Bài ca về quê hương người vẽ cờ Tổ quốc
Tôi tiếp xúc với bài thơ 'Về Hà Nam' của Thi - nhạc sĩ Tào Khánh Hưng, trước khi nghe bài hát (cùng tên) do chính tác giả, rồi ca sĩ Hoài Phương trình bày. Bài thơ đã 'đo ván' tôi bởi những hình ảnh thơ bình dị, khác biệt của một quê hương cũng 'bình dị' và 'khác biệt'.
Ta hãy đọc đoạn thơ sau, để cảm thấu điều "đặc biệt" của miền quê Hà Nam: "Anh có về Lũng Xuyên quê em/ Nhớ ngọn cờ thời Nam Kỳ khởi nghĩa/ Thành phố, miền quê cờ bay phấp phới/ Phủ Lý yêu thương, Lam Hạ Anh hùng".
Tác giả Tào Khánh Hưng nhắc đến câu chuyện về người vẽ cờ Tổ quốc của Nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, được sử sách ghi lại thật chói lọi: "Ông sinh ngày 05/3/1901 tại xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên (nay là phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên), tỉnh Hà Nam. Năm 1927, ông tham gia tổ chức "Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội". Năm 1931, ông bị bắt và bị đày ra nhà tù Côn Đảo biệt giam. Năm 1935, ông cùng một số tù chính trị khác là Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Vũ Công Phụ vượt ngục, trở về đất liền, hoạt động cách mạng tại Nam bộ; sau đó được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, in ấn tài liệu cách mạng.
Chính trong thời gian này, ông được Xứ ủy Nam Kỳ trao nhiệm vụ vẽ cờ hiệu để sử dụng trong các cuộc đấu tranh. Ông đã vẽ lá cờ có nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh, thể hiện ý tưởng “máu đỏ, da vàng”, tượng trưng cho dân tộc và sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm “sỹ - nông - công - thương - binh” trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Mẫu cờ đã được Xứ ủy Nam Kỳ nhất trí sử dụng và đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940.
Tuy nhiên, ông không kịp nhìn thấy lá cờ của mình tung bay. Ngày 30/7/1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam (cùng với Nguyễn Thị Minh Khai). Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu và bị khủng bố tàn bạo. Thực dân Pháp đưa ông và nhiều yếu nhân của Đảng Cộng sản Đông Dương như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu... ra pháp trường xử bắn ngày 28/8/1941.
Sau đó lá cờ của Nguyễn Hữu Tiến đã lan rộng ra trong các cuộc đấu tranh, trở thành cờ hiệu của phong trào Việt Minh. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào (16/8/1945) chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Quốc dân đại hội đã nhất trí chọn lá cờ của Nguyễn Hữu Tiến làm Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Bài thơ, bài hát đưa độc giả, thính giả về với Lễ hội Tịch điền xưa, thời vua Lê Đại Hành. Trên thế gian, hình tượng vua chúa trong văn học - nghệ thuật thường gắn liền với gươm thiêng, áo mão đính đầy vàng bạc, ngọc quý, dũng tướng vô song, phi ngựa chiến bờm tung trước gió... Chỉ duy nhất miền quê nằm bên mạn bờ Bắc sông Đáy, vào thế kỷ thứ X có vị vua cầm cày đi theo con trâu cày ruộng như bao người nông dân. "Đại Việt sử ký toàn" thư của sử thần Ngô Sĩ Liên thời nhà Lê, đã thuật lại tỉ mỉ câu chuyện có thật này như sau: "Mùa xuân năm Đinh Hợi - 987, vua Lê Đại Hành lần đầu cày ruộng tịch điền ở dưới chân núi Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đấy đặt tên là “ruộng Kim Ngân” (Kim Ngân điền). Sau này, nghi lễ “cày ruộng tịch điền” được tiếp tục và trở thành một truyền thống kéo dài đến thời nhà Trần". Một đoạn khác, cũng tại "Đại Việt Sử ký toàn thư", chép: "Vào đầu xuân năm 987, vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền, cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt sản xuất. Đó là lễ tịch điền đầu tiên ở Việt Nam, được sử sách ghi nhận lại".
Sự kiện lịch sử độc đáo này, trở thành thi liệu, ca từ cùng thanh âm trong tác phẩm thơ và nhạc của Tào Khánh Hưng: "Mời anh về Hà Nam quê em/ Lễ hội Tịch điền giữa trời xuân trong mát", "Mời anh về núi Đọi - sông Châu/ Giữa trời xuân hội cày, hội cấy"...
Trở lại những câu thơ đầu tiên của bài thơ, cũng là những câu hát mở đầu để rồi trở đi trở lại thành điệp khúc trong bài hát "Về Hà Nam": "Anh có về Hà Nam quê em/ Vùng đất đồng chiêm tình người ấm áp/ Cầu Hồng Phú nối đôi bờ xanh ngát/ Phủ Lý yêu thương đất mẹ Anh hùng".
