Bài cuối: Doanh nghiệp, cơ quan quản lý đề xuất gì để 'xanh hóa' công nghiệp Đà Nẵng?
Doanh nghiệp Đà Nẵng còn 'mơ hồ' về các tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính; hầu như chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng xanh để 'xanh hóa' sản xuất.
Cần nguồn vốn tín dụng xanh
Muốn tăng trưởng xanh, công nghiệp xanh, doanh nghiệp xanh phải đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dụng các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn… là tất yếu. Nhưng những giải pháp này đang gặp rào cản rất lớn về vốn. Đặc biệt là nguồn tín dụng xanh.
Ông Nguyễn Thanh Phước – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho rằng, cần triển khai những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh hóa.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Bình - Đại diện Công ty TNHH Khả Tâm (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho biết, đơn vị đã được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng tập huấn về sử dụng các thiết bị để đo khí thải nhà kính trong sản xuất. "Được tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật, nhưng nguồn vốn đầu tư các thiết bị này thì rất lớn bởi đây gần như là thiết bị đặc chủng. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế hiện tại rất khó để doanh nghiệp đầu tư lớn như vậy. Cần có chương trình hoặc trợ lực chính sách", ông Bình nói.
Theo ông Lê Thanh Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng, hiện công tác hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn mới dừng ở tư vấn giải pháp, rất ít trường hợp được thụ hưởng thí điểm mô hình ứng dụng máy móc, công nghệ để sản xuất sạch hơn. “Làm sao để sau khi đưa ra các giải pháp thì bước tiếp theo phải hỗ trợ cho họ đầu tư máy móc công nghệ thực hiện được một hoặc nhiều giải pháp đánh giá. Có như vậy, việc đánh giá sản xuất sạch hơn mới có hiệu quả”, ông Hạ nói.
Còn ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ rất hạn chế, thủ tục còn phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất Nhiều quỹ tài chính xanh như Quỹ Ủy thác tín dụng xanh, Quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Bảo vệ môi trường… đã tạm ngưng các khoản vay hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc thắt chặt các chính sách, đối tượng cho vay. Trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, việc thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp muốn đổi mới dây chuyền sản xuất. “Trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ xây dựng kênh thông tin để kết nối các quỹ tài chính xanh và các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để đơn giản hóa thủ tục thẩm định cho vay”, Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho hay.
Cần có lộ trình cụ thể thực hiện mục tiêu giảm phát thải trong doanh nghiệp sản xuất
Theo ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc nhà máy giấy Bao bì Tân Long (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu), Chính phủ nước ta đã có cam kết mạnh mẽ đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Đây là mục tiêu đúng đắn, tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đó cần có lộ trình rất dài và phải thật cụ thể, chi tiết về giảm phát thải ròng.
Ở cấp vĩ mô, Chính phủ các bộ ngành phải đưa ra được các lộ trình cơ bản và giải pháp để thực hiện được lộ trình đó.
Riêng đối với doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng phải có lộ trình. Việc đầu tiên là phải kiểm kê phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp biết thực trạng của mình. Sau đó, phải tìm giải pháp để giảm thiểu phát thải CO2.
“Tất nhiên là cũng có khá nhiều cơ hội như chủ trương chính sách của Chính phủ, Bộ ngành đều hướng đến phát triển kinh tế xanh; sự ra đời của một số nguồn vốn tín dụng xanh;… Tuy nhiên, để làm được điều này sẽ cần một lộ trình rất dài, chứ không phải làm được ngay”, ông Thống nói.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Thống cho rằng bên cạnh vốn thì khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình giảm thải đó là thiếu kiến thức. “Muốn đầu tư phải biết thực trạng của doanh nghiệp mình như thế nào. Phải biết được kiểm kê phát thải khí nhà kính là kiểm kê cái gì – khái niệm này còn khá mơ hồ. Doanh nghiệp sẽ phải kiểm tra lại hết từ đầu các nhà cung cấp của mình, cho đến quy trình sản xuất tại chính nhà máy của doanh nghiệp; cho đến vòng đời sản phẩm. Không hề dễ”, ông Thống nói và ví dụ doanh nghiệp phải biết hiện nay trên 1 tấn sản phẩm mình đã sử dụng bao nhiêu năng lượng, thải ra bao nhiêu kg CO2.
Từ thực trạng, doanh nghiệp phải tìm hiểu giải pháp nào để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm thải CO2 hay không. Muốn thực hiện được những vấn đề này phải bằng những biện pháp khoa học và kỹ thuật, và vốn.
“Như vậy, điều doanh nghiệp cần là hướng dẫn thông tin cụ thể, lộ trình cụ thể cho từng địa phương, từng khu công nghiệp, từng doanh nghiệp, từng ngành hàng…, để căn cứ vào đó mới có thể xây dựng cụ thể lộ trình cho doanh nghiệp mình trong giảm thải”.
Ngoài ra, một số vấn đề về chính sách vĩ mô cần phải giải quyết như sớm có hướng dẫn về lắp đặt điện mặt trời mới (theo Quy hoạch điện VIII); các biện pháp để sử dụng và kiểm soát ổn định giá biomass (nhiên liệu sinh khối) để doanh nghiệp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch….
Ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng
Trong năm 2023 - 2024, Ban Quản lý sẽ:
- Tham khảo, nghiên cứu chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái tại một số quốc gia trong khu vực (chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc) nhằm tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm, thực hiện cộng sinh công nghiệp và chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.
- Nghiên cứu xây dựng Trang thông tin về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, công bố các thông tin về chất thải có thể tái chế tại các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết cộng sinh công nghiệp.
- Tăng cường hiệu quả công tác giám sát xả thải, khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt các hệ thống giám sát môi trường, công khai dữ liệu trên Trang thông tin điện tử Ban Quản lý.
- Đẩy mạnh tập huấn về kiểm toán năng lượng, chất thải, các quy định mới về bảo vệ môi trường cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
- Đẩy mạnh hỗ trợ kết nối giữa các quỹ tín dụng xanh với doanh nghiệp.