Bài cuối: Kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh

Từ thực tế và để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương kiến nghị cần có quy định cụ thể hơn chế tài xử lý trách nhiệm khi không thực hiện, hoặc thực hiện không nghiêm các kết luận sau giám sát của HĐND cũng như các kiến nghị xác đáng của cử tri. Bên cạnh đó, quy định cụ thể thẩm quyền của Thường trực HĐND các cấp để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh...

Cụ thể hơn chế tài xử lý trách nhiệm

Sau khi kết thúc các đợt giám sát, các cơ quan của HĐND tỉnh Bình Dương đều ban hành thông báo kết luận giám sát. Trong đó, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh và các ngành, địa phương chịu sự giám sát thực hiện một số nội dung để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như tồn tại, hạn chế. Mặc dù UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các kiến nghị sau giám sát, tuy nhiên việc thực hiện của các sở, ngành và địa phương còn rất hạn chế nhưng chưa có biện pháp chế tài.

Một phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X

Một phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X

Thời gian qua, hoạt động TXCT trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm; mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri ngày càng được củng cố, gắn bó chặt chẽ. Về cơ bản, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được tổng hợp, phân loại và chuyển tới các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri đã quan tâm xem xét, nghiên cứu trả lời cử tri với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng một số cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri nhưng chưa có biện pháp chế tài.

Từ thực tế trên, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về chế tài xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân không thực hiện, hoặc thực hiện không nghiêm các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND cũng như các kiến nghị, phản ánh xác đáng của cử tri được HĐND tổng hợp gửi đến, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Quy định cụ thể thẩm quyền của Thường trực HĐND

Đối với việc xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương: "Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng Nhân dân”; nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định về việc HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp, nếu phát sinh một số vấn đề cần thiết, cấp bách thuộc thẩm quyền của HĐND cần giải quyết ngay sẽ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 78 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 629/2019/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của HĐND. Với quy định như trên, Thường trực HĐND chỉ được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (chủ yếu là bảo đảm, duy trì để HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ); mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND chỉ được giải quyết tại kỳ họp HĐND. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy: việc tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề trong năm tốn kém ngân sách do đa số các kỳ họp chuyên đề xem xét, quyết định rất ít nội dung (có khi chỉ 1 nội dung). Trong khi đó, mỗi kỳ họp đều phải bảo đảm quy trình giống như tổ chức một kỳ họp thường lệ. Do đó, cần nghiên cứu quy định linh hoạt hơn về cách thức giải quyết vấn đề này.

Khoản 1, Điều 106 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Phiên họp Thường trực HĐND là hình thức hoạt động chủ yếu của Thường trực HĐND. Tại phiên họp, Thường trực HĐND thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật,nhưng chưa quy định cụ thể những vấn đề mà Thường trực HĐND sẽ quyết định giữa hai kỳ họp. Thực tế các phiên họp định kỳ của Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương hiện nay là xem xét, cho ý kiến về các đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND; cho ý kiến một số vấn đề được giao trong một số Luật khác như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong khi quá trình điều hành có nhiều vấn đề phát sinh không thuộc thẩm quyền, UBND tỉnh cần xin ý kiến của Thường trực HĐND cùng cấp để giải quyết kịp thời.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu, cần có quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND các cấp để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND, tương xứng với vị trí, vai trò cơ quan Thường trực của HĐND.

NGUYỄN NHẬT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-cuoi-kip-thoi-giai-quyet-cac-van-de-cap-bach-phat-sinh-i317467/