Bài cuối: Đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy chính quyền cấp xã

Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã nhận diện được những bất cập trong quy định cứng về số lượng cán bộ, công chức cấp xã và đề xuất một số giải pháp khắc phục, nhưng thực tế vẫn còn những rào cản về pháp lý lẫn sự thiếu chủ động, thiếu quyết liệt trong lĩnh vực này, nên những tồn tại trong bộ máy từ bấy lâu nay chưa được giải quyết một cách triệt để.Sau khi sắp xếp, sáp nhập giảm 12 đơn vị hành chính cấp xã giảm 270 cán bộ, công chức cấp xã; 119 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Tính đến 31/12/2020 đã giảm được 179 người, 91 người còn dôi dư tiếp tục giảm trong những năm tới. Giai đoạn 2019 – 2021, giảm chi từ ngân sách nhà nước do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã hơn 14,5 tỷ đồng, trong đó giảm chi lương, phụ cấp hơn 12,2 tỷ đồng và giảm chi phí hành chính hơn 2,3 tỷ đồng.Thay lời kết

Sắp xếp bộ máy chính quyền cấp xã: Chật, rộng “chiếc áo” cơ chế!

>>> Bài 1: Nơi làm không hết việc

>>> Bài 2: Nơi ít việc để làm

Bí thư Huyện ủy Văn Bàn Nguyễn Thành Sinh (phải ảnh) mong muốn địa phương được chủ động phân bổ số lượng cán bộ, công chức cấp xã.

Bí thư Huyện ủy Văn Bàn Nguyễn Thành Sinh (phải ảnh) mong muốn địa phương được chủ động phân bổ số lượng cán bộ, công chức cấp xã.

Cụ thể, ngoài tình trạng nơi nhiều việc, nơi ít việc như đã nêu ở bài 1 và bài 2, thì tại một số phường của thành phố Lào Cai cũng đang có những bất cập mang tính đặc thù. Ví như phường Cốc Lếu - phường nội thị sầm uất bậc nhất của thành phố - ngoài số cán bộ, công chức Nhà nước cư trú thì dân số còn lại đều kinh doanh dịch vụ. Dù không còn hộ nông dân, nhưng một tổ chức hội không có hội viên vẫn được địa phương bố trí 1 cán bộ đảm nhiệm, rất lãng phí nguồn nhân lực. Đồng chí Trần Thái Học, Trưởng Phòng Nội vụ thành phố Lào Cai thừa nhận: Thành phố nhận thấy rõ sự lãng phí nhân lực ở một số phường không còn hộ sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn phải bố trí một cán bộ làm chủ tịch hội nông dân theo quy định. Hiện tại, thành phố có 4 phường gồm Duyên Hải, Kim Tân, Xuân Tăng và Bình Minh bố trí kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội nông dân, tuy nhiên không phải lúc nào và tổ chức hội, đoàn thể nào cũng có thể bố trí kiêm nhiệm.

Một vấn đề khác có tính phổ biến hơn cũng đang đặt ra ở một số xã, phường trong tỉnh, đó là số lượng cựu chiến binh rất ít (vài chục hội viên) nhưng vẫn phải bố trí 1 chủ tịch hội, do quy định trong điều lệ hội nên muốn lựa chọn người kiêm nhiệm rất khó.

Đồng chí Trần Thái Học, Trưởng Phòng Nội vụ thành phố Lào Cai cho biết thêm, để khắc phục những bất cập đối với quy định cứng về số lượng cán bộ, công chức cấp xã, phường, thành phố Lào Cai đã kiến nghị Sở Nội vụ và UBND tỉnh chỉ phân bổ tổng số lượng, còn xã, phường nào cần bao nhiêu, vị trí nào thì để thành phố tự bố trí hợp lý, nhưng đề xuất này chưa được chấp nhận.

Trong buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Hà ngày 14/4/2021, huyện Bắc Hà đã nêu thực trạng việc thực hiện quy định cứng tổng số lượng và số lượng cán bộ, công chức đối với từng vị trí là không phù hợp với thực tế.

