Bài báo khoa học quốc tế: ISI hay Scopus có thực sự đáng tin cậy?
Những tranh cãi liên quan đến bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế vẫn chưa có hồi kết. Làm thế nào để khẳng định được bài báo đó có chất lượng, tạp chí đó uy tín?
Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với PGS Trần Thanh Long, làm việc trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, ngành Khoa học máy tính, trường ĐH Warwick, Vương quốc Anh về những nội dung liên quan đến việc xác định chất lượng một bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế.
ISI hay Scopus chỉ nên như bộ lọc ban đầu
Theo ông, hệ thống các tạp chí khoa học trên thế giới hiện nay đang được xếp loại, phân chia như thế nào?
Có nhiều cách để đánh giá chất lượng tạp chí khoa học. Cách thuận tiện nhất (nhưng cũng khá thiếu tin cậy) là sử dụng một số hệ thống xếp hạng tạp chí được cho điểm theo tiêu chí nhất định.
Những hệ thống xếp hạng nổi tiếng nhất gồm: các bộ cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier và Web of Science (WoS) của Clarivate, thường được biết đến với tên là ISI. Với cách này, nếu một tạp chí được liệt kê vào danh mục Scopus hoặc WoS/ISI tức là đạt ngưỡng tiêu chuẩn chất lượng nào đó và tạp chí có thể được xem là “có chất lượng tốt”.
Bên cạnh Scopus và ISI, còn có những hệ thống xếp hạng tạp chí khác, như SciMago Journal Ranking (Scimagojr). Mỗi ngành khoa học cũng có thể có hệ thống xếp hạng riêng. Ví dụ, ngành Khoa học máy tính có hệ thống CORE (do Hiệp hội nghiên cứu và giáo dục máy tính của nước Úc thực hiện), hoặc CSRankings (được một giảng viên trường đại học Massachusetts Amherst duy trì).
Dù những hệ thống xếp hạng này là công cụ tiện dụng để đánh giá sơ lược về chất lượng các tạp chí, nhưng thực tế chúng không chính xác, hoặc thậm chí không có giá trị trong nhiều trường hợp. Lý do chính là vì những hệ thống này dựa trên những phương pháp đánh giá dùng chung cho mọi tạp chí và nhiều ngành; nhưng không thể có một bộ tiêu chí đủ thang đo phù hợp với mọi tạp chí ở nhiều ngành, vì giữa các ngành và thậm chí giữa các phân ngành khoa học có sự khác nhau rất lớn trong đo lường giá trị.
Do đó, nhiều tổ chức còn sử dụng thêm những cách khác để đánh giá chất lượng của tạp chí khoa học. Một cách làm khá bảo thủ là liệt kê một danh sách các tạp chí được chấp nhận (hoặc danh giá) như Quỹ NAFOSTED đang thực hiện. Vấn đề tồn tại với cách này là bảng danh sách tạp chí thường khá ngắn, nên ít tính mở. Do vậy nếu một tạp chí không được cho vào bảng danh sách như vậy thì cũng không có nghĩa là nó không tốt.
Một giải pháp có tính kỹ thuật và cập nhật theo thời gian tốt hơn, là lập một ủy ban khoa học cho từng phân ngành, gồm những nhà nghiên cứu hàng đầu của lĩnh vực đó, có uy tín, và quan trọng nhất là khách quan. Ủy ban này chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống đánh giá riêng cho lĩnh vực của họ, và họ đánh giá từng tạp chí có liên quan. Ủy ban này cần thực hiện việc đánh giá đó định kỳ (ví dụ vài năm một lần), và cách chọn lựa thành viên của ủy ban cần minh bạch, có trách nhiệm. Hệ thống đánh giá như vậy đã được Vương quốc Anh sử dụng, với chu kỳ đánh giá khoảng 6-7 năm, và cho điểm mỗi bài báo từ 1 đến 4 sao (4 sao là chất lượng cao nhất và có ảnh hưởng lớn trên thế giới, 1 sao là chất lượng rất thấp).
