Bài cuối: Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát…

Khi tình yêu đất nước đã hóa tâm hồn, khi tình yêu biển đảo đã ấp ủ trong trái tim những người lính, những người dân, Hoàng Sa, Trường Sa không xa và luôn ở trong trái tim mỗi người con đất Việt.

Trong đoàn công tác số 3 ra thăm quần đảo Trường Sa, tôi đặc biệt ấn tượng với cô gái Lê Thị Thảo với nguồn năng lượng tích cực tỏa ra dường như bất tận. Nụ cười luôn rạng rỡ, Thảo xăng xái có mặt khắp nơi trên tàu, giúp đỡ tổ hậu cần chuẩn bị bữa ăn cho mọi người, động viên, thăm hỏi những thành viên say sóng bỏ bữa cơm, tham gia vào tổ phát thanh đọc bản tin đặc biệt trên tàu mỗi tối; lăn xả vào gấp hạc giấy, chuẩn bị cho nghi lễ tưởng niệm các liệt sẽ trên biển, ngồi hàng giờ nắn nót viết huy hiệu dành cho hơn 200 thành viên tham gia đoàn công tác…

Lê Thị Thảo chơi đùa với các em bé trên đảo.

Lê Thị Thảo chơi đùa với các em bé trên đảo.

Thảo làm say mê, tận tụy, cứ như sợ sẽ không có cơ hội làm việc. Thế nhưng ít ai biết, cô suýt nữa đã không được đặt chân lên tàu ra thăm Trường Sa. Thảo kể khi được thông báo ở trong danh sách đi Trường Sa, cô đã vui suốt cả tuần liền, đi đâu cũng hồ hởi khoe, rồi Thảo tỉ mẩn chuẩn bị quà, chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất. Thế nhưng vì lý do đặc biệt, 2 ngày trước khi lên máy bay vào Cam Ranh, Thảo nhận được "hung tin" sẽ phải ở lại lo công tác hậu cần.

Thế là suốt cả đêm đó, Thảo thao thức không ngủ để viết thư gửi các chiến sỹ Trường Sa, mong được bày tỏ tình cảm của mình dành cho Trường Sa và các chiến sỹ hải quân. Từng nét bút nắn nót đẹp như chữ in, Thảo viết: "Từ nhỏ, em đã có ước mơ được một lần đặt chân đến đảo, để tận mắt chứng kiến sự vất vả của các anh, những người thầm lặng, âm thầm cống hiến cuộc đời mình ở nơi đón ánh năng mặt trời đầu tiên trên đất nước Việt Nam xinh đẹp.

Trong chuyến công tác lần này, em cũng có lúc tưởng mình sẽ may mắn được ra thăm các anh. Em đã tưởng tượng mình tự tay trồng những khóm hoa xinh xinh trên đảo, em tưởng tượng được chơi đùa cùng với các em nhỏ, được đọc truyện, được sải chân trên vùng đất thiêng liêng. Em đã tưởng tượng được hát hò, được thao thao kể cho các anh nghe về đất liền, em đã tưởng tượng được nhặt rau, nấu cơm cùng các anh, em tưởng tượng nhiều lắm…"

Lá thư viết từ trang giấy xé ra từ vở học trò đó, Thảo nâng niu ôm vào lòng cả đêm, rồi sáng hôm sau, cô tìm gặp trưởng đoàn, nhờ gửi ra các anh lính đảo. Thảo cũng tự tay chọn những củ hoa loa kèn, gói ghém cẩn thận để gửi ra đảo, mong được các chiến sỹ đón nhận, gieo trồng loài hoa thanh khiết tháng Tư của Hà Nội ở một góc đảo, như chút niềm yêu thương từ đất liền hiện diện nơi đầu sóng ngọn gió. Thậm chí, dù xác định sẽ không được lên tàu, nhưng Thảo vẫn xung phong tham gia vào tổ hậu cần của đoàn công tác, sẵn sàng bay từ Hà Nội vào Cam Ranh để bưng bê, sắp xếp quà tặng của đoàn gửi ra đảo. Bất ngờ trước khi lên tàu 1 ngày, một vị trị đã bỏ trống và cô may mắn lại được đưa vào danh sách.

"Khi nhận tin, em vỡ òa sung sướng, reo chạy khắp nơi. Em bảo bố mẹ ơi, con lại được đi Trường Sa rồi!", Thảo kể. Điểm dừng chân nào trên đảo của Thảo cũng là một trải nghiệm với những hoạt động nối tiếp không có thời gian nghỉ. Trên đảo Cô Lin, cô tự tay mình bới đất, trồng những củ hoa loa kèn; ở Đảo Sinh Tồn, cô chăm chút trao từng món quà nhỏ từ đất liền gửi tới các chiến sỹ; ở đảo Trường Sa, cô ghé thăm từng nhà dân, chơi đùa, phát kẹo bánh cho các em nhỏ. Tình yêu chân thành, trìu mến của cô khiến cho các em nhỏ bịn rịn, mếu máo khi chia tay. Đặc biệt, trên đảo Song Tử Tây, Thảo đã xỏ giày chạy một vòng quanh đảo.

"Lúc đó, cảm xúc dâng trào, em chỉ muốn làm sao để có thể bày tỏ tình yêu của mình. Em muốn được ngắm nhìn toàn bộ đảo, để cảm nhận được nắng gió Trường Sa, để chắc chắn mình không phải mơ, để được tự hào mình cũng đã góp phần nhỏ, ghi dấu chân lên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", Thảo chia sẻ cảm xúc.

