Bài cuối: Nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Để theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ đang dần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, hạn chế gian lận thương mại; tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững.
Đồng thời, lực lượng Công an với chức năng và nhiệm vụ được giao đã phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử điều tra, xử lý các vi phạm. Song để tránh trở thành nạn nhân, trước hết mỗi khách hàng cần phải là người tiêu dùng thông minh.
Quản lý sàn thương mại điện tử cần nhiều giải pháp
Thời gian qua, mặc dù đã có những bước phát triển nhưng thực tế cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển chưa có tính bền vững. Lý giải cho vấn đề trên, một cán bộ của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Hiện nay, sự cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử lớn đang diễn ra hết sức gay gắt. Cùng với đó là việc "người người, nhà nhà cùng online" nên có rất nhiều nhà cung cấp cùng hoạt động trên một nền tảng để bán hàng hóa giống nhau nên cạnh tranh trên các sàn là rất lớn.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, thương mại điện tử đang mang lại cả cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới. "Hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tràn lan, phổ biến; hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh thương mại điện tử còn xuất hiện"- một cán bộ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết.
Bên cạnh đó là sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương. Theo thống kê, chỉ số thương mại điện tử các năm qua cho thấy phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân do tại đây có hạ tầng và nguồn nhân lực, hoạt động giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và người tiêu dùng thuận tiện.
Một vấn đề nữa là ô nhiễm môi trường do bao bì, đóng gói sản phẩm; các chính sách, quy định vẫn còn một số tồn tại, chưa kiểm soát được toàn diện; chi phí khởi tạo và duy trì gian hàng khá cao; vấn đề logistics... cũng là những nguyên nhân khiến thị trường thương mại điện tử Việt Nam khó phát triển bền vững.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn chậm phát triển. Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ các hình thức thanh toán điện tử còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng; số lượng không nhỏ người dân địa phương không có tài khoản ngân hàng cũng là một yếu tố cản trở thanh toán trực tuyến. Tội phạm, gian lận tài chính trong thương mại điện tử ngày càng gia tăng với các phương thức, thủ đoạn hoạt động trên không gian mạng ngày càng tinh vi…
Một vấn đề không thể thiếu trong thương mại điện tử là lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp logistic còn hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực, hoạt động mang tính chất nhỏ, lẻ, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp; nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistic qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử
Để theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam những năm qua, Chính phủ đang dần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý giám sát, hạn chế gian lận thương mại, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững như: Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023; Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Quyết định số 319/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký, phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Nghị định 91/2022/NĐ-CP, ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, ngày 25/9/2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định về việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động thương mại điện tử… Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chương trình, kế hoạch, chính sách giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như thúc đẩy, tạo điều kiện cho ngành thương mại điện tử phát triển.
Đồng thời, để thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cân bằng trong thời gian tới, cần thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho thương mại điện tử phát triển. Các doanh nghiệp cần triển khai ứng dụng thương mại điện tử, tạo sự đột phá trong hoạt động kinh doanh sản xuất; đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới; ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải thiện các khâu trong vận chuyển, nâng cao chất lượng hàng hóa, uy tín với người tiêu dùng.
Các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử cần tiếp tục tham mưu, đề xuất Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh.
Cùng với đó, cần phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ đó chủ động tố giác hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử, tạo sự răn đe đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử.