Bài ca trong gió

Khi những cánh hoa phượng nhẹ nhàng rơi rơi, trả lại màu xanh cho cành lá là mùa thu đến. Mùa thu của những ngày cách mạng tháng Tám, của ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Và mùa thu của lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Đã thành thông lệ, hàng năm, vào giữa những ngày tháng bảy, Câu lạc bộ cựu chiến binh-Cựu học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) tổ chức lễ kỉ niệm ngày Thương binh -Liệt sỹ, trong đó có những liệt sỹ trường Lê. Ngày 25/7/2023, trong tiếng nhạc trầm buồn, 141 khuôn mặt của những liệt sỹ trường Lê lần lượt hiện lên trên màn hình. Bao nhiêu khuôn mặt là bấy nhiêu câu chuyện xúc động về những con người bình dị mà giỏi giang, để lại sau lưng những bài học dang dở, những giấy báo nhập trường Đại học, gác lại ước mơ về một giảng đường. Lặng lẽ nhìn từng khuôn mặt học trò, thày giáo Nguyễn Văn Xuyên- nguyên Hiệu trưởng trường chuyên Lê Hồng Phong, Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định chợt thấy còn thiếu cậu học trò Hàn bé nhỏ, thân thương ở lớp thày làm chủ nhiệm ngày trường Lê sơ tán về huyện Lý Nhân, đã xung phong lên đường khi chưa đầy 18 tuổi. Và từ đây, câu chuyện tri ân liệt sỹ trường Lê lại tiếp tục bắt đầu.

Trò chuyện với thày, Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Đào Trọng Hùng được biết, người liệt sỹ quê Lý Nhân ấy tên là Nguyễn Văn Hàn ở ngay làng Chanh, xã Nhân Mỹ, quê anh. Và cũng như một sự tình cờ, anh Tiến- lớp trưởng lớp C khóa 1968/1971, cho biết lớp anh có một liệt sỹ là Trần Duy Lộc, cũng ở xã Nhân Mỹ. Sau khi trao đổi với Ban liên lạc, vị thiếu tướng nặng lòng với quê hương, đồng đội ấy đã về quê hương, đến nghĩa trang, xác định phần mộ của hai liệt sỹ. Sau đó, để giúp Ban liên lạc những việc phải làm khi đi kiếm tìm thông tin liệt sỹ, anh đã đến Ủy ban nhân dân xã Nhân Mỹ, gặp cán bộ phụ trách bộ phận Thương binh- xã hội. Có được mọi thông tin, hẹn ngày về, anh đưa Ban liên lạc đến thăm từng gia đình liệt sỹ. Để thêm một lần nữa, Ban liên lạc Câu lạc bộ CHS – CCB Trường Lê Hồng Phong lại lên đường, tìm đến với các thân nhân liệt sỹ trường Lê, đưa các anh về với mái nhà chung Lê Hồng Phong. Và con số 141 liệt sỹ trường Lê hôm nay lại có thêm hai liệt sỹ nữa về cùng.

Căn nhà của liệt sỹ Trần Duy Lộc, (sinh ngày 27/11/1952. Lớp 8C khóa 1968 -1971. Xóm 2 Cao Đà, Nhân Mỹ, Lý Nhân, Hà Nam) nằm cạnh quốc lộ 38B. Ngày ấy, anh đâu ngờ rằng sau thời gian huấn luyện, anh lại hành quân vào Nam chiến đấu ngay trên con đường này. Đêm về khuya. Xóm làng chìm sâu trong giấc ngủ. Chỉ có những bước chân lặng lẽ đang tiến về phía trước, nơi chiến trường đang vẫy gọi. Ngõ nhỏ nhà mình đây rồi. Đôi chân anh muốn bật lên, chạy ra khỏi hàng quân, ào vào căn nhà bé nhỏ. Để được dù một phút, một giây thôi, ôm lấy đôi vai gày của bố, ôm chặt mẹ trong vòng tay mạnh mẽ, xoa đầu mấy đứa em nhỏ, được hít căng lồng ngực hương vị của đêm, của cỏ cây hoa trái, lặng nhìn căn nhà bé nhỏ, nơi in đậm bao kỉ niệm thân thương. Nhưng anh không thể. Vì kỉ luật quân đội. Gần gũi trong tấc gang mà sao xa xôi cách trở nghìn trùng. Và anh cũng đâu ngờ rằng lần chia xa này là mãi mãi. Bởi chiến tranh. Bởi chiến tranh không thể nói được điều gì. (Những điều này, gia đình chỉ biết được trong lá thư anh gửi về cho gia đình, trước khi anh hy sinh 15 ngày. Tiếc rằng cho đến bây giờ, gia đình không giữ được lá thư nào của anh).