2. Cùng đoàn văn công của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội ra thăm đảo, ca sỹ Tố Hoa gây ấn tượng mạnh với mọi người bởi chất giọng trong trẻo, cao vút như chim sơn ca. Lần thứ 2 ra với Trường Sa, Hoa không còn cảm giác hồi hộp như lần đầu, thay vào đó là cảm giác ấm áp, thân thương như trở về nhà. Với cô, được hát, được múa đã là một niềm vui lớn; còn được hát, được múa giữa biển trời mênh mông nơi đảo tiền tiêu là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Giữa đảo Trường Sa, Hoa hát bài "Tự nguyện" khiến nhiều người xúc động.

Tiếng hát vút cao, át cả tiếng sóng biển rì rầm, át cả tiếng gió giữa đại dương. Khi cảm xúc thăng hoa từ trái tim người hát, tiếng hát đó chạm đến trái tim của người nghe, tạo nên một sự giao cảm đặc biệt. Hoa hát tự nhiên, thậm chí hát không cần nhạc, không cần sân khấu. Đó là khi cô cùng đoàn công tác lên thăm nhà giàn DKI-12, trong khi mọi người tất bật chuẩn bị đón đoàn ở tầng dưới, thì trên nóc nhà giàn, chiến sỹ hải quân Nguyễn Văn Bình vẫn một mình lặng lẽ bồng súng đứng cánh gác.

Trong tất cả các điểm mà đoàn công tác ghé thăm khi đến với quần đảo Trường Sa, nhà giàn là nơi khó khăn nhất. Đây là công trình nằm trong thềm lục địa để khẳng định chủ quyền khai thác kinh tế. Không giống đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn là những cột thép được dựng lên từ lòng biển cả. Nơi đó, không có nhà dân, chỉ có các chiến sỹ làm nhiệm vụ canh gác. Do đặc thù địa hình, nên rất ít chuyến công tác có dịp ghé thăm nhà giàn. Chuyến thăm đã ít, nếu may mắn gặp thời tiết thuận lợi, thì đoàn công tác còn lên được nhà giàn, còn nếu gặp dịp xấu trời, bão nổi, thì nhà giàn gần như bị cô lập, tàu lớn chỉ có thể neo bên ngoài nhìn vào, không có cách nào lên được nhà giàn vì quá nguy hiểm.

Khó khăn, hiếm hoi là thế, vậy mà lúc đoàn công tác đến thăm, vì nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Văn Bình vẫn ôm súng đứng gác một mình trên sân thượng, giữa cái nóng lên tới hơn 40 độ. Cảm phục và xúc động trước sự vất vả của đồng chí Bình, ca sỹ Tố Hoa đã lên sân thượng hát tặng riêng. Giữa mênh mông sóng nước, với sân khấu là sân đỗ trực thăng, ánh sáng là mặt trời, âm thanh là tiếng sóng biển dạt dào, tiếng hát của Tố Hoa cất lên thánh thót. Hoa hát, biểu diễn vui nhộn như chim sơn ca, khiến cho người chiến sỹ quanh năm chỉ nghe tiếng gió biển rì rào, chỉ có loài chim biển làm bạn, thực sự xúc động.

Càng xúc động hơn, khi Hoa và Bình đều cùng quê ở Thanh Hóa, cùng lứa tuổi như nhau nên càng dễ đồng cảm. Hình ảnh một ca sỹ hát cho một khán giả duy nhất cũng đã đánh động vào cảm xúc của những người chứng kiến, một số người đã không cầm được nước mắt. Tâm sự với tôi, Bình bảo: "Nếu không đang ôm súng làm nhiệm vụ, chắc em đã không cầm được nước mắt xúc động trước tình cảm của ca sỹ Tố Hoa và mọi người dành cho em. Đối với lính biển, đây là những khoảnh khắc quý giá, sẽ là động lực, là sức mạnh để bọn em tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, vững chắc tay súng canh gác biển trời".

3.Sẽ còn nhiều, rất nhiều trái tim yêu biển đảo, yêu Trường Sa tha thiết vô bờ bến cả ở trên đảo cũng như ở đất liền. Bởi vì, đối với mỗi người dân Việt Nam, Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt, là tình yêu luôn sẵn có trong trái tim, dù thực tế, không phải ai cũng có có hội được đến với biển, với quần đảo Trường Sa để thể hiện tình yêu đó. Thiếu tá Đặng Ngọc Thọ là một người như thế. Quê ở Nghệ An, nhưng với anh, Cam Ranh đã là quê hương thứ 2, vì anh là sỹ quan Hải quân thuộc đội tàu ngầm, ngày đêm ăn ngủ trong lòng biển.

Anh cùng đồng đội đã đón rất nhiều đoàn nhân dịp ra thăm quần đảo Trường Sa, đã đến thăm Lữ đoàn của mình, nhưng Thọ cho biết, anh vẫn chưa một lần được đặt chân đến Trường Sa. "Em vẫn ước sẽ có một lần được ra thăm đảo Trường Sa. Dù biết do đặc thù công việc nên sẽ khó khăn và phải tiếp tục chờ đợi, nhưng em tin, khi Trường Sa luôn ở trong tim, khi tình yêu đủ lớn, sẽ có dịp, em sẽ được ra thăm đảo", Thọ chia sẻ về ước mơ.

Vâng, khi tình yêu đủ lớn, khi trái tim luôn hướng về biển đảo, về Trường Sa, thì mỗi người lính, mỗi người dân, bằng cách này hay cách khác, sẽ có cách góp sức vào bảo vệ và xây dựng biển đảo, cũng như sẽ có hành trình được đến với nơi vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc: Trường Sa, Hoàng Sa!

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/bai-cuoi-khi-to-quoc-bon-be-len-tieng-hat-i692229/