Bài cuối: Hạnh phúc là an cư

Quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi đã đến các thôn, bản có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống để tìm hiểu về cuộc sống của bà con. Đến đâu chúng tôi cũng thấy kinh tế của người dân ngày càng khấm khá. Càng vui hơn khi trong câu chuyện của mình, bà con không quên cảm ơn sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và khẳng định chỉ có 'an cư' mới 'lạc nghiệp'.

Không đâu bằng quê hương

Bài 1: Sự thật của cái gọi là “Nhà nước Mông”

Bài 2: Viễn cảnh sau “làn mây mù”

Bài 3: Ðường về rộng mở

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông nhằm đảm bảo các dân tộc có điều kiện phát triển toàn diện; kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tránh tư tưởng kỳ thị dân tộc.

Mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Giàng Seo Củ mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Giàng Seo Củ mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Trong căn nhà xây kiên cố, khang trang, ông Giàng Seo Củ ở thôn Cốc Ly Thượng, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà kể cho chúng tôi nghe những thành quả trong phát triển kinh tế của gia đình mình. “Nếu ngày ấy nghe theo kẻ xấu, bỏ quê ra đi, chắc giờ đây gia đình tôi không thể có được cuộc sống ấm no như hôm nay”, ông Củ quả quyết.

Ông Củ kể rằng, khoảng những năm từ 1997 đến năm 2000 là giai đoạn các phần tử xấu ráo riết tuyên truyền, vận động người dân di cư tự do. Nhiều lần bọn chúng tìm gặp, tuyên truyền, vận động ông rời quê đi “phò tá vua Mông”. Khi thì chúng nói vua đã về đến Đắk Lăk, Đắk Nông, lúc lại bảo vua rất thương đồng bào Mông ở Tây Bắc phải chịu đói khổ nên đã về Điện Biên, Lai Châu để dẫn bà con đến vùng đất mới. Kẻ xấu còn bảo ở đó không phải lao động vất vả nhưng vẫn dư dả, chúng còn nói nhiều lời hay hơn thế nên một số hộ đã tin và làm theo. Trước đó, ông Củ được cán bộ Nhà nước tuyên truyền về luận điệu này nên không tin lời dụ dỗ của kẻ xấu, quyết ở lại quê hương để ổn định cuộc sống và chăm lo phát triển kinh tế...

Ông Củ chèo thuyền đưa chúng tôi ra thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bắc Hà của gia đình. Nhờ chính sách hỗ trợ vốn của Nhà nước mà ông Củ có thể đầu tư nuôi 6 lồng cá da trơn có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn nuôi tôm. Trừ chi phí, mỗi năm mô hình này mang về cho gia đình ông khoản lãi hơn 200 triệu đồng. Có sẵn đất, ông còn trồng gần 5 vạn gốc quế, hiện đã đến thời kỳ tỉa thưa, hứa hẹn thêm nguồn thu từ cây trồng này.

Rời Cốc Ly, chúng tôi tới xã Bản Phố, huyện Bắc Hà gặp ông Ly Seo Tỏa ở thôn Bản Phố 2. Trong căn nhà 3 gian khang trang, ông Tỏa dành vị trí trang trọng ở gian giữa treo ảnh Bác Hồ. Cuộc sống của gia đình ông Tỏa khấm khá với ngô, thóc chất đầy gác, trong nhà có nhiều thiết bị đắt tiền phục vụ sinh hoạt. Điều ít người biết là cách đây 10 năm, ông Tỏa đã bị kẻ xấu rủ rê tới huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên gặp “vua Mông”. Chúng bảo tới đó, vua sẽ cho tiền và việc làm, trẻ em không học cũng có việc làm, ở đó chỉ có người Mông sinh sống... Nói đến đây, ông Tỏa ngước nhìn ảnh Bác Hồ rồi bảo rằng, may mắn là vợ chồng ông không nghe theo kẻ xấu để di cư tự do. Ở lại quê hương, ông Tỏa chăm chỉ phát triển kinh tế, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc nuôi ngựa vỗ béo, trồng rừng và trồng rau.

Ngược lên huyện vùng cao Si Ma Cai, chúng tôi ghé gia đình anh Giàng A Chúng ở thôn Sẻ Mản Thẩn, xã Mản Thẩn (nay là xã Quan Hồ Thẩn). Tự hào là người con đồng bào Mông, sinh ra và lớn lên ở vùng cao, từng chứng kiến sự khó khăn, nhọc nhằn của người dân địa phương nên anh Chúng luôn mong muốn được góp sức mình xây dựng quê hương. Đó cũng là lý do anh kiên định, bỏ qua tất cả những luận điệu “bọc đường” của kẻ xấu. Bằng nghị lực, tích cực lao động, sản xuất, giờ đây anh Giàng A Chúng đã có cuộc sống đủ đầy, kinh tế gia đình luôn ở mức khá, nhiều năm đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đã giúp gia đình anh Chúng có hướng thoát nghèo từ nuôi trâu. Anh còn nuôi lợn, trồng mận Tả Van, mỗi năm nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp đạt gần 200 triệu đồng.

Còn tại vùng đất Dìn Chin, huyện Mường Khương quanh năm nắng hạn, từ khi được bộ đội biên phòng tặng téc dự trữ nước, gia đình chị Sùng Seo Xoa cũng như nhiều hộ khác trong thôn Ngải Thầu không còn phải đi vài km lấy nước. Vào ngày mùa, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu còn cử cán bộ xuống thôn giúp dân thu hoạch và bảo quản nông sản. “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà gia đình tôi chưa bao giờ có ý định chuyển đi đâu, bởi chỉ an cư mới lạc nghiệp”, chị Xoa chia sẻ.

Ông Lý Seo Dìn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mông nói riêng có điều kiện tốt nhất nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu mà tỉnh là mang lại cho đồng bào các dân tộc cuộc sống bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, con em các dân tộc được học hành, có việc làm ổn định, từ đó xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, đập tan mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ của các thế lực thù địch.

“Không đâu bằng quê hương mình”, đó là khẳng định mà chúng tôi được nghe từ những nhân vật trong loạt bài viết này. Ở quê mình, dù còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến đời sống người dân, chế độ, chính sách luôn được đảm bảo, còn có tình làng, nghĩa xóm, tình thân. Và khi thủ đoạn, âm mưu của kẻ xấu bị vạch trần, khối đại đoàn kết các dân tộc càng thêm bền chặt.

Thu Ngọc - Thành Phú

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phap-luat/bai-cuoi-hanh-phuc-la-an-cu-z7n20200806150505958.htm