Gần 60 năm trôi qua, người em gái vẫn rưng rưng khi kể những kỉ niệm về người anh hiền lành, giỏi giang, nhân hậu. Không biết bao nhiêu lần đi học về, thấy em gái ngồi thái khoai, anh xà xuống bên cạnh: “Lui ra, để anh làm cho.” Hoặc: “Ra ngoài kia, để anh nấu cơm cho”. Còn với Đào Trọng Hùng, người bạn học thân thương cùng khóa, những bát cơm độn dong, độn khoai mỗi lần anh ghé qua nhà, đều được mẹ của Lộc ấn vào tay sao vẫn ngọt đậm trong vị Thiếu tướng dạn dày trận mạc đến tận bây giờ.

Năm học cuối cùng kết thúc. Ngày 22/8/1971, anh Trần Duy Lộc nhận cùng với giấy báo nhập trường Đại học Mỏ-Địa chất là giấy gọi nhập ngũ. Người anh trai Trần Duy Thu (Khóa 1965/1968 - Lê Hồng Phong) đang học Đại học sư phạm, nghe tin, vội vã về. Hai anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi: “Em ở nhà, đi học Đại học. Anh sẽ đi bộ đội thay em” “Không được. Lên đường đánh Mỹ là việc của em. Anh cứ ở nhà học tiếp rồi thay em chăm sóc bố mẹ và các em.” Một sự tranh giành thấm đẫm tình yêu thương. Một sự tranh giành ứ đọng những dòng nước mắt của những người được chứng kiến. Giờ chia ly đã đến. Ngày tiễn anh lên đường, còn có cả những người bạn đồng học như anh Lê Thanh Tùng, anh Trần Xuân Nhuần, anh Dương, cùng nhập ngũ một đợt và các bạn tiễn đưa là anh Hùng, anh Hiếu, chúc cho anh chân cứng đá mềm.

