bèo tấm Việt Nam. Đó là ý tưởng chúng tôi và các nhà khoa học Đức rất tâm đắc. Và chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra bèo tấm mang gene H5N1, chuyển cho đối tác Viện Công nghệ sinh học thử nghiệm trên gà và khẳng định tìm thấy kháng thể sau khi cho gà ăn bèo tấm. Hội Đồng nghiệm thu đã khuyến nghị tiếp tục hướng nghiên cứu này.
Tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng lúc đó là GS.TS. Bùi Chí Bửu đã trao đổi riêng với tôi rằng nếu được cấp dưới 200 tỷ đồng thì không nên nhận làm tiếp. Tôi trả lời ngay rằng nếu được cấp trên 200 tỷ đồng thì cũng không dám nhận vì khi đi vào thực thi mới thấy năng lực KH-CN trong nước còn chưa đủ trình độ đưa những ý tưởng này ra thực tế, khi mà các nước đã đầu tư hàng tỷ USD cũng chưa thành công. Từ đó, tôi chọn hướng nghiên cứu đã thành công ở các nước khác để mình đi theo. Cách này giảm rủi ro rõ rệt.
Hay như một ví dụ khác về chỉnh sửa gene. Năm 2014, các cán bộ Viện Di truyền Nông nghiệp đi công tác, thực tập ở nước ngoài báo cáo là các nghiên cứu hướng này rất sôi động, Viện cần tiếp cận ngay. Chúng tôi đề xuất và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt thực hiện. Đến nay, nhóm nghiên cứu ở Viện Di truyền Nông nghiệp đã chỉnh sửa thành công cùng lúc 2 gene liên quan đến bệnh bạc lá ở lúa. Thử nghiệm cho thấy, dòng lúa tạo ra đã kháng được hầu hết các chủng bạc lá chính ở khu vực miền Bắc. Đó là thông tin rất tốt lành, vì bệnh bạc lá ở lúa hàng năm gây hại hàng trăm tỷ đồng cho sản xuất. Tuy nhiên, vì lúa là loại cây trồng xuất khẩu, phần lớn các nước chưa chấp nhận lúa chuyển gene, nên nghiên cứu mới dừng ở phòng thí nghiệm. Đó là rủi ro.
Đổi mới chính sách phải là quá trình liên tục
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KH-CN và ĐMST đến năm 2030. Cùng với đó, nhiều chính sách đã và đang được xây dựng nhằm từng bước tháo gỡ cơ chế quản lý, tài chính trong khoa học, thưa Giáo sư?
- Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để KH-CN và ĐMST phát triển là việc nhất định phải làm, nếu chúng ta muốn đưa đất nước tiến lên bằng KH-CN và ĐMST. Theo tôi, chỉ có phát triển KH-CN và ĐMST mới bảo đảm vị thế cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững. Nhìn vào tổ chức, hiệu quả của hệ thống KH-CN hiện nay có thể dự đoán được tương lai đất nước ngày mai. Tất cả các nhà khoa học ở các viện, trường, địa phương, các công ty, doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào các đổi mới này.
Thực tiễn sẽ cho chúng ta thấy những đổi mới đã và sẽ xảy ra có đáp ứng kỳ vọng của các nhà khoa học và xã hội nói chung không. Theo tôi, thước đo hiệu quả của các chính sách, quy chế... sẽ thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, có thu hút được người giỏi về và ở lại làm việc, cống hiến cho KH-CN hay không? Đó là điểm đầu tiên và cốt lõi. Thứ hai, giá trị của các sản phẩm mà các hoạt động KH-CN và ĐMST do các viện, trường tạo ra. Thứ ba, tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp cho phát triển nghiên cứu và ứng dụng KH-CN. Hiện nay tỷ lệ này còn thấp, cần phải tìm ra điểm nghẽn để cởi nút thắt.
Đổi mới trong các chính sách KH-CN và ĐMST phải là quá trình liên tục, bởi vì mọi mặt của cuộc sống cũng thay đổi liên tục. Nếu không liên tục cập nhật, đổi mới, hệ thống cơ chế dễ bị lạc hậu, lại trở thành yếu tố kìm hãm phát triển KH-CN và ĐMST. Tôi cho rằng, quá trình đổi mới này bắt đầu từ Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Một mình Bộ Khoa học và Công nghệ không thể thành công được nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
- Để tạo được môi trường nghiên cứu có nhiều thuận lợi, các nhà khoa học có thể “tự do sáng tạo”, tập trung nghiên cứu, theo Giáo sư cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt nào và cần chú trọng những yếu tố nào?
- Trong cơ chế thị trường, không thể chỉ nói đến tinh thần yêu nước, trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm công dân... mà cần có cơ chế đảm bảo tính cạnh tranh về lương của cán bộ trong hệ thống nghiên cứu. Mức lương của cán bộ nghiên cứu phải đủ hấp dẫn để giữ chân họ. Cán bộ nghiên cứu hiện nay không có phụ cấp, trong khi hầu như tất cả các lĩnh vực khác, công an, quân đội, giáo viên, công chức, y tế... đều có phụ cấp. Thực hiện chính sách “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, kinh phí - lương - hàng năm cấp cho các viện nghiên cứu thấp dần!
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!