Bài 9: Đi tìm trạm tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên Phủ
Qua câu chuyện của những nhân chứng là dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong từng tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược cho Chiến dịch Điện Biên Phủ theo hướng Sa Pa - Phong Thổ - Lai Châu và những tài liệu thu thập được, chúng tôi cố gắng lần tìm lại tuyến đường huyền thoại cách đây 70 năm để hiểu hơn sự nỗ lực phi thường của các thế hệ trước.
Hoàng hôn yên tĩnh là lúc vạn vật như trút được cái mệt nhọc sau một ngày náo nhiệt nhưng với đoàn quân tiếp vận cho Chiến dịch Điện Biên Phủ thì hoàng hôn là sự bắt đầu của một ngày hoạt động. Những người tham gia dân công hỏa tuyến hầu hết chỉ mười tám, đôi mươi nhưng những bước chân nặng trịch đã thấy được lòng tự tin và quả cảm của họ.
Ông Nông Văn Chính, sinh năm 1931, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu, Mường Khương có 2 tháng đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của ông là gánh 15 kg muối, 7 kg gạo từ kho lương ở Sa Pa tới Trạm Tôn, Tam Đường rồi vòng xuống Than Uyên (tỉnh Lai Châu) để tới huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Đi tới mỗi trạm, ông Chính và những dân công gánh muối, gạo lại được tiếp khẩu phần lương thực ăn dọc đường, đủ để tới trạm nghỉ phía trước.
Anh Tẩn Sành Guyện (con trai cụ bà Lý Tả Mẩy, sinh năm 1930 ở thôn Nậm Cang, xã Nậm Cang, thị xã Sa Pa từng tham gia dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ) cho biết: Trước đây, tôi vẫn nghe mẹ kể lại, để bảo đảm an toàn bí mật, các chuyến tiếp vận thường được bắt đầu từ chiều muộn đến sáng hôm sau. Khu vực từ Sa Pa qua Trạm Tôn sang Phong Thổ (Lai Châu) vốn là địa bàn thực dân Pháp gây phỉ nhằm phá hoại hậu phương của ta, bởi vậy, khi bị ta đánh đuổi, chúng thường gài nhiều mìn rất nguy hiểm. Đoàn vận chuyển lương thực cứ thế cắt rừng vượt núi Trạm Tôn, trời tối đen như mực, sương mù giăng kín, chui luồn dưới tán cây, dây leo chằng chịt, người sau cố bám vào người trước để không bị lạc.
Trên chặng đường, ban ngày hoang vắng không một bóng người, thinh không tĩnh lặng, rừng núi thiêm thiếp thì đêm đến lại vang những bước chân thình thịch nện vào nền đất, đạp lên đá núi băng về phía trước. Giữa mịt mùng đêm tối, ánh sáng cách mạng của Đảng trở thành ngọn đuốc soi đường cho những trái tim hừng hực khí thế yêu nước, tinh thần dũng cảm và ý chí bất khuất, quyết thắng quân thù bất chấp mọi khó khăn, gian khổ.
Hòa vào dòng người ào ào như thác đổ hướng về chiến trường, các đoàn dân công Lào Cai tại các trạm dọc tuyến Sa Pa - Phong Thổ - Lai Châu trong điều kiện sử dụng nhiều phương tiện thô sơ, lại gặp trăm, nghìn khó khăn trở ngại đã tham gia đón và gánh hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho mặt trận, góp phần đảm bảo hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi.
Chúng tôi cố hình dung chặng đường mà đoàn quân tiếp viện cách đây 70 năm từng đi để xác định vị trí đặt các các trạm tiếp vận. Thượng tá Nguyễn Ngọc Bằng, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Sa Pa cho biết: Qua một số tài liệu và ghi chép từ một số nhân chứng thì khu vực ngã ba Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) có một trạm tiếp vận do Trung ương lập, với kho lương thực, trạm dừng nghỉ, tiếp nước… Còn khu vực Sa Pa thì chưa có ghi chép nào cụ thể. Tuy nhiên, nếu tính thời gian hành quân trung bình đường rừng khoảng 4 - 5 cây số mỗi giờ, cộng với thời gian nghỉ thì trạm gần nhất với trạm Bình Lư có thể đặt ở khu vực Trạm Tôn, đỉnh đèo Ô Quý Hồ. Khoảng cách như vậy là vừa đủ bảo đảm sức khỏe cho các lực lượng vận chuyển.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Bằng cũng chia sẻ, trong chiến tranh, để bảo đảm an toàn, bí mật thì các trạm dã chiến có thể được lựa chọn ở một vị trí phù hợp dọc đường hành quân và ngụy trang để đề phòng địch phát hiện, vì thế để tìm lại những điểm này rất khó.
Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa cho biết: Trong kháng chiến chống Pháp, khu vực tam giác Bát Xát - Sa Pa - Phong Thổ là địa bàn chiến lược của khu Tây Bắc. Sau khi để mất địa bàn này, thực dân Pháp thực hiện âm mưu gây phỉ nhằm quấy rối hậu phương, giữ chân bộ đội chủ lực của ta.
Sau ngày giải phóng (4/11/1950), đời sống Nhân dân trên địa bàn Sa Pa còn nhiều khó khăn, trong khi đó, một số phần tử tay sai chưa bị tiêu diệt cấu kết với địch ở Than Uyên, Bình Lư, Phong Thổ, liên tục tung gián điệp, biệt kích thực hiện âm mưu gây phỉ hòng tái chiếm. Lúc này, ban cán sự huyện đề ra chủ trương tập trung chỉ đạo sản xuất, chống đói, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó với những âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.
Để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng trên, từ năm 1951 đến 1954, một trong những nhiệm vụ của lực lượng vũ trang và Nhân dân Sa Pa là ra sức ổn định tình hình, tham gia xây dựng củng cố hậu phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chính quyền, tính mạng tài sản Nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Nhân dân các dân tộc trong huyện tùy vào tình hình thực tế của địa phương để mở rộng dân quân, du kích nhằm tiễu phỉ trừ gian, giữ làng giữ bản, kết hợp quân sự và chính trị. Thắng lợi của cuộc chiến đấu tiễu phỉ ở Sa Pa đã đập tan những cụm phỉ trên đường hành lang Sa Pa - Bát Xát - Phong Thổ, thông đường từ Lào Cai đi Lai Châu, đặc biệt là tuyến vận chuyển chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đi đôi với công tác tiễu phỉ, Nhân dân các dân tộc Sa Pa đã làm tốt nhiệm vụ củng cố hậu phương, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.
Tuyến đường vận tải năm xưa nay là quốc lộ 4D đã được cải tạo, nâng cấp rộng rãi, dọc tuyến đường nhiều khách sạn lớn, các điểm du lịch được đầu tư xây dựng, đời sống của đồng bào các dân tộc Sa Pa ngày càng được nâng lên. Để phát triển Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia hiện đại, vươn tầm quốc tế, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa đến năm 2040 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, ưu tiên và tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch để kết nối với Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, trong đó đã đưa vào khai thác tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa. Đồng thời nâng cấp, hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống giao thông kết nối giữa các địa phương với Sa Pa và kết nối các phân khu du lịch. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa.
Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sa Pa lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu thị xã trở thành địa phương phát triển toàn diện, là khu du lịch trọng điểm quốc gia vươn tầm quốc tế, trung tâm sản xuất dược liệu và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Đảng bộ thị xã cũng xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 lĩnh vực đột phá.
Về nhiệm vụ trọng tâm, đó là phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng tâm, xây dựng Sa Pa thành khu du lịch trọng điểm quốc gia vươn tầm quốc tế; tăng cường quản lý đất đai, quản lý xây dựng và trật tự đô thị; hoàn thiện bộ máy chính quyền đô thị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. 3 lĩnh vực đột phá gồm: Phát triển du lịch; sắp xếp dân cư nông thôn và phát triển đô thị, hạ tầng.
Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã tiếp tục dành sự tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đã đề ra, trong đó tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiệm vụ cụ thể là bám sát các mục tiêu Nghị quyết số 18 ngày 1/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển thị xã Sa Pa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các thông báo, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của Thị ủy Sa Pa.
Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa.
Trình bày: Hoàng Thu