Vào chiến trường Quảng Trị, Trần Duy Lộc và Lê Thanh Tùng lại được ở cùng tiểu đội thuộc đại đội 2 tiểu đoàn 17 công binh sư 304 (tiểu đoàn trực thuộc sư). Đôi bạn thân thiết cùng gắn bó những năm đèn sách, giờ đây lại cùng nhau chia lửa nơi chiến trường. Khoảng 5 giờ chiều ngày 22-6-1972 , đơn vị của Trần Duy Lộc và Lê Thanh Tùng di chuyển từ cao điểm 105 đến cao điểm 367 để chuẩn bị đánh địch ở cao điểm này. Vì ở cùng đơn vị, nên trên đường hành quân, Trần Duy Lộc bất ngờ gặp Trần Xuân Nhuần. Hai người bạn cùng quê hương, cùng lớp ôm chặt lấy nhau trong niềm vui vỡ òa. Chỉ kịp hỏi han nhau mấy điều, Trần Duy Lộc lưu luyến chia tay trong lời ước hẹn chiến thắng trở về rồi mải miết chạy theo đơn vị. Khoảng 20 phút sau, máy bay giặc ập tới. Những quả bom chùi chũi lao xuống. Tiếng bom nổ xé trời. Tất cả nhào vào hầm trú ẩn. Rồi một điều bất ngờ xảy ra. Chỉ một giây chậm trễ, Trần Duy Lộc vừa tụt được một cái chân xuống thì bị mảnh bom to bằng con dao phạt vào ngực. Nằm trên miệng cửa hầm, ánh mắt sáng ngời của tuổi 18 thu vào tầm mắt những khốc liệt của chiến tranh rồi vĩnh viễn khép lại. Chứng kiến sự hy sinh của Trần Duy Lộc, trái tim Lê Thanh Tùng như bị bóp nghẹt. Đất trời yên ắng. Với từng động tác cẩn trọng, anh đưa người bạn thân thương của mình vào lòng đất mẹ. Xong xuôi, anh kiếm tìm hòn đá, tỉ mẩn khắc tên Trần Duy Lộc đặt lên mộ mà lòng ứ nghẹn.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt. Cả nhà bồn chồn ngóng tin anh. Mỗi ngày trôi qua là một ngày phấp phỏng đợi chờ. Lòng mẹ càng trĩu nặng hơn khi thấy tờ giấy báo tử đến với từng gia đình thay cho sự trở về của những đứa con, làm xao động cả xóm nhỏ bình yên đã bao đời. Rồi linh cảm người mẹ đã mách bảo rằng người con trai yêu thương đã hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước. Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Tin tức về anh cứ ngày một mịt mù xa. Một hôm, mẹ lẳng lặng đến gặp cán bộ xã. Nghe mẹ nói, người cán bộ sững sờ. Có ở đâu? Có người mẹ Việt Nam nào như người mẹ này không khi đề nghị báo tử con mình. Để không còn những đêm dài chờ mong tiếng gọi cửa, những chiều buồn bên hè, ngóng ra ngõ, đợi một dáng hình thân thương trong bộ quân phục màu xanh của lá. Để nỗi đau lặn dần vào trong. Để sống tiếp. (Mãi sau này khi trở về quê, vì những di chứng của chiến tranh, lúc nhớ, lúc quên, Lê Thanh Tùng mới cho gia đình Trần Duy Lộc biết. Nhưng do bố mẹ già yếu, hoàn cảnh gia đình các anh chị em đều khó khăn nên việc đi tìm hài cốt của anh vẫn còn bỏ ngỏ.)

Rời gia đình liệt sỹ Trần Duy Lộc, chúng tôi đến gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Hàn (sinh năm 1949 -Lớp C-Khóa 1966/1969, nhập ngũ tháng 3/1967, đơn vị B4,KB H3, hy sinh ngày 8/7/1969), cùng quê với liệt sỹ Trần Duy Lộc. Đón tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Hữu Nam, em trai của liệt sỹ Hàn. Sau khi học hết cấp 2 ở trường Nam Lý(Lý Nhân, Hà Nam), anh vào học ở lớp chuyên toán, trường Lê Hồng Phong. Một thế giới mới như mở ra trước mắt Nguyễn Văn Hàn dù suốt ngày chân đất đầu trần với cùng các anh chị em giúp đỡ mẹ bao công việc của nhà nông, để bố yên tâm công tác ở Ban tuyên huấn tỉnh Nam Hà(cũ). Tháng 6/1967, chuẩn bị vào học lớp 9 trước khí thế cả nước sôi sục lên đường đánh giặc, người học trò giỏi giang của lớp chuyên toán viết đơn tình nguyện đi bộ đội, vào binh chủng tăng thiết giáp. Thày giáo chủ nhiệm Nguyễn Văn Xuyên đến tận nhà, xúc động nghẹn ngào, nắm chặt tay cậu học trò bé nhỏ, hiền lành, chịu thương chịu khó, chúc cho cậu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng danh học sinh trường Lê Hồng Phong, xứng danh bộ đội Cụ Hồ.

Những ngày tháng huấn luyện ở Hòa Bình nhanh chóng kết thúc. Niềm vui trào dâng trong lòng người lính trẻ khi nhận được tin được nghỉ phép hai ngày. Còn niềm vui nào lớn hơn khi thực sự bước vào cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ lại được về với quê hương, gia đình, bạn bè, được gặp lại nàng thôn nữ xinh đẹp Trần Thị Thơm cùng ở làng Chanh. Để hành trang ra trận của anh là những kỉ niệm ngọt ngào, là tình yêu thương, lời hẹn ước ngày chiến thắng trở về.