Được biết trong hệ thống Scopus hay ISI cũng có những tạp chí kém chất lượng. Vậy để định danh được tạp chí chất lượng, cần dựa vào những tiêu chí, tiêu chuẩn nào?
Như tôi đề cập ở trên, không có bộ tiêu chí dùng chung cho mọi nơi để đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học. Do vậy, những hệ thống như Scopus hoặc ISI, dù hữu ích trong việc định hướng ban đầu về chất lượng tạp chí, vẫn không nên được dùng như thang đo duy nhất để đánh giá một tạp chí cụ thể. Chúng ta chỉ nên dùng như bộ lọc ban đầu (ví dụ, nếu một tạp chí không được liệt kê trong Scopus/ISI, thì có thể có những nghi ngại nào đó đối với tạp chí ấy).
Vì vậy có thể thấy nếu chỉ dựa vào bảng xếp hạng là không đủ. Tôi cho rằng bước tiếp theo nên điều tra về nội dung của tạp chí, và ban biên tập của nó. Ví dụ, nếu ban biên tập gồm rất nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu của ngành, và/hoặc có nhiều nhà nghiên cứu giỏi đăng bài ở đó, thì nhiều khả năng là tạp chí đó có chất lượng tốt.
Một giải pháp khác là khảo sát ý kiến của những đồng nghiệp trong hoặc ngoài nước. Mỗi cộng đồng thường có quan điểm riêng về những gì làm nên một tạp chí chất lượng tốt như những tạp chí hàng đầu ở ngành của họ; những tạp chí thường muốn gửi bài, và tạp chí nên tránh. Đây là việc mà các tổ chức như NAFOSTED hoặc các hội đồng xét chức danh giáo sư có thể làm. Cách làm này có thể được thực hiện cả ở cấp độ bộ môn/khoa, để phục vụ việc tuyển dụng/thăng cấp những nhà nghiên cứu.
Nhưng làm thế nào để thu thập thông tin có tính cập nhật và không thiên lệch? Các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán) đã hội nhập nhiều vào cộng đồng khoa học quốc tế, vậy nên thuận tiện để liên hệ và lấy nhận xét không thiên lệch từ những đồng nghiệp ở nước ngoài. Một số phân ngành trong khoa học xã hội và nhân văn có thể chưa có được điều kiện này. Một giải pháp khả thi cho phân ngành này là đề nghị những nhà nghiên cứu ở lĩnh vực đó gửi các đề xuất tạp chí muốn gửi bài nhất, cùng với lý giải ngắn gọn cho đề xuất đó. Các đề xuất cùng lời lý giải sau đó được tập hợp lại và chuyển cho một ủy ban độc lập gồm các đồng nghiệp quốc tế. Họ sẽ dựa vào những lý giải đó để lập danh mục đề xuất sau cùng. Việc này cần được thực hiện vài năm một lần, để đảm bảo tính cập nhật cho danh sách đề xuất.
Hội đồng GS ngành có trách nhiệm lớn nhất
Qua tìm hiểu, thực tế, có nhiều giảng viên hay nhà khoa học đang công tác tại Việt Nam chưa có kinh nghiệm lựa chọn tạp chí có chất lượng để đăng bài. Vậy họ nên có những bước xác định như thế nào để không bị “vạ lây” do sự kém hiểu biết này?
Ở nhiều nước, một nhà nghiên cứu được rèn luyện cách đánh giá chất lượng tạp chí khoa học khá tự nhiên, đó là một phần của quá trình đào tạo tiến sĩ (PhD). Hầu hết thông tin, ví dụ tạp chí nào là hàng đầu hoặc tạp chí nào là chất lượng cao, thường đến với họ qua gợi ý của thầy hướng dẫn, phản hồi của đồng nghiệp, hoặc làm khảo sát về chuyên đề. Ở đây xin lưu ý là tôi không nghĩ có ai đó sẽ có bảng xếp hạng đầy đủ các tạp chí, nhưng họ sẽ dần dần xây dựng danh sách những nơi ưa thích mà họ và các đồng nghiệp (quốc tế) xem là tốt.
