Bài cuối: Tiếp tục hoàn thiện chính sách để phù hợp thực tiễn
Quá trình thực hiện Chương trình 1719, tỉnh Thanh Hóa đã có rất nhiều cách làm bài bản, linh hoạt, sáng tạo để phát huy tính chủ động của các địa phương trong thực hiện chính sách; tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn khó hoặc chậm triển khai do Trung ương phân bổ vốn muộn và chậm ban hành văn bản hướng dẫn...
Bài 1: Thu hẹp “khoảng cách” miền núi và miền xuôi
25/10/2024 07:01
Tiến độ giải ngân chậm
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần trong Chương trình 1719. Trong đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp của một số dự án chậm so với yêu cầu, đặc biệt có một số dự án, tiểu dự án thành phần tiến độ giải ngân rất thấp. Điển hình là Tiểu Dự án 2 (Dự án 3) về “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện nay, việc triển khai các dự án liên kết chuỗi, dự án phát triển sản xuất cộng đồng ở các huyện khó thực hiện, do ít doanh nghiệp, HTX tham gia; mặt khác, đối tượng thực hiện phải đáp ứng 50% là hộ nghèo, hộ cận nghèo và không được trùng lặp với các đối tượng đang thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác trên cùng địa bàn; do đó, một số huyện không còn đối tượng thực hiện, dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn chậm so với yêu cầu.
Chưa kể, một số dự án, tiểu dự án chưa giải ngân như Tiểu dự án 1, Dự án 9 về Đầu tư tạo sinh kế bền vững, phát triển kinh tế - xã hội nhóm DTTS còn nhiều khó khăn. Lý giải nguyên nhân, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: hiện nay, chưa có danh sách riêng cụ thể về đối tượng, địa bàn của từng tỉnh nên không đủ căn cứ để triển khai thực hiện. Đồng thời, chưa rõ định mức, nội dung hỗ trợ của chính sách. Mặt khác, ngày 21.6.2023, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Công văn số 1017/UBDT-DTTS về việc thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9, trong đó có nội dung “Trước mắt tạm thời dừng triển khai nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi đối với hộ dân tộc còn nhiều khó khăn thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi tại Tiểu dự án 1, Dự án 9”; tuy nhiên lại chưa đưa ra được nội dung, cách thức thực hiện khác của tiểu dự án. Do đó, tỉnh Thanh Hóa chưa thể triển khai thực hiện được nội dung của tiểu dự án này.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Chương trình 1719 được ban hành từ năm 2021, nhưng đến tháng 5.2022, Trung ương mới giao vốn để thực hiện. Do đó, việc phân bổ vốn tại các địa phương chậm, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân, nhất là đối với các dự án quy mô lớn. Bên cạnh đó, các quy định, cơ chế, chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được Trung ương ban hành chậm và còn thiếu, chưa đồng bộ; một số nội dung quy định, hướng dẫn vẫn chung chung, chưa cụ thể khiến các địa phương “lúng túng” trong quá trình triển khai thực hiện. Định mức đầu tư các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 1719 còn thấp so với thực tế tại địa phương; các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719 năm 2022, 2023 là dự án khởi công mới, cần nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, do đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình...
Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn
Trên cơ sở khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu trình Chính phủ sửa đổi Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30.12.2021. Trong đó, bổ sung quy định về Chi phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3; sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9; đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt danh sách các thôn, bản vùng DTTS và miền núi nhưng không thuộc xã vùng DTTS và miền núi hoặc có văn bản hướng dẫn việc công nhận và thực hiện các chế độ, chính sách đối với các thôn này để có căn cứ triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26.4.2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021 - 2025). Trong đó, đề nghị bổ sung đối tượng các DTTS còn gặp nhiều khó khăn (thuộc Dự án 9) được hỗ trợ có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng để chăn nuôi, phát triển sản xuất qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt vào nội dung vay vốn của Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26.4.2022 của Chính phủ.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình 1719. Đa số đại biểu đồng tình với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và mở rộng đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Sau khi được Quốc hội thông qua, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương khẩn trương điều chỉnh nội dung, đối tượng của các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, dễ thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Mai Xuân Bình, mục tiêu tổng quát của Chương trình 1719 được xác định rất rõ là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, tăng thu nhập bình quân chung, quy hoạch ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển giáo dục đào tạo, y tế… tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định còn bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình theo hướng phân quyền chủ động cho cơ sở thực hiện; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để cơ sở dễ thực hiện, phù hợp với thực tiễn vùng đồng bào DTTS và miền núi.