Theo từng bước hành quân cùng đơn vị B4 KB H3 ở binh chủng tăng thiết giáp, anh đóng quân ở Long An. Với những thành tích xuất sắc, anh được kết nạp Đảng ngoài mặt trận. Ngày 8/7/1969, trong một trận chiến đấu, anh bị thương nặng. Không còn đủ sức ôm cây súng trên tay, từng nét chữ đỏ tươi từ dòng máu của trái tim anh hiện lên trên báng súng: “Rất tiếc, tôi không thể tiếp tục chiến đấu cùng các đồng chí được.” Và sau này, khẩu súng đó được đơn vị lưu giữ. Câu chuyện này được một đồng đội tên là Bích cùng tham gia trận đánh, sau này kể lại cho gia đình.

Rồi một ngày, tờ giấy báo tử mỏng manh mà trĩu nặng bay về với gia đình. Dẫu biết rằng trong chiến tranh, mọi điều đều có thể xảy ra, dù người cháu rể đã mang toàn bộ hồ sơ, giấy tờ ,đến gặp lãnh đạo đơn vị cũ cùng các cơ quan chức năng Thương binh - Xã hội tỉnh Long An … nhờ tìm giúp nhưng vẫn không thể biết anh đang nằm nơi nào trên mảnh đất Long An xa xôi. Khi ra đi, anh mang theo bóng hình người con gái anh yêu thì nơi quê nhà, người thôn nữ ấy không nghĩ đến hạnh phúc riêng cho mình trong suốt hơn 50 năm, làm tròn trách nhiệm của người con thay anh, Nghe kể về chị, tôi thoáng ngậm ngùi. Chị đã chờ anh. Chờ đến hóa đá dù biết anh sẽ không bao giờ trở về. Nếu xưa, nàng Tô Thị “Xa chồng nhưng đã có con bế bồng.”(Nguyễn Đức Mậu), có đôi chút niềm vui, sự an ủi, nhưng còn chị? Chị có gì trong nỗi chờ đợi vô vọng cả một kiếp người? Và trên đất nước Việt Nam này, có biết bao người mẹ, người vợ, người yêu đã hóa…Vọng phu? Để cách đây 3 năm, nàng “Tô Thị” của làng Chanh đã thanh thản về với anh trong cõi vĩnh hằng.
Trong dịp tháng 9 vừa qua, đoàn cựu học sinh lớp A khóa 68-71 trường Lê Hồng Phong đã trở về Lý Nhân thăm lại và kỷ niệm 55 năm ngày tựu trường tại nơi sơ tán. Đoàn đã cử đại diện đến nghĩa trang liệt sỹ xã Nhân Mỹ đặt vòng hoa, thắp hương kính viếng hương hồn các liệt sỹ và hai liệt sỹ Trần Duy Lộc, Nguyễn Văn Hàn. Đứng lặng trước hàng hàng bia mộ, bao cảm xúc ùa về, chị Nguyễn Thị Long- một thành viên trong đoàn đã viết bài thơ Ghi nhớ mãi. Lời thơ ngọt ngào, da diết như nhắc gọi các anh về : “ Năm sáu chín (1969) Nguyễn Văn Hàn anh hỡi / Quảng Trị còn Trần Duy Lộc bạn ơi /Hãy về nhé cùng chúng tôi hát mãi / Bài Đội ca chung nhịp bước dưới cờ “ .

Ánh nắng vàng tươi rực rỡ của ngày đầu đông thắp sáng trên ngôi mộ gió của hai liệt sỹ Trần Duy Lộc, Nguyễn Văn Hàn. Nghe như trong tiếng gió, trong hương thơm lan tỏa của hai cây ngọc lan mà Tướng Đào Trọng Hùng mang về trồng hai bên nghĩa trang giờ đây tỏa bóng xum xuê, bài ca về lòng tri ân của những người còn sống. Bài ca về những người con quê hương Nhân Mỹ anh hùng, những cựu học sinh ưu tú của trường chuyên Lê Hồng Phong đã hiến dâng đời mình cho dân tộc. Bài ca về những con người bất tử cho Tổ quốc quyết sinh.

P.H.L

Tái tim người lính

Phạm Hồng Loan

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-ca-trong-gio-a21742.html