Bãi bỏ nhiều thủ tục, phân cấp mạnh trong hoạt động đầu tư

Chính phủ đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục, quy trình liên quan đến hoạt động đầu tư, đấu thầu tại các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Đầu tư… Đồng thời, phân cấp mạnh mẽ hơn cho bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong các hoạt động này.

Sáng 17/5, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp tự chủ được tự quyết định chọn nhà thầu

Theo tờ trình của Chính phủ, nhiều thủ tục, quy trình liên quan đến hoạt động đầu tư, đấu thầu đã được cắt giảm tại các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Đầu tư… Đồng thời, phân cấp mạnh mẽ hơn cho bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong các hoạt động này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình tại Quốc hội sáng 17/5.

Theo đó, tại Luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất cắt giảm, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian trong đấu thầu theo hướng bãi bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; lược bỏ một số thủ tục, thao tác đấu thầu qua mạng và một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm rút ngắn thời gian, cắt giảm thủ tục trong đấu thầu; bãi bỏ vai trò bên mời thầu và chuyển giao một số nhiệm vụ của bên mời thầu cho tổ chuyên gia, chủ đầu tư nhằm tinh gọn, xóa bỏ cấp trung gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, không áp dụng bảo đảm cạnh tranh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp có cùng cơ quan quản lý.

Về hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Luật này sửa đổi quy định về phạm vi áp dụng theo hướng doanh nghiệp nhà nước (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) và đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 không sử dụng ngân sách nhà nước thì được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu.

Tại Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, nội dung, trình tự, thủ tục thẩm định chủ trương dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thủ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đồng thời, phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư đối với 7 nhóm dự án như: Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;

Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay, đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên; Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không;

Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển đặc biệt, cảng biển loại I; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 2 UBND cấp tỉnh trở lên….

Dự án tăng vốn không cần điều chỉnh chủ trương đầu tư

Ở Luật Đầu tư công, dự thảo quy định trường hợp chương trình, dự án tăng tổng mức đầu tư từ các nguồn vốn hợp pháp khác hoặc tăng vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, không cần điều chỉnh chủ trương đầu tư (quy định hiện tại là phải điều chỉnh).

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 17/5.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 17/5.

Để đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án, dự thảo sửa đổi theo hướng cho phép thành lập hội đồng thẩm định đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư chương trình, dự án, để thực hiện ngay một số thủ tục cần thiết (như thuê tư vấn).

Thủ tướng Chính phủ có thể giao Bộ, cơ quan ngang bộ thành lập hội đồng thẩm định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, ngành, lĩnh vực của chương trình, dự án. Dự thảo cũng bỏ nội dung về phương án lựa chọn công nghệ chính trong thẩm định chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

Chính phủ đề xuất phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan, địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Chính phủ; phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch hằng năm vốn ngân sách địa phương giữa các đơn vị sử dụng ngân sách từ HĐND các cấp cho UBND các cấp.

Trong lĩnh vực quản lý tài sản công, Chính phủ đề xuất bãi bỏ quy định về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Đồng thời, phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án của Thủ tướng Chính phủ cho các bộ, cơ quan trung ương. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được giao chi tiết kế hoạch vốn trung hạn nguồn NSTW cho từng dự án cụ thể; tự điều chỉnh kế hoạch trung hạn vốn NSTW của mình trong phạm vi mục tiêu, tổng số vốn NSTW và danh mục dự án được giao; tự quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch hằng năm vốn NSTW của mình

Ở Luật PPP, những nội dung được đề xuất lược bỏ nhằm cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính gồm: không bắt buộc thành lập Hội đồng thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ, HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh, thay vào đó giao một cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức thẩm định. Dự thảo không bắt buộc thành lập doanh nghiệp dự án PPP đối với một số nhóm dự án như dự án có doanh nghiệp nhà nước tham gia, dự án BT, dự án nhóm C).

Đồng thời, lược bỏ một số nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo thẩm định dự án PPP; giản lược quy trình thực hiện dự án PPP theo từng nhóm dự án; quy định quy trình riêng đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ; lược bỏ các tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm để đơn giản hóa nội dung hồ sơ mời thầu, rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-bo-nhieu-thu-tuc-phan-cap-manh-trong-hoat-dong-dau-tu-176637.html