Bài cuối: Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Tư liệu, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, chứa đựng tri thức dân tộc, cộng đồng; phản ánh bức tranh lịch sử, văn hóa sinh động. Thông điệp của công tác bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ chính là giữ lửa tình yêu, sự trân trọng di sản của tiền nhân, để di sản ấy phục vụ đời sống hôm nay và mai sau.

Lấp khoảng trống pháp lý

Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh. Thế nhưng, di sản tư liệu chưa được quy định trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam. Việc nhận diện và bảo vệ loại hình di sản này còn gặp khó khăn. Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Thu Hiền, đến nay, chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di sản tư liệu. Cả 9 di sản tư liệu này đều chưa có biện pháp phù hợp hay quy định về bảo vệ và phát huy giá trị.

Thực tế, di sản tư liệu ở các địa phương, gia đình, dòng họ... đa dạng về loại hình, giàu giá trị thông tin. Trong đó, không ít di sản có nguy cơ bị mai một, biến mất. Vì vậy, việc quy định di sản tư liệu trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ lấp khoảng trống pháp lý trong bảo vệ, phát huy di sản tư liệu ở Việt Nam. Đồng thời, góp phần điều chỉnh hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản, để cộng đồng, các cơ quan, đơn vị có cách thức nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Theo các chuyên gia, ứng xử với loại hình di sản này trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế cần giải pháp đồng bộ, trong đó đầu tư nguồn lực đúng mức cho công tác bảo quản, lưu trữ cũng như phát huy giá trị tư liệu, tài liệu.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giữ gìn, bảo quản đi đôi với phát huy giá trị di sản tư liệu. Ảnh: TTLTQGI

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giữ gìn, bảo quản đi đôi với phát huy giá trị di sản tư liệu. Ảnh: TTLTQGI

Bà Điền Thị Hạnh, Viện Bảo tồn di tích, cho biết tài liệu giấy tại các di tích, đặc biệt là sắc phong, là loại hình di sản văn hóa có giá trị, phản ánh nhiều mặt về đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư trong các giai đoạn lịch sử. “Để bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tư liệu quý giá này, việc cấp thiết đầu tiên là ban quản lý các di tích cần phối hợp với phòng văn hóa, bảo tàng tỉnh và các cơ quan chức năng nhanh chóng nghiên cứu, sưu tầm, đăng ký, kiểm kê, lập hồ sơ để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc tra cứu. Triển khai số hóa, sao chụp, tu bổ, phục chế toàn bộ sắc phong, thần tích, hương ước… bằng các nền tảng kỹ thuật số hiện đại giúp cho việc quản lý, lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu được thực hiện tốt nhất”.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cần quan tâm là thay đổi tư duy, cách nhìn của người dân và chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo vệ di sản. Các di tích, chính quyền địa phương cần nhận thức rõ ràng, đầy đủ về công tác bảo quản tài liệu lưu trữ. Bên cạnh tiếp tục đầu tư nguồn lực để nâng cao kỹ thuật chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tu bổ, phục chế tài liệu tại các bảo tàng, thư viện, lưu trữ quốc gia, địa phương, điều quan trọng là nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về giá trị của tài liệu lưu trữ cũng như cách bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Song hành bảo vệ và phát huy

Từ kinh nghiệm bảo quản an toàn tài liệu sau tu bổ trong dân, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Trần Đăng Phương nhận định, việc bảo quản an toàn tài liệu sau tu bổ trong dân phải được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Tài liệu sau tu bổ dù tình trạng vật lý được cải thiện nhưng không thể trở lại như mới, nên trong bảo quản và sử dụng phải được thực hiện theo giải pháp phù hợp. Bởi lẽ, có trường hợp tài liệu sau tu bổ có thể cuộn lại, nhưng cũng có trường hợp không được cuộn mà phải bảo quản trong tủ chuyên dụng… Xét về góc độ an ninh, phòng chống cháy nổ thì các cơ sở thờ tự, nhà dân không phải địa chỉ an toàn để bảo quản tài liệu quý hiếm…

Ông Phương đề xuất các địa phương nên phối hợp các trung tâm lưu trữ lịch sử tổ chức các lớp tập huấn về bảo quản tài liệu, nhất là tài liệu Hán Nôm cho các cơ sở thờ tự, cá nhân, gia đình, dòng họ trên địa bàn. Mục đích là trang bị thông tin về tài liệu, về nghiệp vụ bảo quản, khai thác sử dụng tài liệu, từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn và kéo dài tuổi thọ cho các tài liệu quý, hiếm.

“Như đền Quốc tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, Phú Thọ, trước đó, ngày 20.12.2020, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã đến đền hỗ trợ tu bổ 39 sắc phong và 1 bản đồ. May mắn Trung tâm đã giúp đền scan 40 tài liệu quý (trước khi 40 tài liệu này bị mất trộm năm 2021 - PV) và sẽ tìm giải pháp tạo phiên bản từ bản scan để tặng đền. Qua trường hợp này, theo tôi, tài liệu quý nên được bảo quản trong các kho lưu trữ chuyên dụng (lưu trữ quốc gia, lưu trữ lịch sử địa phương…) theo các hình thức ký gửi hoặc hiến tặng như một số cơ sở tờ tự đã thực hiện. Các cơ sở thờ tự có thể sử dụng phiên bản (bản phục chế) phục vụ các nghi lễ truyền thống (như Đình Đông Xã, Hà Nội đã làm)”, ông Phương nói.

Hiện nay, việc lưu trữ các tài liệu cá nhân chủ yếu trên tinh thần tự nguyện và chuyển giao tài liệu cho lưu trữ quốc gia cũng trên tinh thần này. Trong khi, tài liệu quý giá cá nhân muốn lưu giữ tại nhà nhưng nếu không được bảo quản tốt, khoa học sẽ rất dễ hư hỏng. Vì thế, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc tiếp cận cá nhân và khối tài liệu nói trên như chính sách cho lưu trữ tư nhân, cho cá nhân lưu trữ tốt…

Chủ trì thực hiện đề tài Sưu tầm, số hóa di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (2009 - 2021), ông Phạm Xuân Phượng cho rằng còn nhiều khó khăn, gian nan trên con đường bảo vệ, phát huy tối đa giá trị di sản tư liệu với nhiều hình thức nhằm đưa thông tin, tiếng nói, sức sống của di sản đến với những đối tượng khác nhau. Để làm tốt việc này, cơ quan lưu trữ, bảo tàng, thư viện từ trung ương đến địa phương cần nâng tầm sứ mệnh, là nơi trân trọng gìn giữ di sản thư tịch của dân tộc, để xây dựng, bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiếp cận nghiên cứu, học tập của nhiều đối tượng.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-cuoi-nha-nuoc-va-nhan-dan-cung-lam-i385322/