Tôi thán phục tác giả đã rất tinh khi đưa mấy địa danh vào trong các câu thơ, khiến nơi vốn bình lặng ấy lập tức trở thành các mỹ từ hấp dẫn, lay động trái tim người đọc, người nghe: "Hà Nam", "Hồng Phú", "Phủ Lý". Hiệu ứng này có được do liền sau các địa danh là những cụm từ hàm chứa bao điều tươi đẹp vốn đang hiện hữu đủ đầy trên quê hương Hà Nam; nó được mang chức phận như các tính từ trong câu văn: "Đất đồng chiêm tình người ấm áp", "đôi bờ xanh ngát", "yêu thương đất mẹ anh hùng"...
Bài thơ, rồi cả bài hát (hình thành sau), trước hết là một khúc ngâm, khúc ca trữ tình, lãng mạn. Ta bắt gặp những hình tượng thơ, nhạc mượt mà như: "Vùng đất đồng chiêm tình người ấm áp/ Cầu Hồng Phú nối đôi bờ xanh ngát/ Phủ Lý yêu thương đất mẹ Anh hùng", "Mời anh về Hà Nam quê em/ Lễ hội Tịch điền giữa trời xuân trong mát/ Kìa Tam Chúc mờ sương cao ngọn tháp/ Nô nức khách thập phương đi lễ hội xuân hồng", "Mời anh về núi Đọi - sông Châu/ Giữa trời xuân hội cày, hội cấy/ Chùa Tiên linh thiêng ấm tình làng xóm/ Du khách gần xa xin cầu lộc phúc, cầu tài", "Hà Nam quê em thương người mến khách/ Tình đằm thắm nét chân thành mộc mạc/ Ngày xuân sang nghe câu dân ca ai hát/ Lý giao duyên điệu mời nước, mời trầu"... Và đặc biệt đoạn kết (khổ thơ cuối cùng), vô cùng da diết, không ai nỡ lòng mà không đến với Hà Nam: "Anh có về Hà Nam quê em/ Ở đó có em cùng nỗi nhớ/ Về đi anh! Em vẫn chờ, em vẫn đợi/ Về đi anh, khi xuân sang mùa hoa nở/ Cho duyên mình thắm mãi yêu thương...".
Nhưng thật kỳ lạ, tác phẩm "song sinh" (thơ và nhạc) này, khi ngâm lên, ca lên; ta liền bị chinh phục, bị cuốn hút bởi chất tráng ca, sử thi (vừa truyền thống, vừa hiện đại) do các tư liệu lịch sử đặc thù chỉ duy nhất Hà Nam sở hữu, được lồng ghép khéo léo để chất anh hùng ca hòa quyện nhuần nhị với lời thơ với nét nhạc (giai điệu) trữ tình: "Lễ hội Tịch điền giữa trời xuân trong mát/ Kìa Tam Chúc mờ sương cao ngọn tháp", "Anh có về Lũng Xuyên quê em/ Nhớ ngọn cờ thời Nam Kỳ khởi nghĩa/ Thành phố, miền quê cờ bay phấp phới/ Phủ Lý yêu thương, Lam Hạ Anh hùng", "Mời anh về núi Đọi - sông Châu/ Giữa trời xuân hội cày, hội cấy", "Tiếng máy reo cùng công trường hối hả"...
Chỉ riêng về bài hát, chắc chắn mọi người nghe cũng sẽ bị chinh phục bởi sự nổi trội của chất liệu dân ca sâu lắng vùng châu thổ sông Hồng. Trong đó, vừa có nét chèo thanh tú, đằm thắm; điệu ca trù - chầu văn dìu dặt, khoan thai; da diết (lúng la lúng liếng) của quan họ "người ơi người ở đừng về"...
Về Hà Nam
Anh có về Hà Nam quê em
Vùng đất đồng chiêm tình người ấm áp
Cầu Hồng Phú nối đôi bờ xanh ngát
Phủ Lý yêu thương đất mẹ Anh hùng
Mời anh về Hà Nam quê em
Lễ hội Tịch điền giữa trời xuân trong mát
Kìa Tam Chúc mờ sương cao ngọn tháp
Nô nức khách thập phương đi lễ hội xuân hồng
Anh có về Lũng Xuyên quê em
Nhớ ngọn cờ thời Nam Kỳ khởi nghĩa
Thành phố, miền quê cờ bay phấp phới
Phủ Lý yêu thương, Lam Hạ Anh hùng
Mời anh về núi Đọi - sông Châu
Giữa trời xuân hội cày, hội cấy
Chùa Tiên linh thiêng ấm tình làng xóm
Du khách gần xa xin cầu lộc phúc, cầu tài
Về Hà Nam thành phố ngã ba sông
Tiếng máy reo cùng công trường hối hả
Sông Nhuệ, sông Châu, sông Đáy chung dòng
Như người quê em chung sức, đồng lòng
Hà Nam quê em thương người mến khách
Tình đằm thắm nét chân thành mộc mạc
Ngày xuân sang nghe câu dân ca ai hát
Lý giao duyên điệu mời nước mời trầu
Anh có về Hà Nam quê em
Ở đó có em cùng nỗi nhớ
Về đi anh! Em vẫn chờ, em vẫn đợi
Về đi anh, khi xuân sang mùa hoa nở
Cho duyên mình thắm mãi yêu thương...
(Tào Khánh Hưng)
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-ca-ve-que-huong-nguoi-ve-co-to-quoc-299166.html