Điều này ngầm hiểu là thầy hướng dẫn của nghiên cứu sinh đã có sẵn hiểu biết (tức là họ đã có hệ thống đánh giá tốt của mình), hoặc nhà nghiên cứu hoạt động tích cực trong một số cộng đồng quốc tế (và do vậy lấy được ý kiến của những đồng nghiệp). Nếu không đạt được điều này, thì nên có sự đào tạo chính thức ở một mức độ nào đó. Những khóa đào tạo này có thể diễn ra ở cấp độ trường đại học hoặc bộ môn, có thể do các tổ chức chuyên nghiệp như viện hàn lâm hoặc chính phủ thực hiện. Với cách nào thì mục đích chủ yếu cũng là cung cấp sự đào tạo đúng đắn cho những người bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu, và đó cần là một phần không thể thiếu của quá trình đào tạo khoa học (bên cạnh những huấn luyện về đạo đức nghiên cứu).
Đối với công tác xét công nhận Giáo sư, Phó giáo sư tại Việt Nam hiện nay, theo ông, Hội đồng Giáo sư Nhà nước hay Hội đồng Giáo sư ngành có trách nhiệm chỉ rõ cho ứng viên thấy tạp chí nào của ngành là chất lượng, tạp chí nào kém chất lượng?
Tôi nghĩ các hội đồng ngành có trách nhiệm lớn nhất trong việc đánh giá chất lượng các xuất bản của ứng viên. Một việc cụ thể là cần có hiểu biết cập nhật về những tạp chí tốt/chấp nhận được trong lĩnh vực của họ. Như đã đề cập ở trên, một cách làm có thể hợp lý là lấy ý kiến định kỳ những đồng nghiệp quốc tế để đánh giá các tạp chí khác nhau trong từng cộng đồng (ngành) nghiên cứu.
Nhưng tôi thấy các hội đồng còn có nhiều trách nhiệm hơn. Cụ thể hơn, họ phải có khả năng đánh giá không chỉ chất lượng tạp chí, mà còn là nội dung của từng bài báo cụ thể. Nhiều người có thể thấy yêu cầu này khá khắt khe (hoặc có thể không khả thi, do có sự khác nhau lớn giữa những chuyên ngành dù gần nhau), nhưng tôi cho rằng việc đánh giá chất lượng của một ấn phẩm khoa học ở trình độ cao thật ra lại không khó lắm.
Cụ thể, tôi đề nghị mỗi ứng viên viết một đoạn ngắn (có giới hạn số từ) để trình bày tính mới, mức quan trọng, độ ảnh hưởng của ấn phẩm đó. Hội đồng sẽ dựa trên trình bày đó để đánh giá chất lượng cụ thể. Một ưu điểm của hệ thống này là nó có thể cho phép những trường hợp đặc biệt, ví dụ có bài báo đăng ở tạp chí ít tiếng tăm nhưng có ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành/ứng dụng thực tế thì được coi trọng hơn bài đăng ở tạp chí có danh tiếng nhưng chẳng ai đọc.
Nhưng để làm được như thế, hội đồng cần phải có hiểu biết và không thiên lệch. Giữa hai tiêu chí này, tiêu chí thứ hai tôi tin là quan trọng hơn. Một cách để đạt điều này là mời những người phản biện quốc tế tham gia vào hội đồng. Khi việc đánh giá chất lượng bài báo là dựa trên đoạn văn ngắn mà tác giả trình bày, thì những rào cản như ngôn ngữ (nếu bài báo đó không được viết bằng tiếng Anh), hoặc sự ảnh hưởng có tính địa phương (như ở ngành khoa học xã hội và nhân văn), có lẽ không còn là vấn đề lớn.