Bài dự thi Giải báo chí về Phong trào Công nhân và hoạt động Công đoàn tỉnh Lâm Ðồng lần thứ II, năm 2023-2024: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (Bài 2)

Hài hòa, ổn định, tiến bộ là những thành tố không thể thiếu, là mục tiêu hướng tới trong xây dựng quan hệ lao động hiện nay. Thực hiện Chỉ thị số 37, ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp thực hiện tốt việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, coi đây là động lực để ổn định và phát triển kinh tế.

Bài 2: Tạo dựng quan hệ lao động bền vững

Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới

Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới

BẢO ĐẢM LỢI ÍCH HÀI HÒA, TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 12.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.937 doanh nghiệp tư nhân với tổng vốn đăng ký khoảng 142.408 tỷ đồng và trên 117.000 lao động. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lâm Đồng có 907 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần hơn 5.200 tỷ đồng.

Thời gian qua, triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về hỗ trợ doanh nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp... Ngoài ra, việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua gặp gỡ, đối thoại hàng tháng, đào tạo lao động, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đều được thực hiện tốt, được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ghi nhận, đánh giá cao. Trong ngày 22/6/2024, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp do đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, thành phần có thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với trên 40 doanh nghiệp tham dự. Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, xác định cụ thể thời gian giải quyết, công khai cho doanh nghiệp; tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp trong việc đầu tư vào tỉnh. Mới đây nhất, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đối thoại, ghi nhận những khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp; đồng thời giải đáp những vướng mắc theo tinh thần “Tồn tại ở đâu sẽ tháo gỡ tới đó”.

Nhờ chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và việc khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động mà số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng hàng năm. Mỗi năm tỉnh Lâm Đồng có trên 1.000 doanh nghiệp thành lập mới, các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng..., nhiều loại hình doanh nghiệp mới đã được thành lập. Hầu hết doanh nghiệp của tỉnh đã chủ động xây dựng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hướng đến sự phát triển bền vững, nhất là trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khai thác các lợi thế, tiềm năng của địa phương, sản xuất các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Từ những kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ doanh nhân, người lao động trong tỉnh đã giúp cho doanh nghiệp Lâm Đồng tăng cả về số lượng và chất lượng, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động mỗi năm; góp phần trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội, tăng thu ngân sách cho địa phương và ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng chủ lực trên lĩnh vực kinh tế của tỉnh.

Hầu hết doanh nghiệp xem người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong tỉnh luôn đồng hành với tổ chức Công đoàn quan tâm, chăm lo cho người lao động ngày càng tốt hơn. Ngoài việc chấp hành đúng quy định pháp luật về lao động, tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã cùng tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều chính sách tốt hơn cho người lao động so với quy định pháp luật như: hỗ trợ tiền ăn ca, xăng xe, điện thoại, tham quan, du lịch, tiền thưởng năng suất, tiền lương tháng thứ 13 và 14...

Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh cũng tích cực tham gia và thực hiện tốt các hoạt động vì cộng đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương, nhất là vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng nhiều công trình do các doanh nghiệp tài trợ và giúp đỡ. Ông Đinh Minh Quý - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã cùng Hiệp hội tham gia nhiều hoạt động công tác từ thiện xã hội với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đợt ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đóng góp hơn 4,6 tỷ đồng như: Công ty TNHH Dalat Hasfarm ủng hộ 750 triệu đồng; Vietel Lâm Đồng ủng hộ 580 triệu đồng; Công ty Xăng dầu Lâm Đồng ủng hộ 500 triệu đồng; VNPT Lâm Đồng ủng hộ 370 triệu đồng...

Về phía tổ chức Công đoàn và người lao động, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 02, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Chỉ thị số 16, ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động qua các phong trào, hoạt động thiết thực, cụ thể như: “Công nhân Lâm Đồng làm theo lời Bác”; Tháng Công nhân; Tết sum vầy; bữa cơm công đoàn… Qua đó chăm lo tốt hơn cho người lao động và xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển; đồng hành cùng người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ GẮN BÓ GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vai trò, những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và lực lượng công nhân lao động đối với nền kinh tế và an sinh xã hội của quốc gia. Điều đó đã được thể hiện rõ nét trong quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và lực lượng công nhân lao động như: Chỉ thị số 37, ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; Nghị quyết số 41, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 16, ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động...

Đối với Lâm Đồng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; khơi dậy và phát huy vai trò, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng lực lượng công nhân lao động trong xây dựng tỉnh nhà. Một trong số những hoạt động cụ thể, thiết thực đó là Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh xét chọn và biểu dương “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động - Người lao động tiêu biểu vì doanh nghiệp” hàng năm. Qua đó, nhiều doanh nghiệp tiêu biểu chăm lo cho người lao động được Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương, nhiều doanh nghiệp được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh, tạo động lực và sự lan tỏa để các doanh nghiệp có nhiều hoạt động vì người lao động, tích cực cải thiện môi trường làm việc của người lao động, quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, hướng tới mục tiêu doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, bền vững, người lao động ngày càng tiến bộ, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Hoàng Liên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, việc biểu dương “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động - Người lao động tiêu biểu vì doanh nghiệp” nhằm lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng lực lượng công nhân lao động và các cấp công đoàn về học tập và làm theo Bác; góp phần thiết thực xây dựng cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng công nhân lao động tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đây cũng là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn và hệ thống chính trị trong tỉnh ghi nhận, khuyến khích và tạo sự lan tỏa về các doanh nghiệp, về người lao động gương mẫu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở mỗi ngành nghề, lĩnh lực sản xuất, kinh doanh. Qua đó góp phần quảng bá thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, lan tỏa về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; khích lệ người lao động thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, nâng cao năng lực, trình độ, năng suất và hiệu quả lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp được biểu dương “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”, trên thực tế vẫn còn doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; có doanh nghiệp nợ lương người lao động... Vì vậy cần tiếp tục duy trì biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động để lan tỏa sâu rộng những doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động, qua đó tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm các doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để tránh việc người lao động đình công, khiếu kiện, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Qua đó, xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động là mối tương quan hài hòa, gắn bó, thúc đẩy phát triển bền vững.

TUẤN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/bai-du-thi-giai-bao-chi-ve-phong-trao-cong-nhan-va-hoat-dong-cong-doan-tinh-lam-ong-lan-thu-ii-nam-2023-2024-xay-dung-quan-he-lao-dong-hai-hoa-on-dinh-va-tien-bo-trong-doanh-nghiep-bai-2-c7401ff/