“Mong muốn nhất của địa phương hiện nay là tỉnh quan tâm thực hiện mạnh việc phân cấp để các huyện, thị xã, thành phố cân đối, bố trí cán bộ, công chức cho từng xã, bởi chỉ có địa phương mới hiểu sâu sát nhất điều kiện của từng xã, phường, thị trấn cần gì và cần như thế nào”.

Đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn.

Đồng quan điểm với lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh, đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn cho rằng, chính việc quy định cứng về tổng số và số lượng chức danh cán bộ, công chức cấp xã đang gây nhiều khó khăn cho cơ sở. Nên chăng, tỉnh chỉ phân bổ tổng số cán bộ, công chức cấp xã để địa phương chủ động sắp xếp.

Mạnh dạn hơn, tháng 7 vừa qua, huyện Bát Xát đã có văn bản đăng ký với UBND tỉnh thí điểm giao cấp huyện chủ động phân bổ biên chế cấp xã. Cụ thể, huyện có 21 xã, thị trấn, gồm 10 xã loại 1 và 11 xã loại 2 với 176 thôn, tổ dân phố. Do đặc thù của địa phương, các xã cùng loại 1, loại 2 có sự khác biệt nhiều về số thôn, dân số… đòi hỏi cần có sự điều chỉnh về biên chế cấp xã cho phù hợp với tình hình thực tế mà vẫn đảm bảo được tổng biên chế giao theo đúng quy định. Tuy nhiên, sau đó, huyện Bát Xát xin rút thí điểm vì chỉ được cho phép bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã không vượt quá số lượng quy định tại Nghị định 34 của Chính phủ.

Nghị quyết số 18, khóa XII, Ðảng ta đã chỉ rõ : Ðối với chính quyền địa phương, “Từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước”. Thực tế, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ việc sáp nhập, xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có nơi tổ chức thực hiện chưa nghiêm, thiếu các biện pháp cụ thể để kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Việc sáp nhập các xã, thôn là tất yếu trong điều kiện thuận lợi về giao thông, con người cho phép hiện nay.

Việc sáp nhập các xã, thôn là tất yếu trong điều kiện thuận lợi về giao thông, con người cho phép hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi với phòng viên Báo Lào Cai.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi với phòng viên Báo Lào Cai.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Việc giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Trung ương cơ bản phù hợp với từng loại xã. Tuy nhiên, việc giao cứng số lượng cán bộ, công chức cấp xã như hiện nay chưa cho phép địa phương linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dù đã bộc lộ một số bất cập. UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã đề nghị Trung ương xem xét sửa đổi, phân cấp cho địa phương chủ động phân bổ số lượng cán bộ, công chức cấp xã, đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương và sát với thực tế.

Ngoài ra, để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong khi chờ đợi sự điều chỉnh của Chính phủ, trước hết tỉnh cần nghiên cứu triển khai mạnh hơn nữa việc sáp nhập thôn và tiếp tục đề xuất phương án sáp nhập xã.

Theo thống kê của Sở Nội vụ, thời gian qua, toàn tỉnh đã sáp nhập, giảm 637 thôn, tổ dân phố, hiện còn 1.568 thôn, tổ dân phố (1.224 thôn và 344 tổ dân phố). Theo đó, cán bộ thôn, bản, tổ dân phố (người hoạt động không chuyên trách) cũng giảm được 6.370 người, tương đương mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 55 tỷ đồng chi phụ cấp cho số cán bộ trên. Tỉnh cũng đã đề nghị Quốc hội có nghị quyết sáp nhập giảm 12 đơn vị hành chính cấp xã do chưa đạt 50% về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đến nay, toàn tỉnh còn 152 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo số liệu của Sở Tài chính, giai đoạn 2019 - 2021, giảm chi từ ngân sách nhà nước do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là hơn 14,5 tỷ đồng, trong đó giảm chi lương, phụ cấp hơn 12,2 tỷ đồng và giảm chi phí hành chính hơn 2,3 tỷ đồng. Nếu cộng vào 10 năm, 20 năm sau chắc chắn sẽ tiết kiệm được số tiền khá lớn có thể triển khai các chương trình an sinh xã hội dành cho người nghèo, người yếu thế...

