Bài 3: Thế chế đã 'rộng đường', thực thi quyết đoán để về đích giải ngân
Để hiện thực hóa mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, hàng loạt giải pháp mạnh mẽ, chưa từng có đã được đồng loạt triển khai. Đặc biệt, thể chế đã thực sự được 'mở rộng đường' một cách thực chất. Những rào cản mang tên 'thủ tục' hay 'quy trình' không còn là 'cái cớ' cho sự trì trệ. Điều còn lại chính là ý chí và hành động quyết đoán của các chủ thể thực thi để đưa dòng vốn đầu tư công thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng.

Các quy định pháp luật cản trở quá trình giải ngân đã và đang được rà soát, sửa đổi toàn diện để tháo gỡ những "nút thắt". Ảnh: internet
Hành lang pháp lý đã "thông"...
Chưa khi nào, vấn đề giải ngân đầu tư công lại nhận được chỉ đạo mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 đã không còn là một kỳ vọng – mà trở thành mệnh lệnh hành động, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh như một giải pháp căn cơ để tạo việc làm, thúc đẩy sinh kế, hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng không gian phát triển và kích hoạt các nguồn lực xã hội đang bị “tắc nghẽn”.
Đi cùng với quyết tâm chính trị là hàng loạt giải pháp mạnh chưa từng có được triển khai đồng loạt trong toàn hệ thống chính trị. Không chỉ các bộ, ngành Trung ương, mà bí thư cấp ủy địa phương cũng được yêu cầu trực tiếp “vào cuộc”, nhất là trong những “điểm nóng” về giải phóng mặt bằng, tái định cư và triển khai các dự án lớn.
Bên cạnh chỉ đạo điều hành, thể chế - cái gốc của vấn đề cũng đã thực sự được tháo gỡ. Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng (Bộ Tài chính) cho biết, việc cải cách thể chế về đầu tư công được thực hiện liên tục, nghiêm túc, quyết liệt; các quy định pháp luật cản trở quá trình giải ngân đã và đang được rà soát, sửa đổi toàn diện để tháo gỡ những "nút thắt".
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình sửa đổi đồng bộ nhiều luật trọng yếu liên quan đến đầu tư công như: Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật PPP, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công....
Đến Kỳ họp thứ 9 vừa qua, công cuộc hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ Tài chính đã tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định của các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... Trong đó, đối với đầu tư công tiếp tục được sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền.
Các quy định đã sửa đổi theo hướng tạo cơ chế để các bộ, địa phương chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, như: Phân quyền toàn bộ việc quyết định phân bổ chi tiết vốn; các bộ, địa phương được chủ động phê duyệt chủ trương đầu tư trong trần hạn mức cho phép, phân cấp toàn bộ việc quyết định đầu tư. Cơ chế chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, xử lý dự án đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo cũng được thiết kế linh hoạt, đảm bảo tính chủ động và kịp thời.
Một điểm nhấn quan trọng là việc chuyển toàn bộ công tác quản lý đầu tư công sang mô hình quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin và hậu kiểm, thay vì tiền kiểm như trước đây. Các chế tài xử lý vi phạm cũng được bổ sung, tạo kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng vốn.
Để đảm bảo sự thông suốt trong tổ chức bộ máy, trong tháng 6/2025, Chính phủ đã ban hành 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa các cấp trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là một bước đi quan trọng để không gián đoạn tiến trình giải ngân trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình sửa các luật dựa trên nguyên tắc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời thực tiễn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, bất cập, vướng mắc. Đây được coi là cải cách lớn và đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn mang tính "điểm nghẽn" đối với việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế - Tài chính, ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, việc giải ngân đầu tư công luôn được đại biểu Quốc hội quan tâm trăn trở bởi tiến độ còn chậm khiến "có tiền mà không tiêu được".
Theo Đại biểu này, một trong những nguyên nhân là vướng mắc về thể chế, nhất là đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng... Do đó, với tinh thần nghẽn ở đâu tháo gỡ ở đó, tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 1 luật sửa nhiều luật nhằm "tháo bỏ" những "điểm nghẽn" về thể chế để giúp giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Hữu Hậu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh kỳ vọng, với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều luật và nghị quyết để trực tiếp và gián tiếp tháo gỡ những "ách tắc" trong đầu tư công, nguồn lực đặc biệt quan trọng này sẽ được khai thông, kéo theo sự khai thông cho các nguồn lực khác, tạo sức bật cho sự phát triển của Đất nước.
Có thể nói, thể chế đã được "mở rộng đường" một cách thực chất. Hành lang pháp lý đã thông thoáng, cơ chế đã sẵn sàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết để vốn đầu tư công đến đúng nơi, đúng lúc. Mọi rào cản mang tên "thủ tục" hay "quy trình" giờ đây không còn là "cái cớ" cho sự trì trệ. Giờ đây chỉ còn lại ý chí và hành động cụ thể của các chủ thể thực thi để vốn đầu tư công thực sự trở thành động lực tăng trưởng như kỳ vọng.
... Giờ là ý chí và hành động trong thực thi
Với vai trò là cơ quan đầu mối trong quản lý và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ triển khai một loạt giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhằm đưa dòng vốn này "chảy" vào nền kinh tế một cách kịp thời, hiệu quả.
Không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 còn được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, giải ngân nhanh không đồng nghĩa với buông lỏng chất lượng. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo đồng thời tiến độ, kỹ thuật, mỹ thuật công trình, an toàn lao động, hiệu quả đầu tư và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đội vốn, thất thoát, tham nhũng hay lãng phí nguồn lực công.
Ở cấp địa phương, các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao trọng trách cụ thể: kiểm soát chặt chẽ giá nguyên vật liệu, cập nhật kịp thời chỉ số giá xây dựng, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, trục lợi trong cung ứng vật liệu cho các dự án đầu tư công. Việc giao mỏ vật liệu phải đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và gắn trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức liên quan.
Cùng với đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải chủ động rà soát tiến độ từng dự án, phân loại rõ khả năng giải ngân để kịp thời điều chuyển nội bộ, phân bổ lại vốn cho những dự án có khả năng hấp thụ tốt hơn. Điều này không chỉ giúp giải ngân đạt mục tiêu mà còn bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực công đã được Quốc hội thông qua.
Nút thắt kinh niên giải phóng mặt bằng tiếp tục được xác định là điểm nghẽn cần ưu tiên tháo gỡ. Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan, từ chủ đầu tư, ban quản lý dự án đến chính quyền sở tại. Việc xác định ranh giới, di dời hạ tầng kỹ thuật và bố trí vốn bồi thường cần được thực hiện đồng bộ, kịp thời, không để xảy ra tình trạng “dự án chờ mặt bằng”. Đặc biệt, các dự án quan trọng quốc gia, cao tốc, giao thông huyết mạch phải được ưu tiên về quỹ đất và nguồn lực ngay từ khâu đầu.
Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Chính phủ đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương triển khai và giải ngân vốn đầu tư công tuyệt đối không được gián đoạn. Mọi mắt xích đều phải vận hành trơn tru, liên tục, nhất là với các dự án quy mô lớn, có ý nghĩa lan tỏa trong liên kết vùng và phát triển hạ tầng chiến lược...
Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), để giải ngân hiệu quả, cần chuẩn bị dự án thật tốt ngay từ đầu – từ quy hoạch, pháp lý đến đánh giá năng lực chủ đầu tư. Mỗi khâu cần có người chịu trách nhiệm rõ ràng, quy trình giám sát minh bạch và liên tục. "Nếu làm tốt, đầu tư công sẽ không chỉ là giải pháp ngắn hạn cho tăng trưởng, mà trở thành nền tảng vững chắc cho phát triển dài hạn", ông Huân nhận định.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xử lý kịp thời các vướng mắc về nguyên vật liệu của dự án, có phương án cụ thể để thi công trong mùa mưa... Trên cơ sở đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nước đến hết quý III/2025 đạt khoảng 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Không còn nhiều thời gian để do dự. Giờ là lúc hành động quyết liệt, đồng bộ, thực chất. Từng chủ đầu tư, từng ban quản lý dự án, từng cấp chính quyền phải trực tiếp vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc, bám sát hiện trường, để dòng vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời, hiệu quả và thực sự trở thành động lực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng như Đảng, Chính phủ và Nhân dân kỳ vọng.