Bài 5: Rõ mối quan hệ giữa HĐND các cấp

Qua tổng kết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), nhiều địa phương kiến nghị việc xem xét sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo hướng phân định cụ thể thẩm quyền của HĐND mỗi cấp, phù hợp đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo so với đặc điểm, điều kiện, nguồn lực và khả năng thực hiện của địa phương; bảo đảm HĐND có thể phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đề nghị quy định rõ mối quan hệ giữa HĐND các cấp...

Phân định rõ thẩm quyền của HĐND mỗi cấp

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực”. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là yêu cầu cấp thiết.

Cụ thể, quy định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Trung ương và mỗi cấp chính quyền địa phương, những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Trung ương theo hướng xác định từ cấp dưới lên cấp trên, việc nào chính quyền địa phương cấp dưới không làm được thì chính quyền địa phương cấp trên, cơ quan trung ương mới làm và phải làm. Theo đó, những việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm thực hiện; các cấp khác chỉ giữ vai trò phối hợp nếu có liên quan, khắc phục triệt để việc can thiệp, chỉ đạo, điều hành không đúng thẩm quyền của cấp trên đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp dưới.

Yêu cầu đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền cấp tỉnh; giữa các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, xác định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương được chủ động thực hiện các biện pháp nhằm khai thác tối đa các nguồn lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người dân. Quy định làm rõ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách, pháp luật trong phạm vi được phân cấp, phân quyền. Khi phân cấp, phân quyền, cần giao đầy đủ quyền hạn và bảo đảm những điều kiện cần thiết cho cấp đó giải quyết. Cơ quan được phân giao thẩm quyền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Hội nghị tổng kết công tác HĐND các cấp thành phố Hải Phòng năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Ảnh: T. Lâm

Hội nghị tổng kết công tác HĐND các cấp thành phố Hải Phòng năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Ảnh: T. Lâm

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã quy định việc phân cấp là cơ sở để HĐND thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhưng chưa cụ thể, mang tính nguyên tắc chung. Hoạt động phân cấp chủ yếu tập trung giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh; chưa quy định rõ ràng, rành mạch phạm vi phân cấp giữa các cấp của chính quyền địa phương. Do đó, một số nội dung do HĐND tỉnh phân cấp thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, Thường trực HĐND tỉnh thường phải tháo gỡ cho cấp được phân cấp, sửa đổi, bổ sung nghị quyết của HĐND tỉnh thì mới thực hiện được trên thực tiễn.

Từ thực tế hoạt động, nhiều địa phương đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Luật tại các điều về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo hướng phân định cụ thể rạch ròi thẩm quyền của HĐND mỗi cấp, phù hợp các loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo so với đặc điểm, điều kiện, nguồn lực và khả năng thực hiện của địa phương; bảo đảm HĐND có thể phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Cụ thể sự phối hợp, hướng dẫn hoạt động

Về mối quan hệ giữa HĐND các cấp, Luật chưa quy định rõ mối quan hệ giữa HĐND các cấp, nhất là trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp trên với Thường trực HĐND cấp dưới trong công tác phối hợp, tổ chức và hướng dẫn hoạt động. Tuy nhiên, trong thực tiễn nảy sinh những vấn đề như: việc định hướng, hướng dẫn hoạt động, phối hợp giám sát việc thực hiện các nghị quyết HĐND đã ban hành, giải quyết các vấn đề vượt quá thẩm quyền của HĐND cấp dưới… rất cần sự phối hợp, tổ chức và hướng dẫn hoạt động Thường trực HĐND cấp trên đối với Thường trực HĐND cấp dưới. Do vậy, cần thiết phải có quy định, hướng dẫn cụ thể về sự phối hợp và hướng dẫn hoạt động Thường trực HĐND cấp trên đối với Thường trực HĐND cấp dưới.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho HĐND các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhiều địa phương kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ban hành Quy chế mẫu về hoạt động của HĐND, trong đó quy định rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND, lãnh đạo các Ban HĐND và lãnh đạo các sở, ngành, phòng, ban, đơn vị thuộc UBND; quy định rành mạch, đầy đủ về trách nhiệm của UBND trước HĐND với tư cách là cơ quan chấp hành của HĐND; quy định phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Thường trực HĐND; quy định rõ mối quan hệ giữa HĐND các cấp...

PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-5-ro-moi-quan-he-giua-hdnd-cac-cap-i376475/