Nếu như trước đây, đường giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu đi bộ thì việc chia nhỏ thôn, xã để tiện cho việc quản lý là phù hợp, nhưng hiện nay, hệ thống đường giao thông được xây dựng đến tận thôn, bản, di chuyển thuận tiện, trình độ dân trí và trình độ của cán bộ thôn, xã đã được nâng cao rất nhiều, cùng với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép mở rộng quy mô quản lý thì câu chuyện sáp nhập thôn, xã vẫn còn nguyên tính thời sự. Mặt khác, việc sáp nhập xã để tăng dân số và tăng số thôn sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng số lượng cán bộ, công chức cấp xã nhiều hơn cán bộ thôn và giảm gánh nặng cho nguồn ngân sách.

Huyện Bát Xát đăng ký thí điểm phân cấp giao cấp huyện chủ động phân bổ biên chế cấp xã, nhưng nhanh chóng xin rút.

Huyện Bát Xát đăng ký thí điểm phân cấp giao cấp huyện chủ động phân bổ biên chế cấp xã, nhưng nhanh chóng xin rút.

Giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh đã cơ bản sáp nhập những thôn, tổ dân phố không đạt 50% tiêu chí về quy mô số hộ và ở những nơi thuận lợi. Thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh việc sáp nhập thôn, tổ dân phố để không còn những thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ dưới 50% theo quy định.

Thực tế cho thấy, muốn làm tốt công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã thì trong lãnh đạo, chỉ đạo cần nhìn thẳng vào những tồn tại, bất cập trong nội tại của bộ máy, của hệ thống chính trị. Từ đó, cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền từ cơ sở cần có giải pháp sắp xếp, sáp nhập bộ máy tổ chức quy mô hợp lý bảo đảm tinh gọn, phát huy hiệu quả hoạt động.

Những bất cập trong trong quy định sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã tại tỉnh Lào Cai thời gian qua rõ ràng đã gây khó cho địa phương. Để việc bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp, trước khi phân bổ nên chăng ngành chức năng cần có những điều tra, đánh giá cụ thể điều kiện liên quan của từng xã để có tính toán cân đối. Đặc biệt, ở tầm vĩ mô, thiết nghĩ Chính phủ tiếp tục chỉ đạo ngành Nội vụ nghiên cứu, thay đổi quy định, phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương theo hướng phân tổng số biên chế và quy định mức tổi thiểu số lượng cán bộ, công chức (mỗi chức danh có ít nhất 1 người) ở những xã có ít dân số như Nậm Mả, huyện Văn Bàn. Còn lại, xã nào bao nhiêu cho phù hợp với yêu cầu công việc thì do huyện, thị xã, thành phố đó tự cân đối phân bổ mới sát với thực tiễn.

Mặt khác, hiện nay, khi phân loại xã (loại 1, 2, 3) vẫn dựa trên 2 yếu tố chính là dân số và diện tích tự nhiên. Thiết nghĩ, cần phải dựa chính, tiên quyết vào yếu tố dân số, bởi yếu tố này mới có nhiều biến động, quản lý phức tạp, còn yếu tố diện tích tự nhiên ít biết động, mặt khác với điều kiện giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi như hiện nay và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng nâng cao cho phép có thể quản lý trên phạm vi lớn. Việc dựa trên yếu tố dân số để phân bổ số lượng cán bộ, công chức theo tỷ lệ cũng là một trong những cách cũng cần được xem xét tính toán.

Cùng với những giải pháp trên, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các địa phương thực hiện mạnh mẽ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố và cấp xã, tránh tính trạng nơi quá nhiều, nơi lại quá ít dân, có như vậy mới tạo ra sự công bằng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Ngoài ra, sát nhập để giảm biên chế cấp xã và số lượng cán bộ không chuyên trách, giải phóng áp lực cho nguồn ngân sách Nhà nước.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348312-bai-cuoi-doi-moi-sap-xep-to-chuc-bo-may-chinh-quyen-cap-xa