Bài cuối: Thi đua khen thưởng là động lực phát triển
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: 'Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới'.
Thấm nhuần lời dạy ấy của Người, gần 5 thập kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất rồi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, các phong trào thi đua, như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020, “đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”.
Khi thi đua trở thành động lực mạnh mẽ thực hiện công cuộc đổi mới…
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày”, sau năm 1975, khi đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các phong trào thi đua tiếp tục không ngừng được phát động. Nội dung thi đua hướng vào thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”, “Tất cả vì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… Những phong trào thi đua ấy đã góp phần nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt qua mọi thách thức, khó khăn của đất nước sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, nhất là khó khăn về kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Đặc biệt kể từ năm 1986 khi đất nước bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới khởi xướng từ Đại hội Đảng lần thứ VI, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo. Thời kỳ này, công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới, nhiều phong trào thi đua được phát động nhằm phát triển KT - XH đất nước, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các phong trào thi đua sôi nổi đã hằng ngày cổ vũ, khơi dậy, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý chí tự lực, tự cường của mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước.
Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”, “Vì Trường Sa thân yêu”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”,...
Nhiều phong trào thi đua được triển khai từ tính chất của mỗi bộ, ngành, địa phương, đơn vị cụ thể như phong trào “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong công an; phong trào “Thi đua phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm quốc gia” của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; phong trào “Học tập Bác Hồ làm báo, viết báo” của Thông tấn xã Việt Nam; phong trào “Vì một nền nông nghiệp chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành” của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam… đã khiến tinh thần thi đua trở nên hết sức sôi nổi, rộng khắp. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân, tổ chức xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước.
Trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu “Nông dân sản xuất giỏi”, “Cây sáng kiến”, “Công nhân tiên tiến tiêu biểu”, “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Thanh niên ưu tú, lập thân lập nghiệp”, “Công dân tiêu biểu”...
Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được ban hành và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng chưa từng thấy với nhiều nội dung phong phú, hình thức sinh động, đặc biệt tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả ba phong trào thi đua lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 và Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai sâu rộng, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thực hiện phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; phát hiện và nhân rộng các điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến giảm nghèo, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Hiệu quả từ những phong trào thi đua này đã là yếu tố giúp những thành tựu về xóa đói giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá đây là một trong những thành công nổi bật nhất của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Cần có mục tiêu thi đua thiết thực, tránh hình thức
“Có thể khẳng định, phong trào TĐYN đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Công tác tuyên truyền đã góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phong trào TĐYN, phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo ra khí thế mới, động lực mới cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị”- Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước Làn thứ X năm 2020.
Tuy nhiên, cũng trong bài phát biểu, Tổng Bí thư chỉ rõ, tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi; bảo đảm hài hòa các lợi ích: Lợi ích của người lao động; lợi ích của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; lợi ích của xã hội. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới. Tránh hình thức.