Bài 5: Phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát lạm phát
Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2024 là không quá lớn, dự báo chỉ khoảng 3,2-3,5%. Tuy nhiên, nếu lạm phát quá thấp thì không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế mà phải ở một mức hợp lý nào đó để đảm bảo cho tăng trưởng. Đó là lý do Quốc hội đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát 4-4,5% và yêu cầu phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ để đảm bảo thực hiện được mục tiêu này.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những thành công của Việt Nam trong năm 2023 là kiểm soát tốt lạm phát. Đánh giá của ông về vấn đề này thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Bá Minh: Tính đến hết năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,25%. Đây là mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra là 4-4,5%. Nguyên nhân chủ yếu là do tổng cầu nền kinh tế yếu.
Cùng với đó, bối cảnh kinh tế các nước lớn thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, trong khi Việt Nam là nước hội nhập sâu rộng với thương mại quốc tế, nên một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như thủy sản, may mặc, giày da… đều giảm.
Trong nước, tình hình tăng trưởng kinh tế chưa khả quan, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức tăng 5,05% so với năm trước. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để kích cầu tăng trưởng kinh tế, trong đó đặc biệt phải nói đến sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.
Đơn cử ở chính sách tiền tệ, thực hiện nới lỏng, giảm lãi suất liên tục. Có thể nói, chưa bao giờ lãi suất giảm như hiện nay, hay nói cách khác là lãi suất giảm thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng tăng trưởng tín dụng cũng rất thấp. Điều này cho thấy do nền kinh tế tăng trưởng thấp nên không “hấp thụ” được nguồn cung tiền như vậy.
Song song với đó, Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt như giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, 6 tháng cuối năm giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí… nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển. Theo tôi, đây chính là những yếu tố chủ yếu giúp kiểm soát tốt lạm phát năm 2023 đảm bảo mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.
Phóng viên: Theo dự báo, áp lực kiểm soát lạm phát năm2024 không quá lớn nhưng vẫn cần thật cẩn trọng. Xin ông cho biết quan điểm của ông về dự báo tình hình lạm phát và kiểm soát lạm phát năm nay?
PGS.TS. Nguyễn Bá Minh: Áp lực lạm phát của năm 2024 sẽ như thế nào thì phải nhìn nhận từ bối cảnh quốc tế vì nước ta đã hội nhập sâu rộng. Các tổ chức kinh tế dự báo: tăng trưởng của Hoa Kỳ 2024 sẽ thấp hơn 2023; Anh có khả năng suy thoái; Đồng Euro tăng chỉ hơn 1%... Như vậy là tổng cầu thế giới thấp. Thêm vào đó, hiện nay do nền kinh tế của các nước lớn tăng chậm nên giá dầu cũng được các chuyên gia dự báo chỉ khoảng từ 60-65 USD/thùng.
Tôi cho rằng, với bối cảnh quốc tế như vậy, áp lực lạm phát năm 2024 của Việt Nam là không quá lớn, dự báo chỉ khoảng 3,2-3,5%. Tuy nhiên, phải nói rằng, lạm phát quá thấp thì chúng ta không tăng trưởng kinh tế được mà phải ở một mục tiêu, mức nào đó hợp lý để đảm bảo cho tăng trưởng. Đó là lý do Quốc hội đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát 4-4,5%.
Trong năm 2024, cần tiếp tục phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Chúng ta cũng đừng tư duy rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng gây ra lạm phát tiền tệ. Chính sách tiền tệ phải luôn giúp ổn định tỷ giá, đảm bảo cung tiền vừa đủ để nền kinh tế phát triển. Năm nay, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu 15% tăng trưởng tín dụng để khuyến khích phát triển; thêm vào đó, nỗ lực duy trì lãi suất vừa phải để hài hòa lợi ích của ngân hàng nhưng cũng phải khuyến khích phát triển.
Đối với chính sách tài khóa phải lưu ý một số chính sách có hiệu lực năm nay cũng có thể cùng tác động đến việc kích cầu tiêu dùng như: cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 01/07/2024; tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết tháng 6/2024. Bên cạnh đó, một số hàng hóa tăng theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục… thì dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước nhưng cũng không phải quá lớn.
Như vậy, các yếu tố về tổng cầu, giá nguyên nhiên, vật liệu và cung tiền nêu trên khó có khả năng tăng mạnh trong năm 2024. Bên cạnh đó, đối với giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp để giảm áp lực của việc tăng giá đối với sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống xã hội, làm giảm áp lực với lạm phát.
Phóng viên: Ông có khuyến nghị gì đối với công tác điều hành giá mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán?
PGS.TS. Nguyễn Bá Minh: Như chúng ta biết, theo truyền thống, không phải chỉ riêng năm nay mà Tết năm nào thì giá cả cũng tăng. Nhưng tôi cho rằng, mức độ tăng năm nay sẽ không lớn vì cung hàng hóa rất nhiều, giá cả một số mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hiện khá ổn định. Vì thế, áp lực về giá cả một số mặt hàng từ nay đến Tết âm lịch tăng nhưng không nhiều, người dân có thể yên tâm, phấn khởi.
Còn về việc tăng lương vào tháng 7/2024 thì cũng là một trong những yếu tố cần lưu ý trong kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều năm cho thấy, cứ tăng lương là một số mặt hàng tăng theo, do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp để thực hiện chính sách tăng lương để đảm bảo đời sống nhưng không tăng giá hoặc có chăng thì tăng không đáng kể.
Phóng viên: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra trong năm 2024 là 6-6,5% trong khi dự báo còn nhiều khó khăn. Liệu mục tiêu này có khả thi không thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Bá Minh: Tôi nghĩ rằng, với mục tiêu mà Quốc hội quyết định, Chính phủ đã tính toán rất kỹ những giải pháp điều hành để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng này. Đặc biệt như chúng ta thấy, Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo rất quyết liệt để tăng trưởng đầu tư công, tăng trưởng nhiều so với năm trước. Đầu tư công đã là một trong những yếu tố kích thích tăng trưởng.
Thêm nữa là giải pháp liên quan đến bất động sản để tăng trưởng. Riêng bất động sản liên quan đến trên 40 ngành nghề, chiếm 10% GDP của cả nước. Theo nhiều dự báo của các chuyên gia bất động sản, đúng với chu kỳ 3 năm, bất động sản sẽ phục hồi và hiện nay cũng đã có những tín hiệu phục hồi. Do đó, tôi cho rằng đây là một yếu tố nữa để tạo đà tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, về xuất khẩu hàng hóa, chúng ta xuất khẩu các mặt hàng điện tử vừa qua đều đạt trên 10 tỷ USD; một số mặt hàng chủ lực cũng tăng trưởng... Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng năm nay Quốc hội đề ra có thể khả thi.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!